12/06/2016 09:03 GMT+7 | Euro 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Một người bạn Pháp đã lắc đầu khi nghe tôi nói rằng, tôi muốn vào đó một mình. Anh gọi điện cho một người bạn gốc Algeria để nhắn anh ấy đi với tôi, để rồi sau đó thất vọng nói lại rằng, người đó bận, và tốt nhất là tôi nên tìm một cách khác để đảm bảo an toàn cho bản thân. Một cậu em người Việt đã sống ở đây 10 năm qua cũng khuyên tôi không nên tới La Castellane. “Khu ấy quá nguy hiểm”, cậu nói.
… Nhưng điều ấy không ngăn cản được tôi đến đây, La Castellane, khu cùng đinh của Marseille, một biểu tượng của nước Pháp quá khứ trong lòng nước Pháp hiện đại và là tấm gương phản chiếu những vấn đề nghiêm trọng mà đất nước ấy đã và đang phải đối mặt: thất nghiệp, đói nghèo và nhập cư. Nhưng chính ở đấy, trong khu G, một khu chung cư cũ kĩ được xây lên từ năm 1971, huyền thoại và là một biểu tượng của chính Marseille, chính nước Pháp đa chủng tộc đã chào đời, đã sống những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, đã thực hiện những đường bóng đầu tiên của thời niên thiếu trong một mảnh sân nhỏ gần đó cùng với những đứa trẻ có cùng nguồn gốc Algeria với anh. Anh là Zinedine Zidane.La Castellane không giống như những khu cùng đinh của Nam Phi như Johannesburg hay Pretoria West tôi đã đi qua, càng không giống như những “favelas” mà hàng triệu người đang sống ở Rio de Janeiro. Ở đó, hàng trăm nghìn người da màu đang làm tất cả những gì có thể để tồn tại trong cuộc sống nghèo nàn, bệnh tật và thất học. Ở đó, Rio de Janeiro, những khu rừng chằng chịt các ngôi nhà lụp xụp với dây điện chạy lùng bùng khắp nơi, cống rãnh và đường xá chen lấn, những cuộc đời của bao người có tên và không tên đang tồn tại một cách hoặc thoi thóp, hoặc thật mạnh mẽ trong đó, và vật lộn để sống giữa hai làn đạn, một bên là cảnh sát, bên kia là các băng nhóm buôn lậu ma túy. La Castellane khác hẳn về hình thức, nhưng không khác lắm về bản chất. Đấy là những chung cư dù cũ kĩ nhưng không cáu bẩn, tróc lở và trông như sắp sụp đổ. Được tạo nên từ những năm 1960 ở ngoại thành Marseille, với những khu nhà chằng chịt như mạng nhện, với hơn 5 nghìn dân, chủ yếu là dân nhập cư từ Algeria, đảo Comore, Maroc và Tunisi, đấy chính là "trái tim ma túy" của Marseille.
La Castellane nằm ở ngoại ô Paris
Ở nơi đây, chẳng có tuần nào mà không có những cuộc bắn giết thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng, những đứa trẻ nhập cư mải chơi trong các khoảnh sân với cái nhìn ráo hoảnh, những thanh niên phóng scooter đầu không đội mũ bảo hiểm và mắt trông chừng người lạ đi vào, những con đường khá bẩn thỉu và khai mùi nước tiểu. Vấn đề lớn nhất của Castellane là đói nghèo, thất nghiệp, thất học và từ đó sinh ra tội phạm ma túy. Hầu hết người sống ở đây là thanh niên, chủ yếu là con cái của những người gốc Bắc Phi thuộc địa cũ của Pháp nhập cư vào đây từ những năm 1960. Ở đây, cứ 2 người thì 1 dưới 25 tuổi và tỉ lệ thất nghiệp lên tới gần 40%. Chính ở nơi ấy, huyền thoại của nước Pháp đã ra đời và lớn lên ở đây, đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ đầu tiên cùng gia đình mình, những người gốc Algeria, ở một trong những khu nghèo nàn và giàu chất nhập cư nhất của Marseille cũng như miền Nam nước Pháp.
Đấy là một chung cư cũ kĩ vô cùng, trong khu G. Nó được xây lên vào năm 1971 và đã từng được coi là một biểu tượng của Castellane. Đơn giản bởi đó là nơi gắn liền với cái tên Zidane. Nhưng biểu tượng ấy không còn nữa, vào một ngày tháng 5 mới rồi. Người ta đã phá nó đi và cũng sẽ phá hầu hết các tòa nhà cũ khác trong Castellane để từ đó xây lên các chung cư mới, coi đó như một trong những cách để chống lại đói nghèo và tội phạm. Ở Castellane, có nhiều người sống trong nuối tiếc. Sự biến mất của khu G đồng nghĩa với sự khép lại của một thời kì, một hình ảnh, một tên tuổi huyền thoại, người đã chơi những trận bóng đầu tiên của đời mình ở quảng trường Tartane của khu Castellane. Nhưng bởi Castellane là biểu tượng của một Marseille đầy rẫy vấn đề liên quan đến người nhập cư và tội phạm, nên người ta muốn thay đổi hình ảnh xấu xí ấy để tạo ra một đôi thị nhỏ khác cho người nhập cư, vốn chiếm tới hơn 1/3 dân số của thành phố biển đẹp đẽ, có những nét rất giống Barcelona, Naples hay Buenos Aires này.
Hôm tôi vào Castellane, những hình ảnh đập vào mắt không phải là cảnh sát đứng gác hay những thanh niên 16, 17 tuổi người Maroc lao ra đập xe và đuổi chúng tôi đi. Chuyện đó không xảy ra. Nhưng xương sống bắt đầu lạnh khi xe chạy vào một khu nhỏ, với những thanh niên bịt mặt đang ngồi ở một góc và trừng mắt nhìn chúng tôi, khi những thanh niên lái xe máy vụt qua và nhìn trong xe tôi. Và rồi, xe của một thanh niên dừng lại cạnh tôi. Bằng một giọng tiếng Anh lơ lớ, anh ta bảo là chúng tôi đã ở đủ lâu trong khu này, cần phải rời đi và đừng chụp nhiều ảnh. Khi ấy, tôi đang đứng trước khu đổ nát mà mới đây thôi từng là nơi mà Zidane và gia đình anh đã sinh sống nhiều năm dài. Tôi bảo tôi đến đây để tìm nhà của Zidane. Tay thanh niên cười và khuyên tôi nên rời nơi này. Câu nói đó giống như một lời cảnh báo. Có thể, cậu này chính là một trong số họ, và tôi cười khi cậu ta nói rằng, nếu tôi cứ chụp ảnh trong khu này, mọi người ở đây sẽ nghĩ tôi là cảnh sát. “Ở đây, không ai thích cảnh sát”, cậu ta nói.
La Castellane là thế. Bên trong cái vẻ như yên ả và bình thản ấy là những cơn sóng ngầm mà ta không thể cảm nhận được, nếu như ta không nhận được các “thông điệp”. Có ai đó muốn tốt cho tôi, hoặc thực ra cũng là để cảnh cáo tôi không đụng chạm đến cái mà cậu thanh niên nói, là “ở đây việc làm ăn vẫn rất tốtƯ (the business is big, nguyên văn tiếng Anh, với business ám chỉ việc kinh doanh ma túy). Trước khi tôi đến Castellane, một người đàn ông Pháp đã nói với tôi rằng, “họ” sẵn sàng bán ma túy cho tôi nếu như “họ” cảm thấy có thể tin được tôi. Còn nếu không, họ sẽ đuổi khéo tôi đi. Cậu thanh niên kia đã làm thế. La Castellane không lớn như Khayelitsha hay những khu favela của Rio de Janeiro, những nơi tôi đã vào và suýt không thể sống sót để trở về nhà được trong các chuyến đi tới Nam Phi và Brazil các năm 2010 và 2014. Nhưng chung cư của nó nhìn bên ngoài cũng “sạch sẽ” hơn, dân cư ở đây cũng ít hơn, nhưng bức tranh xã hội thì cũng thế, không hề khác.
La Castellane ở ngay cạnh biển
Zidane đã lớn lên ở nơi đây. Người dân nơi này vẫn nhắc đến anh với niềm tự hào. Những khu nghèo đói đã sinh ra Romario ở Brazil hay như khu Barivecchia đã từng sinh ra Cassano ngày xưa cũng rất tự hào như thế. Nhưng không có tấm biển nào được dựng lên để ghi nhớ họ hết. Ngôi nhà của Zidane, nhà vô địch World Cup 1998 và EURO 2000, thậm chí đã bị phá đi chỉ hai tuần trước khi anh đưa Real Madrid đến chiếc Cúp vàng Champions League. Và một ngày trước trận khai mạc EURO, cảnh sát đã tịch thu gần một tạ cần sa và thẩm tra 6 người có liên quan trong một cuộc bố ráp. Cuộc sống nơi đây vẫn tiếp diễn. Những cuộc thanh trừng giữa các băng nhóm cũng thế. Chưa có gì thay đổi.
Thành phố Hồi giáo nhất Châu Âu, trong suy thoái và nguy cơ khủng bố Marseille đối với tôi không phải là sự quyến rũ của khu cảng cũ, những nơi du khách hàng ngày lui tới, nơi đám cổ động viên Anh đang thể hiện sức mạnh của họ bằng những câu hát và cả những lời thách thức lực lượng cảnh sát, càng không phải là những cửa hàng sang trọng, các dãy thuyền buồm sang trọng. Không, Marseille với tôi là đây, những khu dân cư như Castellane này.
Có một bầu không khí vẩn đục của sự nghèo nàn và xuống cấp đang bao trùm nơi này. Những chung cư có tường ngoài tróc lở và nhìn như sắp đổ sụp, những cửa sổ long ra và ban công như những cái răng khấp khểnh trong một cái mồm xấu xí. Có những khu của Marseille nhìn không khác gì những khu phố của Ai Cập hay Algeria. Nhà chính trị học Gilles Keppel đã viết rằng, Marseille chính là thành phố Hồi giáo nhất Châu Âu. Trong những chương đầu của cuốn sách “Passion Francaise” (Niềm đam mê Pháp), ông đã mô tả thành phố có 300 nghìn trong tổng số 900 nghìn dân ở đây theo Hồi giáo là một thành phố kiểu Algeria, được định nghĩa bằng một sức trẻ của những người sinh ra sau những cuộc chiến tranh thuộc địa hơn nửa thế kỉ trước, và khi nhận ra rằng mình không thể thoát khỏi đói nghèo, định kiến và phân biệt đối xử, “họ cảm thấy tức giận và bất mãn”. Thậm chí, một cảm giác khác xuất hiện sau khi tôi đến đây và nói chuyện với vài người, là bản thân nhiều người Pháp không theo Hồi giáo ở Marseille cũng cảm thấy tiếc nhớ cho một quá khứ, tuy không quá bình yên, nhưng an toàn hơn, khi cuộc sống của họ không bị đe dọa bởi những người đồng bào gốc Bắc Phi, nhiều trong số đó còn rất trẻ, và sống trong bạo lực, bằng cướp giật và thể hiện sự thù hận. Nhưng nếu nhìn từ La Castellene, vấn đề lớn mà Marseille đang phải đương đầu từ cộng đồng ấy nói riêng và sự tha hóa xã hội nơi đây không phải là khủng bố, mà là ma túy, với “doanh thu” hàng trăm triệu euro mỗi năm? Không, nguy cơ khủng bố ấy tồn tại. Theo nhật báo địa phương “La Marseillaise”, nguy cơ Hồi giáo cực đoan “pha trộn” vào tội phạm là rất cao. Hơn 150 người Marseille, chủ yếu là người gốc Bắc Phi theo Hồi giáo, đang nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của cảnh sát vì bị tình nghi có cảm tình với IS! |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất