27/06/2016 09:35 GMT+7 | Ký sự Euro
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một cảnh bất hủ của điện ảnh: Brigitte Bardot, lúc ấy mới 22 tuổi, bốc lửa, đầy nhục dục, nằm sấp và hoàn toàn khỏa thân trên một bãi cát của Saint-Tropez. Cạnh nàng là một tấm khăn trong suốt. Có bóng của một người đàn ông in lên đó. Chính cảnh đó và một vài cảnh khác nữa trong phim “Et Dieu créa la femme” (Và Thượng đế tạo ra đàn bà, 1956) đã khiến làng chài nhỏ bé này trở thành một nơi nổi tiếng trên thế giới, với những party, du thuyền, những ngôi sao Hollywood, cuộc sống giàu sang. Nhưng đấy không phải là nơi mà EURO tồn tại.
Đây không phải thiên đường, nhưng đấy cũng là Saint-Tropez, một nơi đã quá nổi tiếng trên thế giới không chỉ vì vẻ đẹp của những bãi biển cát trắng và nước xanh một cách rất đặc biệt (chính vì thế, người ta gọi đây là “Bờ biển Thiên thanh”), mà còn là nơi mà sự giàu sang được phô bày một cách tự hào nhất: Rất nhiều du thuyền đắt tiền của dân nhà giàu đậu trong cảng, và họ thích thú trước sự trầm trồ của du khách cầm smartphone chụp họ; rất nhiều váy xống đắt tiền của những người đẹp lướt đi trên phố; những xe hơi sang trọng diễu qua như một đám rước và những con phố dài, hẹp và đẹp như mơ.
Người ta đến đây để tiêu tiền, để cảm thấy mình đang sống trong một thế giới của sự sang trọng hoặc mơ ước sẽ được như thế, hoặc để hưởng thụ đẳng cấp mà họ cho là xứng đáng được hưởng. Họ không đến đây để xem EURO, dù các quán bar trên khu cảng cũ hoặc các phố bật các trận đấu được truyền trực tiếp trên màn hình tivi. Hôm tôi qua Saint-Tropez, EURO đang đá các trận vòng knock-out, nhưng hầu hết khách ngồi quay lưng lại màn hình và hướng ra phía biển. Lác đác dăm lá cờ Pháp trên các khung cửa sổ. Không, EURO không tồn tại ở nơi này. Có nhiều thứ trên đời quyến rũ và cám dỗ hơn nhiều trái bóng, và chúng đều tồn tại ở Saint-Tropez.
Hai trong số hàng trăm du thuyền đắt tiền đang đậu trong cảng Saint-Tropez. Ảnh: Anh Ngọc60 năm sau “Và Thượng đế tạo ra đàn bà”, Saint-Tropez trở nên nóng bỏng hơn khi mùa hè tăng nhiệt độ vào cuối tháng 6. Bến cảng đầy những du thuyền đắt tiền từ khắp nơi trên thế giới về đây tụ hội, giống như một cuộc biểu dương lực lượng của giới có tiền; những party diễn ra trong một cuộc sống về đêm bận rộn và ầm ỹ; những villa sang trọng chào đón các quý khách giàu có, và đến Saint-Tropez bây giờ giống như một điều bắt buộc đối với dân có tiền và dân ham chơi.
Những bi kịch vỡ mộng đời theo kiểu của phim “Bonjour, tristesse” (Buồn ơi, chào mi), dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Francoise Sagan và lấy bối cảnh ở Saint-Tropez, dường như không còn thích hợp nữa. Kiểu nhạc cũ kĩ và lời thơ khá lành của Pink Floyd trong bản “San Tropez” (1971) giờ chẳng mấy người nghe nữa. Saint Tropez bây giờ phải dậm dật, mạnh mẽ như bản “Welcome to Saint-Tropez” của MC Antoine và Timati. Lời của Pink Floyd trong bài đó, đoạn “Anh nghe giọng nói dịu dàng của em gọi anh/Để hẹn hò một lần nữa qua điện thoại/Nếu em cô đơn thì anh sẽ trở về nhà” có vẻ buồn, theo một kiểu lãng mạn của những năm xưa cũ. Lời của thời hiện đại với MC Antoine khác hẳn, thực dụng, tiền bạc, ăn chơi, đàng điếm. Tình yêu lãng mạn của ngày xưa đã lỗi mốt rồi. Lời bài hát của MC Antoine có đoạn: “Ở đây chẳng có gì tiền không mua được/Dolce, Gucci và Louis V/Du thuyền quá lớn anh có thể sống ngay trên biển”, và “Whoa, hãy party thôi/Có quá nhiều tiền trong nhà băng/Vung tay lên khiến em hét vang/Khi chúng ta đang ở Saint-Tropez”.
Brigitte Bardot trong một cảnh nóng bỏng của "Và Thượng đế đã tạo ra đàn bà" (1956).Đã có quá nhiều thay đổi trong những năm qua. Brigitte Bardot đã vài lần trở lại nơi đã khiến cả bà và bộ phim trở nên nổi tiếng và cả tai tiếng, bởi vào thời điểm những năm cuối thập niên 1950 ấy, khỏa thân trên màn bạc là một điều cấm kị, và những bộ bikini giống như những quả bom bùng nổ, mở đầu cho một cuộc cách mạng tình dục. Nhưng ở đây, hình ảnh của bà không còn xuất hiện ở đâu nữa. Tuy nhiên, những gì bà đã làm sáu thập niên trước-khỏa thân trên bãi biển Saint-Tropez, giờ là điều quá bình thường ở nơi này. Saint-Tropez bị bao vây bởi các bãi tắm nude, nổi tiếng nhất là bãi Tahiti và Escalet. Cơ thể trần trụi của nam và nữ giữa đất trời như Adam và Eva được ngợi ca vì sự gần gũi với thiên nhiên như trở về với thuở hồng hoang. Việc khoe xác thịt không được coi là vô đạo đức, và những con rắn và quả táo như trong câu chuyện về người đàn ông và đàn bà của Kinh Cựu ước chẳng có ý nghĩa gì nữa. Tiền là tất cả và không gì hơn thế nữa.
Saint-Tropez đơn giản là nơi người ta sống, chơi bời, nhảy nhót, tiêu tiền, một dạng Las Vegas có biển xanh trước mặt. Cũng chẳng ngạc nhiên khi những ngôi sao của thế giới luôn xuất hiện ở nơi này, và họ có thể đi trên phố, ngay trước mặt bạn, ăn ở một quán mà bạn ngồi trong đó, hoặc trên một du thuyền nào đó đậu trong bến cảng. Cristiano Ronaldo đã ở Saint-Tropez với người tình vào cuối tháng 5, trước EURO này. Những tấm ảnh anh mình trần trên du thuyền đã được các paparazzi chụp. Mới rồi người ta cũng chụp được cảnh ca sĩ của “What do you mean” và “Sorry” Justin Bieber đang đi dạo trên một con phố của Saint-Tropez vào lúc 2 giờ sáng. Danh sách những người mẫu, diễn viên điện ảnh, cầu thủ bóng đá… đến đây quanh năm rất dài. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Roger Vadim, đạo diễn phim “Và Thượng đế tạo ra đàn bà”, cũng là chồng đầu tiên của Brigitte Bardot đã được chôn ở thành phố này, như một sự tri ân, vì ông đã khiến Saint-Tropez và cả Brigite Bardot trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Hôn nhau trên phố Saint-Tropez. Ảnh: Anh NgọcSaint-Tropez chiều xuống thơm mùi đồ ăn, mùi của biển, cả mùi của nước hoa quý phái cho phụ nữ và vang tiếng động cơ xe sang trọng, tiếng nhạc của các quán, tiếng hát của những người yêu đời trong một cuộc vui nào đó. Ở một cửa sổ khép hờ của Saint-Tropez bỗng vang lên tiếng bình luận bóng đá. Tiếng khán giả hò hét, tiếng những khán đài như sôi lên, tiếng một người đàn ông la lên sau một đường bóng. Đấy có lẽ là người duy nhất ở Saint-Tropez này quan tâm đến EURO? Có thể thế, cũng có thể không. Nhưng rồi tiếng tivi ấy nhanh chóng bị át đi một cách tàn nhẫn bởi tiếng động cơ của một chiếc Lamborghini trắng vừa vút qua. Bóng đá ư? Không, đây là Saint-Tropez…
Saint Tropez không chỉ để tiêu tiền… … Mà còn để cười nữa. Rất nhiều thế hệ khán giả sẽ không thể quên được những thước phim “Le gendarme de Saint-Tropez” (Cảnh sát ở Saint-Tropez, 1964) với diễn xuất của danh hài Louis de Funes. Thành phố cảng đẹp đẽ của vùng Bờ biển Thiên Thanh hiện lên trong những cảnh quay hành động hài của bộ phim trong serie “Le gendarme” (Cảnh sát), với 5 phần khác nhau, nổi tiếng trong những năm 1960 và đầu 1970. Bộ phim đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của ngày ấy: những người tắm khỏa thân ở Saint-Tropez. Cùng với các đồng nghiệp mẫn cán, Ludovic Cruchot (Louis de Funes đóng), một người khó tính, láu táu, bắng nhắng nhưng đôi khi rất láu cá, dưới sự chỉ huy của cai đội Gerber (Michel Calabru đóng, ông này mới mất hồi tháng 1 vừa qua), chịu trách nhiệm tuần tra và gìn giữ trật tự ở Saint-Tropez. Họ đã phải đối mặt với một nhóm những người thích tắm nude ở bãi biển Saint-Tropez và cuối cùng, nhờ mưu mẹo của Cruchot mà cả nhóm này bị bắt. Phim có rất nhiều cảnh hành động trên các con phố của thành phố cũng như con đường ngoằn ngoèo trên dãy đá Maures dẫn đến Saint-Tropez. Những động tác biểu cảm bằng gương mặt và động tác của Louis de Funes trong phim đã nâng ông lên thành một huyền thoại nhờ phim này và 4 phần tiếp theo đó của serie, với toàn bộ hoặc một phần bối cảnh là ở Saint-Tropez. Louis de Funes qua đời năm 1983 và được coi là một trong số những diễn viên hài vĩ đại nhất trong điện ảnh Pháp. Có không dưới 30 phim, chủ yếu của Pháp, được quay ở Saint-Tropez. Các phim nổi tiếng nhất là “Và Thượng đế tạo ra đàn bà” (1956), “Bonjour, tristesse” (Buồn ơi, chào mi, 1958), “Two for the road” (1967, với Audrey Hepburn), “La piscine” (Cái bể bơi, 1969, với Alain Delon và Romy Schneider), “L’année des meduses” (Năm của bầy sứa, 1984, kể về một cô gái mới lớn xuất hiện với bộ ngực trần bên bãi biển Saint-Tropez để tìm cách quyến rũ người tình của mẹ mình) và phim hành động “Transporter” (Người vận chuyển, 2002, với Jason Statham và Thư Kì). Saint-Tropez cũng có một đội bóng. Đội FC US Tropeziene của thành phố hiện đang chơi ở hạng nghiệp dư. |
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Saint Tropez, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất