EURO 2008: Chưa “đã” con mắt

04/07/2008 16:23 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng EURO 2008 cũng đã đến và qua đi. Chỉ có điều, festival của bóng đá châu Âu đã không mang lại cho người hâm mộ trên khắp thế giới những giây phút thăng hoa đến tột cùng, dù giải vẫn có khá nhiều hiện tượng thú vị.

Bóng đá tấn công trở lại

Sau 4 năm chịu sự thống trị của Hy Lạp – đội tuyển đã lên ngôi trên đất Bồ Đào Nha bằng lối chơi... phản bóng đá, châu Âu lại trở về với những giá trị mang tính truyền thống hơn, khi Tây Ban Nha được tôn vinh bằng thứ bóng đá tấn công khá thuyết phục. Chiến thắng trước người Đức vốn được đánh giá cao về tính kỷ luật và bản lĩnh là sự ghi nhận cho những nỗ lực cống hiến mà của thầy trò Luis Aragones, bên cạnh yếu tố hiệu quả không phải bàn cãi, với 12 bàn thắng, nhiều nhất ở EURO 2008. Tây Ban Nha mới thực sự là trường hợp tiêu biểu cho bóng đá tấn công trong thời đại mới, vì đã đi đến cái đích cuối cùng chứ không “đứt gánh giữa đường” theo kiểu Bồ Đào Nha, Hà Lan hay Nga.

4 năm trước, bóng đá tấn công đã bị vùi dập ở Bồ Đào Nha, một quốc gia trên bán đảo Iberia. 4 năm sau, Tây Ban Nha – một quốc gia khác cũng thuộc Iberia, đã cứu rỗi cả châu Âu thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên Hy Lạp. Khi ấy, Hy Lạp của Otto Rehhagel đã cố gắng triệt phá lối chơi của đối phương bằng thứ bóng đá hết sức khó chịu, chỉ tập trung tối đa lực lượng cho việc phòng thủ và rình lúc đối phương sơ hở liền tung ra một cú đánh quyết định mà thuật ngữ của dân đá “phủi” hay gọi là “cắn trộm”. Cùng góp vào bản hòa tấu mang tên “Tấn công” của người Tây Ban Nha tại EURO 2008 lần này là các đồng nghiệp đến từ Hà Lan, Nga hay Bồ Đào Nha.

Hà Lan của Marco van Basten đã làm sống lại hình ảnh của bóng đá tổng lực thời Rinus Michels hay Johan Cruyff thuộc những năm 70 hay 80 của thế kỷ trước bằng màn trình diễn vô cùng ấn tượng ở vòng đấu bảng. Tuy nhiên, sự thăng hoa của “Cơn lốc màu Da cam” chưa đạt đến độ “phiêu du” nên họ đã nhanh chóng bị đưa trở lại thực tại đáng buồn bởi Nga của một người Hà Lan khác. Cách Hà Lan trở về mặt đất cũng bất ngờ chẳng kém các họ bay lên tận 9 tầng mây xanh.
 
Tây Ban Nha, đại diện tiêu biểu cho bóng đá tấn công.
 
“Phù thủy” Guus Hiddink có biệt tài giúp các đội bóng lọt vào bán kết những giải đấu lớn và Nga là một ví dụ nữa sau thành công cùng Hàn Quốc ở World Cup 2002. Nhưng rồi cũng như Hà Lan, Nga của ông thảm bại trước một trường phái tấn công khác đến từ Iberia. Cũng dựa nhiều vào sức sáng tạo của hàng tiền vệ, song Tây Ban Nha khác người láng giềng Bồ Đào Nha ở chỗ, họ có nhiều tiền đạo rất giỏi trong việc ghi bàn. David Villa hay Fernando Torres chính là sự khác biệt lớn nhất giữa Tây Ban Nha so với Bồ Đào Nha.

Bóng đá phòng ngự chưa chết

Hy Lạp đã chính thức bị phế truất ngai vàng sau trận thua 0-1 trước Nga ở loạt trận thứ hai vòng bảng. Nhưng Hy Lạp về nước sớm không đồng nghĩa với việc thứ bóng đá phòng ngự mà họ từng trình diễn không còn chỗ đứng ở châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đã theo chân người Hy Lạp, tiếp thêm sức sống mới cho bóng đá phòng ngự.

Cũng phong tỏa mọi nẻo đường dẫn đến khung thành đội nhà, cũng tích cực phá lối chơi đối phương bằng mọi cách, kể cả việc không ngần ngại phạm lỗi và nhận thẻ phạt, Thổ Nhĩ Kỳ của Fatih Terim từng khiến không ít đối thủ phải ôm hận. Khác với Hy Lạp của EURO 2004, Thổ Nhĩ Kỳ còn gây ấn tượng mạnh hơn bằng những cú ngược dòng ở phút chót. Những bàn thắng muộn mằn từng giúp hậu duệ của đế chế Ottoman có những cuộc ngược dòng không tưởng, trước chủ nhà Thụy Sĩ hay ứng cử viên Czech và Croatia. Nếu may mắn hơn chút nữa, người Thổ đã có thể đánh bại cả đội tuyển Đức. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì quả thực, bóng đá châu Âu sẽ chịu một cú sốc quá lớn, khi mà người Thổ vắng tới 9 cầu thủ ở trận bán kết do chấn thương và treo giò.
 
Semih Senturk và Thổ Nhĩ Kỳ đã có một EURO rất đáng nhớ.

Tuy nhiên, không phải vì sự tồn tại của bóng đá phòng ngự mà Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp tiêu biểu đã ảnh hưởng đến không khí hấp dẫn của ngày hội bóng đá châu Âu. Trái lại, chính người Thổ đã mang đến những cảm xúc và trải nghiệm thú vị cho người xem. Có đội quân của Terim thì trận đấu không bị lãng phí, dù chỉ là một giây bù giờ. Có mấy ai tin rằng Semih Senturk lại ghi bàn ở giây cuối cùng của phút bù giờ ở hiệp phụ thứ hai trong trận tứ kết với Croatia? Bàn thắng ấy đã đi vào lịch sử EURO với tư cách là bàn thắng được ghi muộn nhất, ở phút 122.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả hành trình ở EURO 2008, có thể nhận xét một cách khách quan rằng không có nhiều trận đấu thực sự làm người hâm mộ cảm thấy thỏa mãn. Những trận cầu điểm cao như Hà Lan đánh bại Italia và Pháp, Nga vượt qua Hà Lan hay Tây Ban Nha đánh bại Nga... là không nhiều. Trái lại, những tên tuổi lớn như đương kim vô địch thế giới Italia hay á quân Pháp chơi nhạt nhòa khiến giải đấu mất đi phần nào sự hấp dẫn. Dù sao đi nữa, sự góp mặt của những đội bóng này cũng mang lại không khí căng thẳng nhiều hơn là Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.

EURO 2008 đã khép lại với sự cố truyền hình ở trận bán kết, điều lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử, khi UEFA giành lấy quyền phân phối sóng và kiểm soát gắt gao những hình ảnh truyền đi đến người xem. 16 phút kịch tính trận Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời điểm 2 bàn thắng quyết định được ghi, là một trong rất nhiều điều không thuyết phục còn đọng lại sau giải vô địch châu Âu. Dù đã có rất nhiều cố gắng song EURo 2008 ở Áo và Thụy Sĩ cũng không thể sánh bằng World Cup 2006 ở Đức.

Một EURO “sạch”

Theo thông báo của UEFA, kết quả việc xét nghiệm doping tại EURO 2008 không phát hiện ra trường hợp nào phản ứng dương tính. Tổng cộng, Ủy ban phòng chống doping của UEFA đã tiến hành xét nghiệm 184 mẫu thử, trong đó có 160 mẫu được lấy từ các trận giao hữu trước giải, 124 mẫu được lấy từ các trận đấu chính thức (31 trận, mỗi trận 4 mẫu thử, mỗi đội tham gia trận đấu được lấy 2 mẫu thử ngẫu nhiên).
 
Các danh hiệu EURO 2008

Vô địch: Tây Ban Nha

Á quân: Đức

Thứ ba: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga

Vua phá lưới: David Villa (TBN, 4 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Xavi Hernandez (TBN)

Đội bóng tiêu biểu

Thủ môn: Buffon (Italia), Casillas (TBN), van der Sar (Hà Lan).

Hậu vệ: Bosingwa (BĐN), Lahm (Đức), Marchena (TBN), Pepe (BĐN), Puyol (TBN), Zhirkov (Nga).

Tiền vệ: Altıntop (TNK), Modric (Croatia), Senna (TBN), Hernandez (TBN), Zyryanov (Nga), Ballack (Đức), Fabregas (TBN), Iniesta (TBN), Podolski (Đức), Sneijder (Hà Lan).

Tiền đạo: Arshavin (Nga), Pavlyuchenko (Nga), Torres (TBN), Villa (TBN).

 
Đông Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm