30/06/2012 14:17 GMT+7
(TT&VH) - Đó là nhận xét của rất nhiều người ngay khi trận bán kết 2 mới đi qua được một hiệp đấu. Một fan nữ xinh đẹp người Đức sớm rơi lệ chỉ sau bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 của Balotelli ở phút 36, cô ấy phải chăng đã biết rằng đội bóng của mình không thể lật ngược được thế cờ? Có thể lắm chứ, bởi ngay từ trong tâm lý, những người Đức đã thua trận từ khi bóng còn chưa lăn.
Khi quốc thiều Italia vang lên trên sân bóng quốc gia Warsaw, tất cả 11 cầu thủ Italia đá chính đều cất tiếng hát. Ngay cả Mario Balotelli, vốn là một người Ghana mang quốc tịch Italia, cũng hát một cách say mê bài hát còn có tên gọi là "Fratelli d'Italia" (những người anh em của nước Ý) ấy. Mười một cầu thủ áo xanh đứng trên sân, vai kề vai, trên tay là những vòng băng tang để tưởng niệm một binh sĩ đồng hương thiệt mạng ở xứ người, và cùng hát vang lên bài ca của đất nước. Đó là khoảnh khắc họ trở thành biểu tượng thực sự cho câu hát mở đầu bài quốc ca, là những người anh em Italia đúng nghĩa nhất. Ngay từ lúc ấy, người ta đã thấy Italia là một tập thể đoàn kết và giàu tinh thần dân tộc, không giống với người Đức vài phút sau đó, khi rất nhiều cầu thủ áo trắng không mở miệng trong tiếng nhạc hùng tráng của bản "Deutschlandlied".
Cassano và Balotelli say sưa hát quốc ca- Ảnh Getty
Người Italia đặc biệt coi trọng tính yêu nước trong lúc hát quốc ca. Còn nhớ Claudio Marchisio từng bị đòi phải rời khỏi đội tuyển khi hát không kịp nhạc ở nghi lễ chào cờ trước một trận giao hữu tiền World Cup 2006, còn Mauro Camoranesi bị chỉ trích không ngớt vì luôn im lặng trong giờ phút đó. Nhưng các học trò của HLV Prandelli chắc chắn không hát chỉ để đối phó khi ống kính lia qua, bởi vì trên sân cỏ, ngoài đường piste, họ đều đã thể hiện sự đoàn kết vô song. Sau trận ra quân, Cassano đã gây nhiều sóng gió khi đề cập đến vấn đề người đồng tính trong đội bóng của anh. Trước trận bán kết, Montolivo làm nảy sinh những nghi ngờ về việc mối dây tình cảm với nước Đức có thể làm anh bị phân tâm. Còn Balotelli giận chính những người đồng hương đã vẽ anh như một con King Kong trên tờ báo thể thao bán chạy nhất Italia. Nhưng hãy nhìn xem, họ đều là những người hùng trong một chiến thắng mang tính biểu tượng tinh thần của người Italia. Cassano và Montolivo tạo ra cơ hội, còn Balotelli kết thúc chúng một cách hoàn hảo.
Người Italia không cố ý tạo ra scandal để thêm quyết tâm, nhưng trong khó khăn và những cái nhìn dè bỉu, sức mạnh tinh thần của Italia càng to lớn. Hát quốc ca không chỉ là tình yêu đất nước, mà còn là một cách để họ khẳng định giá trị của bản thân, giá trị của màu cờ sắc áo. Vì sao Brazil luôn mạnh nhất nhì thế giới, vì sao Milan luôn hay hơn khi chơi ở Champions League, vì sao Barcelona là đội bóng chỉ thất bại bởi họ không thắng nổi chính mình suốt mấy năm qua? Có ai tự trả lời rằng vì các cầu thủ Brazil khi bước ra sân đều nắm tay nhau, vì Milan luôn là một đội bóng khác khi tiếng nhạc Champions League cất lên, vì Barca là một biểu tượng về tinh thần Catalan trong một đội bóng gia đình? Có những lý do tưởng chẳng liên quan gì đến trái bóng và những sơ đồ chiến thuật, nhưng lại mang ý nghĩa to lớn vô cùng khi tạo nên sức mạnh lớn lao trong trái tim mỗi cầu thủ.
Đêm Chủ nhật này, có cầu thủ Tây Ban Nha nào hát quốc ca?
(Dĩ nhiên là không ai, vì quốc ca Tây Ban Nha chẳng có lời....)
Bách Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất