Một giờ với Nick Út

05/04/2012 10:39 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Phóng viên ảnh Nick Út năm 21 tuổi đã nổi tiếng trên toàn thế giới với bức hình chụp cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường cùng các đứa trẻ khác do bị cháy bởi bom napalm tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Bức hình này đã mang về cho Nick Út giải báo chí Pulitzer danh giá, còn Kim Phúc hiện là Đại sứ hòa bình của Liên hiệp quốc. Ngày 8/6/2012 tới đây, bức hình “Vietnam napalm girl - Cô gái Việt Nam bị bom napalm” của ông tròn 40 tuổi.

Nhà báo Giản Thanh Sơn là người “sắp đặt” cuộc cà phê giữa Nick Út và tôi. Giản Thanh Sơn và Nick Út rất gần gũi nhau, hai ông đều cùng là phóng viên ảnh và đều “chôn nhau cắt rốn” ở tỉnh Long An. Cà phê một giờ với Nick Út, thật thú vị biết thêm được nhiều câu chuyện về người đàn ông đậm người, nói năng nhỏ nhẹ này.

Nick Út, Kim Phúc và Paris Hilton

Nick Út về Việt Nam được hơn tuần nay, ông đi cùng một đoàn học sinh, giáo viên người Mỹ để tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ trên chính đất nước mà người Mỹ từng gây chiến. Tất nhiên, vấn đề học sinh Mỹ muốn tìm hiểu trong chuyến đi này liên quan đến bức hình “Vietnam napalm girl” của Nick Út. Trước khi sang Việt Nam và đến huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, đoàn học sinh này đã gặp gỡ cô Kim Phúc - nhân vật chính trong ảnh. Nick Út kể rằng rất nhiều học sinh Mỹ đã khóc khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nằm trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM.

Phóng viên ảnh chiến trường Nick Út và tác giả

Hỏi Nick Út: “Ngoài bức hình chụp cô Kim Phúc 40 năm trước đã mang vinh quang về cho ông trọn đời, ông còn thích bức hình nào khác không?”. Nick Út không hề đắn đo nói: “Hình chụp Kim Phúc vẫn là số một. Người Mỹ nói đây bức hình kêu gọi hòa bình”. Ngay sau đó, Nick Út nói thêm: “Tôi chụp Kim Phúc lúc gần 12h ngày 8/6/1972. 5 năm trước đây, cũng gần 12h ngày 8/6, tôi là một trong hai người chụp được cảnh ngôi sao Paris Hilton bị còng tay dẫn vào tù vì tội uống rượu nhưng lái xe. Khi đó có khoảng 300 phóng viên ảnh bao vây nhà riêng của bà chủ hệ thống khách sạn Hilton - kể cả dùng máy bay trực thăng để chụp hình - khi cảnh sát đến áp giải ngôi sao này vào tù. Ngôi nhà được bọc bằng vải đen kín mít, Paris Hilton được hộ tống với rất nhiều ô dù nên không thể chụp được mặt cô ta. Rất may, khi cô nàng ngồi trong xe và nhìn thấy cha mẹ mình đang đứng gần đó, cô đã bật khóc. Tôi chỉ có vài giây để ghi hình. Gương mặt Paris Hilton khóc giống như gương mặt Kim Phúc đã khóc 35 năm trước”.

Nick Út kết luận: “Tôi cùng chụp về hai con người cách nhau 35 năm, nhưng lại chụp cùng một giờ, một ngày và một tháng. Khi các hãng tin biết được chuyện, đã có 81 cuộc phỏng vấn dành cho tôi vì sự trùng khớp lạ thường này. Bây giờ khi tìm tên Nick Út trên mạng, thì cũng dễ dàng tìm thấy tên Kim Phúc, Paris Hilton và ngược lại. Ba con người không họ hàng nhưng lại gắn bó tên tuổi với nhau, thật kỳ lạ”.

Một bức hình có hai người chết

Theo nhận định của Nick Út, có hai bức hình chiến tranh chụp tại miền Nam Việt Nam đã góp phần thay đổi lịch sử. Bức thứ nhất của Eddie Adams - một người bạn thân của Nick Út, đã qua đời - chụp cảnh tướng Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu một chiến binh Việt Cộng khi người này bị trói hai tay quặp ra sau lưng trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Bức thứ hai là bức chụp Kim Phúc bị đốt cháy bởi bom napalm của Nick Út - được xếp thứ 41 trong 100 bức hình có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do ĐH Columbia bình chọn. Hai bức hình tố cáo tội ác chiến tranh một cách rùng rợn nhất, phi nhân tính nhất trong lịch sử loài người.

Với bức hình của Eddie Adams, Nick Út cho rằng đây là “một bức hình có hai người chết”. Người chết dưới họng súng của tướng Loan và cả tướng Loan cũng chết vì bức hình này. Ở Mỹ, tướng Loan có một nhà hàng, Nick Út từng đến nhà hàng này và khi vào toilet, ông đã thấy những câu tiếng Anh do thực khách viết lên tường nguyền rủa Nguyễn Ngọc Loan.

Một bức hình có thể đem đến vinh quang trọn đời cho người chụp, song nguy hiểm cũng không thể lường trước. Sau khi Eddie Adams nộp hình cho hãng tin mà mình đang công tác, lập tức ông bay về Mỹ, vì ông ở lại Sài Gòn sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Bản thân Nick Út cũng thế, sau khi công bố ảnh chụp Kim Phúc bị bom napalm đốt cháy, Nick Út đã phải lẩn trốn vì an ninh chế độ Sài Gòn truy tìm ông ráo riết. Trong gia đình Nick Út có một người anh đã tử nạn khi làm phóng viên ảnh chiến trường.

Hai bức hình của Nick Út và Eddie Adams đã góp phần rất lớn cho thế giới thấy được sự thật cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ dự phần. Tuy nhiên, theo Nick Út, hai bức hình này còn làm thay đổi chế độ kiểm duyệt báo chí trong quân đội Mỹ. Thời Nick Út và Eddie Adams, nơi nào có chiến sự hay các cuộc hành quân, các ông đều có thể vác máy đi theo. Nhưng kể từ khi hai bức hình của hai ông liên tiếp gây bất lợi, quân đội Mỹ đã chọn phóng viên ảnh đi theo và kiểm duyệt từng bức hình, kể cả xóa hết hình ảnh lính Mỹ tử trận.

Tác phẩm “Cô gái Việt Nam bị bom napalm” mang đến vinh quang trọn đời cho Nick Út

Có đệ tử là paparazzi số 1 thế giới

Nick Út đã công tác tại hãng tin AP 46 năm, ông nói mình là thành viên thuộc loại lâu đời nhất của hãng tin nổi tiếng này. Ông cưới vợ năm 1978, vợ ông người Hà Đông, có hai con - một trai, một gái. Người con trai của ông từng về Hà Nội học đại học một thời gian. Hỏi ông bây giờ cũng lớn tuổi rồi (Nick Út sinh năm 1951), ông có tính chuyện về Việt Nam sống luôn không? Ông trả lời ngay: “Có chứ, quê mình mà. Bây giờ ở quê mình không thiếu thứ gì hết, lại rất tình cảm nữa”.

Khi ông thấy tôi lôi cái máy chụp hình trong túi xách nhờ nhà báo Giản Thanh Sơn chụp hình tôi đang phỏng vấn ông, ông trở lại câu chuyện phóng viên ảnh tức thì. Ông hỏi tôi có muốn kiếm tiền bằng cái máy hình không? Tôi nói: “Có!”. Nick Út liền khoe: “Bạn có biết Phil Rammey không? Tay này hiện là paparazzi số một thế giới đấy, nó có một hãng riêng, ở nhà 10 triệu USD luôn”. Nick Út kể: “Khi mới vào nghề, Phil Rammey dùng cái máy hình “cùi bắp” lắm, nó còn không biết sử dụng nên nhờ mình chỉ. Vậy mà nó kiếm được 1 triệu USD nhờ chụp được hình Michael Jackson. Khi bán được bức hình này, đêm nào Phil Rammey cũng mời mình đi ăn đến độ mình mập ú. Mình cũng không hiểu các hãng thông tấn, các tờ báo ở Âu Mỹ tại sao lại chuộng hình của paparazzi nữa. Nhưng bọn paparazzi nó kinh khủng lắm, nó đầu tư phương tiện hành nghề không thiếu thứ gì, kể cả thuê ôtô giá 200 ngàn USD để tiếp cận đối tượng. Mình ngồi trên cái xe 200 ngàn USD nhiều khi mình không dám lái. Mình từng bị một paparazzi đạp lọt xuống cầu thang khi chụp hình tại Hollywood”.

Tôi hỏi: “Vậy người nổi tiếng như anh có bán được bức hình nào triệu đô chưa?”. Nick Út nhìn Giản Thanh Sơn, cười nói: “Chưa! Cái này cũng hên xui. Nếu bạn có hình độc, tôi sẽ nhờ Phil Rammey bán giúp cho”. Tôi nói: “Cảm ơn anh. Nhưng nếu em bán được một tấm hình cỡ vài trăm ngàn đô, em sẽ mời anh về Việt Nam ở đến khi nào hết muốn ở nữa thì thôi. Em không mời anh đi ăn tối nhiều đâu, để anh không tăng cân ngoài ý muốn”. Nick Út cười chia tay chúng tôi, ông lên một chiếc ôtô vừa đến đón, ông nói có hẹn với phóng viên ảnh chiến trường “Việt Cộng” Đoàn Công Tính.

TP.HCM 4/4/2012

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm