Elizabeth Taylor - Cái bắt tay gây chấn động với bệnh nhân AIDS

25/03/2011 11:02 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Huyền thoại Hollywood, Elizabeth Taylor, một trong những nữ diễn viên màn bạc vĩ đại nhất trong kỷ nguyên Vàng của Hollywood, đã qua đời hôm 23/3 tại Bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles sau 6 tuần lễ chống chọi với nhiều lần thập tử nhất sinh. Bà nhập viện từ hồi tháng 2 vì bệnh tim trở nặng và phải dùng máy trợ tim trong những ngày cuối đời.

Trong 79 năm sống trên dương thế, huyền thoại Hollywood Elizabeth Taylor đã chinh phục thế giới với những vai diễn điện ảnh và cả những câu chuyện đời thực cũng kịch tính chẳng kém gì phim ảnh. Nhưng trong những năm sau này, bà trở thành một nhà bác ái và tận tụy hết mình với cuộc chiến phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

“Sao” đầu tiên tham gia phòng chống HIV/AIDS

Không ngừng diễn xuất, Taylor còn nỗ lực với nhiều công việc khác. Chứng kiến người bạn thân/nam diễn viên Rock Hudson qua đời vì bệnh AIDS, Taylor đã lập tức tham gia vào dự án từ thiện phòng chống HIV/AIDS - công việc đóng một vai trò quan trọng trong những năm còn lại của cuộc đời bà. Taylor là nhân vật danh tiếng đầu tiên công khai nói về căn bệnh bí ẩn gây chia rẽ xã hội này. Bà kêu gọi nghiên cứu bệnh HIV/AIDS, chăm sóc tận tình người nhiễm bệnh và chấm dứt có sự phân biệt đối xử với các bệnh nhân.

“Tôi liên tục theo dõi tin tức về căn bệnh này và không ngừng tự hỏi tại sao không có ai làm gì cả. Sau đó, tôi nhận ra rằng mình cũng như họ, tôi chưa làm gì để giúp những người bị bệnh” - Taylor từng nói.

Elizabeth Taylor đã chinh phục nhiều người với vai diễn trong National Velvet - bộ phim đã khởi dựng sự nghiệp điện ảnh trải dài hơn 5 thập kỷ của bà


Và không để thời gian trôi đi như thế, Taylor đã mang gương mặt nổi tiếng và được ngưỡng mộ của mình tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Năm 1984 bà tham gia Dự án AIDS Los Angeles và kể từ đó đã làm việc không biết mệt mỏi để quyên góp tiền và nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Bà còn là giám đốc của Tổ chức Nghiên cứu AIDS Quốc gia ở Los Angeles và sau này 2 tổ chức đã hợp nhất lại và trở thành Tổ chức Nghiên cứu AIDS Mỹ (amfAR). Kể từ năm 1985 đến nay, amfAR đã đầu tư hơn 300 triệu cho việc nghiên cứu bệnh AIDS trên toàn cầu. Taylor từng nói về sự ủng hộ tích cực của mình cho công việc này: “Tôi sẽ không im lặng, sẽ không từ bỏ và tôi sẽ không bị phớt lờ”.

Năm 1989, người ta đã chụp bức ảnh bà bắt tay một bệnh nhân HIV/AIDS tại một bệnh viện ở Bangkok (Thái Lan). Bức ảnh đó đã xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng Đông Nam Á. Theo amfAR: “Ít nhất ở khu vực này, bức ảnh đó còn có ý nghĩa hơn cả một sự kiện được tổ chức nhằm xua đi nỗi sợ hãi khi tiếp xúc với những người có AIDS”.

Bên cạnh đó, năm 1991 bà còn sáng lập Elizabeth Taylor AIDS Foundation nhằm hỗ trợ các tổ chức khác cung cấp sự chăm sóc và các dịch vụ trực tiếp cho những người đang sống với căn bệnh này. Vị nữ chủ tịch của amfAR còn từng tới Capitol Hill (tòa nhà Quốc hội Mỹ) để yêu cầu các nghị sĩ quan tâm tới căn bệnh này và yêu cầu Chính phủ phải giữ đúng lời hứa chi 1 tỷ USD trợ giúp các bệnh nhân AIDS. Bà cùng nhiều ngôi sao khác đã kết bạn với Ryan White, một em bé tuổi vị thành niên bị mắc chứng máu loãng và đã bị nhiễm HIV sau khi được truyền máu. Ryan White đã bị đuổi ra khỏi trường học sau khi mắc bệnh và là một trong những nạn nhân đầu tiên của bệnh AIDS.

Hôm 23/3, sau khi nghe tin huyền thoại màn bạc nổi tiếng với đôi mắt màu tím đã từ giã cõi đời, Magic Johnson, cựu cầu thủ bóng rổ nổi tiếng - người bị chuẩn đoán có HIV từ năm 1991, đã bày tỏ lòng biết ơn của anh đối với Taylor trên trang Twitter của mình: “Elizabeth, cảm ơn với tất cả sự trợ giúp của bà cho cuộc chiến với HIV/AIDS. Cả thế giới sẽ nhớ bà”

Còn siêu sao pop Anh Elton John thì ca ngợi người “đồng đội” chiến đấu vì bệnh AIDS: “Chúng ta vừa mất đi một người khổng lồ ở Hollywood. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta đã mất đi một người không thể tin nổi. Bà giành được sự tôn thờ với vẻ đẹp lộng lẫy và sự tinh hoa của một ngôi sao điện ảnh. Bà còn giành được tình yêu và lòng kính trọng với sự can đảm trong việc đương đầu với bệnh AIDS, trong khi nhiều người khác thì chỉ giữ im lặng”.

Nhiều lần đối diện với cái chết

Elizabeth Taylor tích cực tham gia các hoạt động phòng chống AIDS

Sinh ra ở Anh ngày 27/2/1932, Taylor và cha mẹ (là người Mỹ) chuyển tới Los Angeles khi bà lên 7 tuổi. Năm 12 tuổi, Taylor trở thành một ngôi sao với vai chính trong phim kinh điển National Velvet (1944) - 1 trong 50 phim mà bà từng tham gia thủ diễn trong hơn 4 thập kỷ. Mặc dù bà nhận được nhiều lời tán dương với vẻ đẹp lộng lẫy và tài năng diễn xuất của mình - đoạt 2 giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (với vai diễn trong phim Butterfield 8- 1960 và Who’s Afraid of Virginia Woolf -1966) và giải Oscar danh dự với hoạt động chống lại bệnh AIDS - giải Nhân văn Jean Hersholt - vào năm 1993, nhưng sau này Taylor trở nên nổi tiếng hơn với cuộc sống riêng tư đầy sóng gió với 8 cuộc hôn nhân thất bại.

Hết mình vì những người nhiễm HIV/AIDS và nhờ đó dã kéo dài sự sống được cho nhiều người, nhưng bản thân Taylor đã nhiều lần phải đối diện với cái chết. Bà gần như bị mù một mắt và liệt một bên chân, trải qua 100 lần phẫu thuật, trong đó có lần phải cắt bỏ khối u não, 2 lần bị viêm phổi nặng khiến phải mở khí quản. Chưa kể, Taylor còn bị bệnh đau lưng sau lần ngã ngựa trong khi quay bộ phim National Velvet.

Ngôi sao này còn phải chiến đấu với chứng nghiện rượu và bà 2 lần phải vào trung tâm cai nghiện tại Bệnh viện Betty Ford trong những năm 1980. Trong lần cai rượu thứ 2, bà đã gặp chàng công nhân xây dựng Larry Fortensky - người đàn ông trở thành người chồng thứ 8 và cũng là người chồng cuối cùng của bà. Cặp đôi này kết hôn năm 1991 tại trang trại Neverland Ranch của Michael Jackson, khi đó Taylor 59 tuổi, còn Fortensk trẻ hơn bà 20 tuổi. Nhưng sau 5 năm chung sống, họ chia tay nhau.

Mặc dù không xuất hiện nổi bật trước công chúng trong những năm sau này - thời gian bà phải chiến đấu với việc giảm trọng lượng cơ thể và chiến đấu với bệnh tật - nhưng Taylor vẫn sống một cuộc đời đa năng. Bà được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao Huân chương của Đế chế Anh hồi tháng 5/2000.

Taylor trong mắt các chính khách

- Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Ngoại trưởng Rodham Clinton: “Di sản của Elizabeth sẽ sống mãi trong tâm trí của nhiều người trên khắp thế giới. Cuộc sống của những người đó sẽ tốt hơn và dài hơn vì công việc và những nỗ lực của bà”.

- Thủ tướng Pháp Francois Fillon: “(Taylor) sẽ tạo dấu ấn mãi mãi trong nghệ thuật thứ 7... Vai Nữ hoàng Cleopatra của bà vẫn chưa ai có thể sánh kịp. Bà đã cống hiến hết mình và có đam mê bất tận với điện ảnh”

- Cựu Thượng nghị sĩ John W. Warner: “Tôi sẽ nhớ bà - người phụ nữ có trái tim và tâm hồn đẹp chẳng kém gì gương mặt kinh điển và đôi mắt hút hồn”.

- Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan: “Bà là người đam mê, giàu tình thương yêu với mọi thứ trong cuộc đời mình, trong đó có gia đình, bạn bè và đặc biệt là các nạn nhân AIDS. Taylor thực sự là một huyền thoại và chúng ta sẽ nhớ bà”.

Taylor trong lòng các nghệ sĩ

- Nữ diễn viên Joan Collins: “Bà là người cuối cùng trong số những thần tượng Hollywood thực thụ, một vẻ đẹp lộng lẫy, một diễn viên vĩ đại và liên tục mê hoặc thế giới với cuộc đời đầy sóng gió và sự nghiệp của mình”.

- Nữ diễn viên Eva Marie Saint: “Bà là một tài năng không thể tin nổi và có đôi mắt không thể quên được. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các hoạt động nhân văn của bà”.

- Đạo diễn Anh Michael Winner: “Elizabeth Taylor là ngôi sao vĩ đại cuối cùng. Bà là tác phẩm soap opera “diễn” lâu nhất trong lịch sử và tượng trưng cho mọi sức lôi cuốn và bi kịch để thu hút mọi người đến với Hollywood”.

- Nữ ca sĩ huyền thoại Barbra Streisand: “Taylor ra đi là sự chấm hết của một kỷ nguyên. Không chỉ bởi vẻ đẹp hay cương vị ngôi sao của bà, mà là bởi tính nhân văn của bà. Taylor đã hết lòng vì cuộc chiến với HIV/AIDS. Bà là người vui tính, rộng lượng. Bà làm cho cuộc đời mình có giá trị”.

- Chris Dodd, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ: “Trong sự nghiệp trải dài hơn 70 năm và trong hơn 50 bộ phim, tài năng của bà tồn tại được với sự thử thách của thời gian và chinh phục được nhiều thế hệ khán giả. Bà thực sự là một thần tượng Mỹ. Di sản của Taylor đã vượt qua khả năng diễn xuất của bà, điển hình là những nỗ lực dẫn đến cuộc chiến chống lại HIV/AIDS”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm