EURO 2021: Châu Âu cho ta thấy gì từ Christian Eriksen

14/06/2021 14:07 GMT+7 | Ký sự Euro

(Thethaovanhoa.vn) - Cú ngã bất tỉnh của Christian Eriksen dù đã khiến những người chứng kiến kinh hãi và lo lắng, song lại là dịp để người hâm mộ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về sự chuyên nghiệp, văn minh, nhân văn của bóng đá châu Âu nói riêng và xã hội phương Tây nói chung.

Lịch thi đấu EURO 2021 - Lịch trực tiếp bóng đá EURO 2021 hôm nay

Lịch thi đấu EURO 2021 - Lịch trực tiếp bóng đá EURO 2021 hôm nay

Lịch thi đấu EURO 2021. Lịch EURO 2020. Lịch thi đấu bóng đá EURO 2021. Lịch trực tiếp bóng đá EURO trên VTV6, VTV3. Lịch thi đấu bóng đá EURO hôm nay.

Trong 10 phút kể từ khi sự cố diễn ra cho đến khi Eriksen rời sân, khán giả đã được chứng kiến sự nhanh nhạy của đội trưởng Simon Kjaer trong việc thực hiện hô hấp nhân tạo kịp thời trước khi các bác sĩ cấp cứu ngay trên sân còn các cầu thủ Đan Mạch tạo thành hàng rào che chắn cho Eriksen khỏi tất cả ống kính máy quay.

Sự chuyên nghiệp và bình tĩnh tạo nên khác biệt

Những hành động này đã gây xúc động mạnh bởi tinh thần đồng đội như tình anh em và sự xuất sắc của đội ngũ y tế song ý nghĩa của câu chuyện thì sâu xa hơn thế. Trên tất cả, những người trong cuộc ở Parken ngày hôm đó có thể cùng nhau giành Eriksen khỏi tay thần chết trong một sát na như vậy là nhờ nền giáo dục đề cao kĩ năng sống mà họ được trải nghiệm, truyền đời từ nhiều thế hệ tạo thành nét văn hóa riêng biệt.

Thảm kịch bóng đá đã không diễn ra ở Parken là nhờ cả ở những hành động của một tập thể được trang bị kỹ năng sống, không chỉ là sự nhân văn. Kỹ năng đó đủ tốt để ứng phó thật bình tĩnh trong tình huống nguy cấp như vậy là nhờ vào giáo dục, tập luyện. Chỉ khi một cá nhân nhận thức được vấn đề, sự nguy hiểm trong tích tắc như thế, anh ta mới hành động dựa trên nhận thức đó. Dù ở xã hội nào, thời đại nào, tính nhân văn cũng tồn tại, không chỉ là cái gốc để phân biệt con người và các loài động vật mà còn là những nét văn hóa riêng. Cũng vì sự khác biệt sắc tộc mà tính nhân văn sẽ được biểu hiện khác nhau, không nên so sánh xã hội này nhân văn hơn xã hội kia. Thế nhưng trong hiểm nguy như Eriksen trải qua, tính nhân văn đi cùng kĩ năng sống mới là thứ đã cứu được anh. Người tốt bụng thấy khó sẽ cứu nhưng nếu không được giáo dục và huấn luyện về nhận thức thì trong tình huống khẩn cấp sẽ không thể phản ứng đúng và kịp thời. Chúng ta sẽ dễ hành động theo vô thức hoặc thói quen. Một xã hội có kỹ năng sẽ tăng tỉ lệ sống sót của mỗi người trong nhiều hoàn cảnh đột ngột khác nhau. Nếu Kjaer chỉ chậm vài phút, Eriksen có lẽ đã ra đi.

Chú thích ảnh
Kỹ năng xử lý sự cố của người châu Âu trong trường hợp của Eriksen thật đáng ngưỡng mộ

Kỹ năng sống được rèn từ nhỏ

Năm 4 tuổi, con trai tôi đã líu lo kể về trải nghiệm được học phòng cháy chữa cháy ở trường mẫu giáo. Con biết chuông báo cháy sẽ phát ra ở đâu, phải hành động thế nào, lấy đồ bảo hộ ở đâu, hỗ trợ lẫn nhau như thế nào nếu trường học hay bất kì nơi nào gặp hỏa hoạn. Việc thực hành đó được tập luyện trong ba buổi khác nhau trong tuần, được hướng dẫn trực tiếp bởi lính cứu hỏa chuyên nghiệp.

Trẻ con ở Đức tập xe đạp từ rất sớm, có thể bắt đầu từ khi 2 tuổi. Ban đầu, các bé có thể tập với loại xe nhỏ được di chuyển bằng hai chân, sau đó là xe ba bánh có thể gỡ hai bánh phụ ra. Thông thường một trẻ 3 tuổi đã có thể đạp xe hai bánh bình thường. Dù chỉ là tập xe, đạp xe trên vỉa hè có sự giám sát của người lớn nhưng lũ trẻ đã luôn được dạy phải đội mũ bảo hiểm. Một đứa trẻ sẽ được tự do tham gia giao thông một mình khi lên 7 tuổi, nhưng với điều kiện sau khi đã vượt qua bài kiểm tra đạp xe cùng một cảnh sát khu vực. Được bồi dưỡng kĩ năng sống đi kèm với kỉ luật chặt chẽ, mỗi cá nhân đều có thể tự lo cho mình từ khi còn nhỏ và ý thức được về việc giữ an toàn cho những người xung quanh.

Hình ảnh các cầu thủ Đan Mạch tạo thành hàng rào che chắn cho các bác sĩ thực hiện cấp cứu cho Eriksen nói lên tầm quan trọng của sự riêng tư ở các nước châu Âu. Ấy thế mà sau trận, BBC vẫn đăng đàn xin lỗi người hâm mộ với lý do “trót phát sóng trực tiếp cảnh cấp cứu Eriksen”. Rất nhiều người bình luận tỏ ý phiền lòng với nhà đài vì họ không có nhu cầu nhìn một người đang đứng trước bờ vực sống chết và rằng sự riêng tư của Eriksen đã bị xâm phạm. Từ nhỏ, trẻ em ở châu Âu đã được dạy về sự thiêng liêng của tính cá nhân. Hầu hết các bé ngủ riêng từ khi lọt lòng, có thể chung phòng nhưng khác giường với bố mẹ. Khi đã biết đi, biết nói thì số đông các bé ngủ phòng riêng.

Trong đại dịch vừa qua, biểu hiện rõ ràng nhất của sự đề cao quyền riêng tư, quyền tự do là ở việc người châu Âu đã rất dữ dội trong việc bị cấm ra ngoài giai đoạn phong tỏa. Họ nghi ngờ những ứng dụng truy vết Covid, khó chịu khi phải khai thông tin cá nhân, hoạt động bản thân với F0, F1 bởi vì họ chưa từng trải qua điều gì như thế. Các ứng dụng như Facebook, Whatsapp với cáo buộc chia sẻ dữ liệu người dùng cũng đã và đang gặp phải sự tẩy chay của giới trẻ phương Tây.

Thế nên, tất cả những điều này và những gì đã diễn ra ở Parken không đơn thuần chỉ là tính nhân văn của nền văn minh châu Âu, mà nó còn là nhận thức đã ngấm vào họ qua nền giáo dục và môi trường văn hóa được thụ hưởng. Và điều gì cũng vậy, muốn thành công và phát triển bền vững, cũng phải trải qua một chu trình của những nỗ lực bền bỉ.

Yến Nhi (từ Đức)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm