EURO 2012: Ánh sáng của văn hóa

04/07/2012 08:09 GMT+7


(TT&VH) - LTS:Trái bóng EURO 2012 ngừng lăn, nhưng xúc cảm và những vẻ đẹp, ấn tượng về EURO vẫn còn ngân nhịp bồi hồi, choáng ngợp. Nhà báo Hồ Quang Lợi, cây bút bình luận quốc tế nổi tiếng ở Việt Nam, hiện đang giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, đã chia sẻ với TT&VH bài viết giàu cảm xúc này.

Kỳ I: Sức quyến rũ của bất ngờ

1. Tôi sẽ không viết, không muốn bình luận về các tỉ số, diễn biến EURO như nhiều tờ báo đã làm suốt 1 tháng qua. Bởi tôi nhìn thấy, qua môn “thể thao vua” văn hoá được phô bày, lan toả quảng đại và cộng hưởng bậc nhất, thậm chí hơn cả các sự kiện văn hoá nghệ thuật. 



Các cổ động viên nước chủ nhà Ukraina giữ lửa cho EURO đến phút cuối

Dành bài viết riêng này cho TT&VH, bởi với tôi, đây là tờ báo hàng đầu về thể thao và văn hoá. Viết về thể thao không thuấn tuý chỉ là thể thao, tôi nghĩ, cần gạn lọc từ đó những ấn tượng làm ánh lên nét đẹp văn hoá qua mọi hoạt động của các môn thi đấu. Sự hòa quyện của cái đẹp thể thao và văn hoá làm nên giá trị của manchette tờ báo uy tín này. Xuyên suốt hành trình TT&VH chính là cái Đẹp. Chỉ khi làm được, giữ vững điều đó, TT&VH mới nổi trội bởi chất riêng – đẳng cấp của mình. Tôi tin như vậy.

24 trận đấu của 4 bảng, 4 trận tứ kết, 2 trận bán kết của 16 đội bóng mạnh nhất châu Âu làm nên một đại giao hưởng của đam mê, tình yêu, khát vọng. Tất cả dồn tụ cao trào vào trận thứ 31- chung kết toát lộ đỉnh cao của sức mạnh, kỹ thuật, đặc điểm bóng đá châu Âu đương đại. Âm nhạc và bóng đá (BĐ) - hai đại diện tiêu biểu nhất về tính đại chúng. Nghệ thuật và thể thao là thứ “siêu ngôn ngữ” phi lời. Một vô hình, một hiện hữu, đều có sức truyền tải mãnh liệt không  giới hạn.

EURO 2012 được tổ chức ở Đông Âu: Ba Lan, Ukraina, hai nước chủ nhà cùng Nga, Séc vào vòng bảng, gợi lại thời hào hùng của BĐ Đông Âu nói chung, Liên Xô (cũ) nói riêng. Kể từ Olympic Moskva 1980, sau 32 năm, Đông Âu mới có sự kiện quốc tế lớn thế này. Chỉ đội tuyển Séc lọt vào vòng tứ kết và dừng lại. Hai đội chủ nhà bị thua từ vòng bảng, nhưng cổ động viên (CĐV) Ba Lan và Ukraina vẫn giữ lửa đến phút cuối. Lửa của sự lịch duyệt, mến khách, tình yêu thể thao đích thực giúp họ vượt qua nỗi đau, chứng tỏ là nước đăng cai tuyệt vời. Đây là biểu hiện đẹp của văn hoá.

Trái tim châu Âu ở đâu? Nhiều người nói là Paris, có người bảo ở Bruxelles - nơi có nhiều cơ quan đại diện EU đóng trụ sở. Tôi cho rằng, trái tim châu Âu qua cảm nhìn nhận của mỗi người có thể khác nhau, song vào thời điểm diễn ra EURO, trái tim châu Âu hợp bởi Warsaw và Kiev. Tiêu chí “Tôn trọng, đoàn kết” được nhấn mạnh ở EURO 2012. Nhờ EURO 2012, bản đồ văn hoá châu Âu lại được trải rạng rỡ mạch hấp lực quyến rũ hoàn cầu.

“Sự hoà quyện của cái đẹp thể thao và văn hoá làm nên giá trị của manchette tờ báo uy tín này. Xuyên suốt hành trình Thể thao & Văn hoá chính là cái Đẹp” (Nhà báo Hồ Quang Lợi).

2. Có câu danh ngôn: “Văn hóa là cái còn lại, sau khi tất cả đã qua đi”. Kết thúc một giải đấu đỉnh cao của môn thể thao có sức hút lớn nhất, chuỗi hình ảnh dệt dư âm, dư vị tạo thành file nén kỷ niệm. Ký ức tiếp diễn. Phần ký ức ấy vẫn chảy tới tương lai, bởi ấn tượng bàng hoàng từ sân vận động (SVĐ) Olympisky – Kiev tối 1/7 ở châu Âu (từ 1 giờ 45 sáng giờ Việt Nam). 

Ta chờ đợi xem trận CK mà lại không muốn EURO kết thúc. Thời gian đổi nhịp, cuộc sống đổi tiết điệu và cảm thức, không chỉ trong gần 1 tháng EURO mà dường như chúng ta chỉ chờ sự kiện này, cái “cớ” quan trọng này để được tự do hơn, thuần cảm hơn, hết mình hơn. Châu Âu không biên giới về ranh giới địa phận, châu Âu không biên giới trong cuộc kết nối khổng lồ của triệu triệu con người.

Sự cực đoan hay những cung bậc xúc cảm được bộc lộ liên tiếp, toàn diện, tận cùng trong một cơ hội 4 năm mới có một lần, của mỗi cầu thủ từ các đội tuyển quốc gia, từ mỗi HLV, VĐV là cuộc phô diễn văn hoá đa dạng, toàn diện nhất. Khái niệm lãnh thổ, ngày đêm thay đổi. Tất cả tràn dâng, lan vang đa dạng những vẻ đẹp văn hoá.

Những lá quốc kỳ, quốc ca, quốc thiều được tôn vinh trong mùa hội châu Âu. Nhịp sống, thời gian biểu đảo lộn, ăn, ngủ, sướng, khổ vì bóng đá. Overnight triền miên, các fan bóng đá Việt Nam thân ở đất Việt, hồn chu du Đông Âu. Tôi, anh, em, bạn như hoà nhịp sống từ quê hương thiên tài F. Chopin tới Kharcov, Kiev. Cầu thủ cùng người hâm mộ tour qua cái đẹp, kiến thiết, tụng ca, nhớ lưu cái đẹp.

3. Dư âm sống động EURO vẫn, đang làm triệu con tim thổn thức. Sự thú vị, hấp dẫn của BĐ nằm ở bất ngờ. Không ai ngờ ngày 9/6, Nga mở đầu thắng vùi dập CH Séc 4-1, nhưng hai trận sau lại thua bết bát, phải cay đắng rời cuộc chơi. Lại cũng không ai ngờ, Hà Lan - ứng cử viên sáng giá của chức vô địch, có trong tay hàng loạt hảo thủ, vậy mà phơi áo cả 3 trận vòng bảng, không kiếm được điểm nào, phải tủi hổ về nước.

Tôi đã từng phẫn nộ về kiểu phòng ngự của Hy Lạp ở EURO 2004, chiến thuật đưa đội bóng xứ sở những thần thoại lên bục vinh quang, là lối đá phản cảm dẫn tới sự chán chường, giết chết vẻ đẹp túc cầu. Công bằng trở lại khi “Cỗ xe tăng Đức” nghiền đội quân phòng thủ Hy Lạp vào tháng 6 nóng bỏng 2012.

BĐ gắn với định mệnh. Có định mệnh quyết định số phận của đội bóng, HLV đưa ra chiến thuật đấu pháp cho mỗi trận đấu; dẫu thiên tài, không ai có thể biết trước kịch bản trên sân cỏ. Các cầu thủ không phải minh hoạ, “đóng thế” cho ai, họ vào vai chính mình, bộc lộ tài năng, tư chất trước hàng tỉ cặp mắt.  Thể thao chỉ đẹp khi có văn hoá. BĐ chỉ đẹp  khi có bàn thắng và những ngôi sao. Có những cú sút làm nên lịch sử, định đoạt đẳng cấp, vị thế, danh phận của cầu thủ và ĐT đó.

Hai ĐT vào CK đều là 2 đội bóng đầy xứng đáng. Có lão tướng Pirlo 34 tuổi, một tiền vệ tấn công xuất sắc, ĐT Ý ngày nay vẫn không bằng thời của Baggio, Maldini về độ hào hoa, tài năng. Không phải lối phòng ngự tiêu cực, chính sự phòng thủ vững chắc và phong độ của Ý thời kỳ gần đây đã giúp ĐT Ý hạ Đức tại vòng bán kết. Mario Balotelli- cầu thủ da đen duy nhất trong ĐT Ý, lại chính là ngôi sao sáng nhất đã giúp những chàng trai đất nước hình chiếc ủng vào CK. Như một “hung thần” với bộ mặt dữ dằn, cầu thủ 1m77 này có một số hành vi phản cảm, từng cởi trần đứng giữa sân sau khi đá vào lưới ĐT Đức. Điều đó “phai” khi Balotelli chơi hay hơn, dù anh ta không thành công ở trận đấu cuối cùng – cũng là một trận rất quan trọng của sự nghiệp cầu thủ.

Những cầu thủ áo thiên thanh đến từ nền văn minh La Mã - một trong các quốc gia giàu thành tựu nghệ thuật nhất, quê hương của đạo diễn lừng danh F.Fellini – đại diện của điện ảnh Tân hiện thực (Neo-realism) đã không làm nên một bộ phim happy- end cho lịch sử nước mình ở giải đấu này.

Sau 44 năm kể từ khi thắng ĐT Liên Xô năm 1968 tại thành Rome, Italia không thể vô địch lần nữa dù nỗi khát khao tích tụ qua 11 kỳ EURO đã lên đỉnh điểm ... rồi tan vỡ trong đau khổ và tiếc nuối. Ý bị thiếu người, cầu thủ già hơn và Pirlo, Balotelli không làm nổi vai trò cứu tinh dù một bàn danh dự. ĐT TBN đã viết lại lịch sử. Chưa  đội bóng nào vô địch châu Âu 2 kỳ liên tiếp. Dù F.Torres, Alonso là những ngôi sao khi mờ khi tỏ, thì lối đá tiqui-taca, bằng những đường chuyền ngắn chiếm lĩnh bóng để tấn công và thực dụng khi phòng thủ, lại thêm thủ môn Cassillas lão luyện chỉ lọt lưới 1 bàn suốt giải đấu đã khiến thế giới ngỡ ngàng. Rốt cuộc, F.Torres, cầu thủ thường xuyên ngồi ghế dự bị, cả giải chỉ chơi vỏn vẹn 189 phút lại đoạt “Chiếc giày vàng”. Những cầu thủ áo đỏ đường kẻ vàng dọc vai như những matador (đấu sĩ) đầy tự tin, sức mạnh, chủ động và dẫn đoạt các tình huống.

Ở trận bán kết, Ý đã thể hiện phòng ngự vững chắc, tấn công linh hoạt, lối đá tươi mát này để lại những ấn tượng đẹp cho những người yêu BĐ và say mê BĐ Ý tin vào sự trở lại của thời hoàng kim khi ĐT Ý hôm nay vẽ lại gương mặt bừng sáng đã có của mình, dù điểm yếu về thể lực, mảnh trong đội hình đã làm đội Ý không thể đột phá điều phi thường. Kịch tính tạo những vẻ đẹp đối nghịch. Nụ cười Manolo kéo dài khi máy lia sang khuôn mặt Pirlo buồn rầu, đau khổ, cả anh và Balotelli đều khóc.

Bị thua, ĐT những chàng trai thiên thanh vẫn là Á quân quả cảm. Sự tương phản của những CĐV TBN trong đó có nhiều người đến từ Cuba, Mỹ La tinh náo động ăn mừng khi dòng tifosi thiểu não rời sân và những fan hâm mộ, yêu chuộng ĐT Ý khắp thế giới đang buồn bã, dù kết quả là xứng đáng, một vẻ đẹp bi tráng.

EURO 2012 nổi trội phong thái tấn công. Hà Lan, Bồ Đào Nha thất bại vì phòng ngự. Nhưng đây là giải đấu của những ngôi sao cũ. Xavi, Cassillas, Torres đều của mùa giải trước – họ sắp già. EURO 2012 thiếu những ngôi sao mới và chưa có sức sống mới.

Hồ Quang Lợi

Đón đọc Kỳ 2: Phô diễn vẻ đẹp và "hộ chiếu" văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm