CHIẾN THUẬT: Đức và màn trình diễn của bóng đá hiện đại

14/06/2016 15:56 GMT+7 | Tranh cãi

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mà Tây Ban Nha chưa xuất quân, Đức đã kịp thời khiến cho giải đấu phải choáng ngợp trước một thứ bóng đá hiện đại và đáng sợ. Hiệu quả vẫn có thể được cải thiện hơn nữa nếu các cầu thủ tuyến trên cùng tìm được cảm giác bóng tốt nhất.

Màn trình diễn của thầy trò Joachim Loew có thể chia ra thành hai công tác cơ bản: Tấn công và phòng ngự.

Tấn công: Tiến lên bằng khoảng trống

Điều đầu tiên có thể nhận thấy trong cách lên bóng của Đức là việc bóng luôn qua chân Toni Kroos hoặc Jerome Boateng. Không có gì ngạc nhiên khi Kroos đã thực hiện 112 đường chuyền còn với Boateng là 101 lần - họ cũng là hai cầu thủ chuyền nhiều nhất trận. Độ chính xác vô cùng đáng nể, lần lượt là 92,9% và 89,1%.

Để làm được điều này, Kroos đã lùi khá thấp còn Boateng thì dâng lên cao hơn so với một trung vệ thông thường. Tuy nhiên, khả năng chuyền bóng của họ là chưa đủ. Những pha tỉa bóng từ tuyến dưới cùng này được hiệu quả hóa với những pha di chuyển vô cùng linh hoạt của các mắt xích tuyến trên. Cự ly đội hình của Đức là hoàn hảo.

Chiến thuật: Loew giải bài toán hậu vệ biên như thế nào?

Chiến thuật: Loew giải bài toán hậu vệ biên như thế nào?

Trong 10 năm qua, Philipp Lahm là hậu vệ biên hay nhất của nước Đức, tính cả biên trái lẫn biên phải. Sau khi Đức vô địch World Cup 2014, anh tuyên bố giã từ sự nghiệp ĐTQG. Và thế là Đức... rối loạn.

Những Thomas Mueller, Mario Goetze, Mesut Oezil, Julian Draxler đã liên tục “đột nhập” vào những khoảng trống nhỏ giữa hai lớp phòng tuyến của Ukraine. Khả năng xử lý trong phạm vi hẹp của họ được phát huy tối đa với kỹ thuật cơ bản cực tốt. Cầu thủ Đức gần như chỉ sử dụng 2-3 chạm để nhận và chuyền bóng đi. Họ dễ dàng đưa bóng sâu xuống phần sân đối thủ cũng như kiểm soát thế trận.

Tới bước cuối cùng, Đức đã thực hiện tới 16 đường chuyền mang tính chất quyết định, 18 cú dứt điểm (61% diễn ra trong vòng cấm địa) - những con số đáng thán phục. Hai bàn thắng dường như là chưa đủ để thể hiện khả năng tấn công của Đức.


Phòng thủ: Hiện đại nhưng liều lĩnh

Một điểm đáng chú ý của giải đấu năm nay là không thực sự xuất hiện nhiều đội bóng chơi pressing từ xa. Dù nhiều đội đẩy hàng thủ lên khá cao (khoảng 35-40 mét cách khung thành nhà), nhưng hầu hết đều chọn giải pháp phòng ngự thụ động thay vì chủ động nhào về phía trước.

Đức là ĐTQG gần như đầu tiên thực sự mang trào lưu đang ngày một phổ biến ở cấp CLB vào vòng chung kết EURO 2016. Họ đẩy hàng thủ dâng lên rất cao (hầu như luôn từ 40-50 mét so với khung thành nhà) và thực hiện pressing từ xa chủ động, sẵn sàng áp sát tới tận khung thành đối phương.

Dĩ nhiên đi kèm với sự liều lĩnh ấy là một vài pha bóng Đức phải chịu nguy hiểm. Khi tiền vệ phải Andriy Yarmolenko hoặc tiền vệ trụ Serhiy Sydorchuk của Ukraine rê dắt thành công, lập tức hàng thủ Đức sẽ phải chịu áp lực. Tuy nhiên, họ đã đối đầu với những pha bóng này tương đối bản lĩnh. Manuel Neuer đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc để giúp mành lưới Đức không rung lên.

Điều đáng chú ý khác là Đức đã áp dụng một phương pháp phòng ngự phạt góc vô cùng hiện đại, đó là phòng ngự khu vực tối đa. Họ mới chỉ là đội thứ ba áp dụng phương pháp này cho các tình huống thủ phạt góc ở EURO năm nay, trước đó là Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ. 100% nhân sự của Đức trong các tình huống này đều tập trung cho không gian, vị trí của mình thay vì để tâm theo người. Hồi đáp lại là Đức hầu như không gặp nguy hiểm trong các pha phạt góc, tương tự Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết luận

Tỉ số 2-0 quả thực đã cho thấy chất lượng và bản lĩnh của Đức. Lối chơi của họ sẽ khiến nhiều người hâm mộ liên tưởng đến Bayern Munich và Borussia Dortmund trong mùa giải 2015-16 vừa qua. Điều đáng sợ nhất là, xem ra một vài ngôi sao của Đức còn chưa đạt phong độ cao nhất...

Đức hướng về cánh trái

Số liệu của hãng thống kê Opta cho thấy rằng, 41% pha tấn công của ĐT Đức đã được thực hiện ở hành lang trái. Trong khi đó, con số này ở trung lộ là 30% và hành lang phải chỉ là 29%.

Nhìn vào lực lượng của Đức, có thể thấy rõ lý do. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở hai cái tên Jonas Hector và Benedikt Hoewedes. Hector - hậu vệ trái của Đức - là mẫu hậu vệ leo biên và hỗ trợ tấn công thường xuyên, hiệu quả. Trong khi đó, Hoewedes là một trung vệ đá trám vị trí, anh hầu như không thể rê dắt, tạt bóng chuẩn xác.

Hành lang trái cũng là nơi Mario Goetze thường chủ động di chuyển lệch sang, hoán đổi vai trò với Julian Draxler trong một số thời điểm. Cộng thêm việc Toni Kroos cũng chơi lệch sang phần sân này, không quá khó hiểu khi Đức trọng tấn công cánh trái hơn.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm