Chiến thuật & Lối chơi: Antoine Griezmann và bài toán cân bằng

15/06/2016 20:04 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Pháp đang sở hữu một trong những cầu thủ tấn công đa năng, kỹ thuật nhất thế giới là Antoine Griezmann. Nhưng sử dụng cầu thủ này ra sao lại không phải vấn đề dễ dàng.

Trong chiến thắng trước Romania ở trận khai màn vòng chung kết EURO 2016, Pháp đã sử dụng sơ đồ 4-3-3 với một đội hình ra sân không gây bất ngờ. Trong đó, bộ ba hàng công gồm Dimitry Payet chơi lệch trái, Antoine Griezmann chơi lệch phải và Olivier Giroud ở trung tâm.

Sự khác biệt giữa Payet và Griezmann

Dĩ nhiên đây là hai cầu thủ hoàn toàn khác nhau cả về phong cách thi đấu và rất có thể cả vai trò nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất nằm ở cách di chuyển không bóng của họ.

Khi Pháp triển khai tấn công, Payet thường giữ vị trí tại biên trái. Anh sẽ chỉ di chuyển bó vào trung lộ khi nhận được bóng, hoặc trong trường hợp muốn tạo ra khoảng không để Blaise Matuidi dâng lên – đây là một trong những cách di chuyển sở trường của Matuidi.

Ở cánh đối diện, Griezmann thể hiện cách di chuyển hoàn toàn ngược lại. Anh không giữ vị trí của mình ở biên, mà lập tức có mặt ở trung lộ khi đội triển khai bóng. Điều này trên lý thuyết sẽ giúp cho Bacary Sagna có khoảng trống ở phía trước, tuy nhiên lại không thực sự hợp lý vì một vài lý do.

Trước hết, sự dâng lên của Sagna khi ấy sẽ là dễ bị “bắt bài” trước. Ở cánh này, Romania thường có sự đảm bảo của một tiền vệ biên và một hậu vệ biên, thế nên các pha dâng cao của Sagna thường không đạt hiệu quả tối ưu.

Sissoko kêu gọi ngưng chỉ trích Pogba và Griezmann

Sissoko kêu gọi ngưng chỉ trích Pogba và Griezmann

Tiền vệ của CLB Newcastle United và ĐT Pháp – Moussa Sissoko – đã lên tiếng kêu gọi báo giới nước Pháp ngưng các chỉ trích nhắm vào Paul Pogba và Antoine Griezmann.

Việc Paul Pogba thường chủ động lùi thấp và tham gia công tác điều phối bóng từ tuyến dưới cùng càng khiến cho khu vực cánh phải của Pháp trở nên thiếu thốn nhân sự hơn. Ngược lại, cánh trái luôn có Evra, cộng thêm Matuidi hoặc Payet.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Cách di chuyển của Griezmann dĩ nhiên đã khiến Pháp trở nên mất cân bằng trong triển khai tấn công. Tuy nhiên, nó cũng mang tới một số lợi ích nhất định – dù Pháp chưa thể tận dụng lợi ích này.

Một điểm đáng chú ý trong cách vận hành phòng ngự của Romania là hàng hậu vệ của họ dâng lên khá cao, sát vào hàng tiền vệ. Đây không phải một điều quá mới mẻ, rất nhiều HLV đã áp dụng phương pháp tương tự cho đội bóng của mình để thu hẹp khoảng không giữa hàng tiền vệ và hàng hậu vệ.

Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa rằng khoảng trống sau lưng các hậu vệ Romania mở ra lớn hơn bình thường. Khi ấy, nếu có một cầu thủ tấn công tốc độ, cơ hội cho đối thủ ăn đòn “gậy ông đập lưng ông” là rất lớn.

Nhưng Pháp đã không tận dụng được thời cơ ấy. Griezmann đã liên tục có những pha “ngồi trên vai” hàng hậu vệ đối thủ, giơ tay ra hiệu và di chuyển cắt mặt, nhưng hầu như các đồng đội của anh đều không nhận ra hoặc không thể chuyền bóng hiệu quả. Payet là người duy nhất thực sự mang tới những cú chọc khe mà Griezmann chờ đợi, nhưng tần suất là quá thấp.

Sự thay đổi của Deschamps

Có lẽ HLV trưởng tuyển Pháp, Didier Deschamps đã nhận ra điều này khi sớm đưa Kingsley Coman vào thay Griezmann ở phút thứ 66. Khác với Griezmann, Coman thường xuất phát rất rõ ràng ở biên phải trước khi di chuyển xâm nhập dần vào trung lộ. Anh cũng luôn chọn vị trí chéo góc với Sagna, qua đó giúp đồng đội có nhiều lựa chọn (rê bóng dọc biên hoặc chuyền thuận lợi). Đây chính là cách chơi Coman đã được đào tạo trong một năm thi đấu tại Bayern Munich.

Pháp qua đó tấn công có phần ổn định hơn, khi đạt được sự cân bằng đội hình. Tuy nhiên Romania càng về cuối trận càng lùi thấp hơn, đặc biệt sau bàn thắng của Bogdan Stancu ở phút thứ 65.

Deschamps quyết định thay Paul Pogba bằng Anthony Martial, chuyển sơ đồ chiến thuật sang 4-2-3-1 với bộ ba Martial (lệch trái), Coman (lệch phải), Payet (trung tâm) chơi sau lưng tiền đạo Giroud. Matuidi không còn dâng cao, thay vào đó trụ ở trung tâm để luân chuyển bóng.

Thực chất, đây không phải một lựa chọn quá đáng khen, bởi Romania đã rất nỗ lực trong việc bóp nghẹt không gian giữa hàng tiền vệ và hậu vệ của họ. Đưa Payet vào vị trí “số 10” vô tình đã khiến anh kẹt trong hai lớp phòng ngự này. Tuy nhiên chiến thuật đôi khi không phải tất cả - một khoảnh khắc tự tin, ngẫu hứng của Payet trong không gian chật hẹp ấy đã mang về 3 điểm trọn vẹn cho Pháp.

Kết luận

Vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về Griezmann (và Pogba) trong giải đấu này. Trên thực tế, họ vẫn thể hiện được đẳng cấp trước Romania, dù chưa bộc lộ được hết. Thái độ của họ khi rời sân cho thấy rằng cả hai ngôi sao này đều đang chấp nhận cúi đầu vì lợi ích tập thể khi cần thiết (rất khác với... Aaron Ramsey khi tưởng rằng mình sẽ bị thay ở trận Xứ Wales – Slovakia).

Làm sao để sử dụng tốt hai cầu thủ này? Thử thách đang chờ đợi HLV Didier Deschamps.

Payet đang là cầu thủ kiến tạo tốt nhất EURO

Loạt trận đầu tiên vòng bảng EURO 2016 đã kết thúc với những thống kê đáng mừng cho Dimitry Payet nói riêng và Pháp nói chung. Ở số liệu về những đường chuyền quyết định (đường chuyền dẫn đến cú sút của đồng đội), Payet đang là người đứng đầu với 8 lần “dọn cỗ”. Một trong số đó đã được Olivier Giroud chuyển hóa thành bàn thắng.

Payet đã thực sự chinh phục toàn bộ châu Âu với màn trình diễn trước Romania. Một số tờ báo hàng đầu nước Pháp đã so sánh Payet với Zinedine Zidane trong số báo sau ngày khai màn EURO 2016. Xếp sau Payet là một cái tên tương đối bất ngờ: Marouane Fellaini. Cầu thủ người Bỉ đã tạo ra 7 đường chuyền quyết định trước Italy, nhưng không thể giúp cho đội nhà chọc thủng lưới đối thủ.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm