(Thethaovanhoa.vn) - Với gần 65% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp ngày 5/7, đa số người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ quốc tế để đối lấy cứu trợ.
Nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết đã có 61,39% số phiếu nói “Không” với kế hoạch cải cách, chỉ có 38,61% ủng hộ các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, tỷ lệ cử tri tham gia là trên 60%. Ngay sau khi kết quả nêu trên được công bố, Chính phủ Hy Lạp thông báo muốn lập tức khởi động đàm phán với các chủ nợ quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng nợ hiện nay của nước này. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết muốn đưa ra những ý tưởng đàm phán mới với các chủ nợ ngay trong tối 5/7 nhằm sớm đạt được một thoả thuận. Theo người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis, Chính phủ Hy Lạp sẽ nỗ lực để trong vòng 48 giờ có thể đạt được một thoả thuận với các chủ nợ.
Biểu tình ở Hy Lạp chống lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ. Ảnh: IT Trong khi đó, giới chức Hy Lạp đã triển khai đông đảo lực lượng cảnh sát và quân đội trên các đường phố và các cơ quan công quyền, như Phủ Tổng thống, ở Athens để đề phòng xảy ra bất ổn giữa lực lượng ủng hộ và phản đối kế hoặc khắc khổ. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã gây ra những phản ứng chính trị ở Hy Lạp.
Nghị sĩ Dora Bakoyianni thuộc đảng Dân chủ mới, vốn chủ trương nói “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý, đã kêu gọi ông Antonis Samaras từ chức Chủ tịch đảng này. Cá nhân ông cũng ngỏ ý từ chức sau khi không vận động được đa số dân chúng ủng hộ kế hoạch cải cách.
Tại Đức đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp. Chủ tịch đảng Cánh tả Bernd Riexinger đã hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp, cho rằng đây là chiến thắng của nền dân chủ ở châu Âu. Theo ông, người dân Hy Lạp đã lần thứ hai chống lại “chính sách dẫn tới thảm họa” khi cắt giảm các phúc lợi xã hội cũng như phá hoại nền kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Người dân Hy Lạp đã nói ‘Không’ với chính sách khắc khổ, nói ‘Không’ với liều thuốc sai lầm vốn chỉ khiến người ta ốm yếu hơn”. Ông cũng cho rằng các nhà đàm phán giờ đây phải trở lại bàn tròn và tôn trọng ý kiến của người dân Hy Lạp.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho rằng hầu như không còn cơ hội đạt được thỏa thuận với Chính phủ Hy Lạp sau khi người dân nước này nói “Không” với kế hoạch cải cách. Ông cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã “phá huỷ cây cầu cuối cùng để châu Âu và Hy Lạp có thể đi tới một thoả hiệp”.
Theo ông, với việc Hy Lạp từ chối luật chơi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khó hình dung việc có thể tiến hành đàm phán về các chương trình cứu trợ nhiều tỷ euro cho Hy Lạp. Phó Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Carsten Schneider cũng hoài nghi việc các đối tác khác trong Eurozone còn có thể đàm phán với Chính phủ Hy Lạp.
TTXVN