(Thethaovanhoa.vn) - Wunna Theikdi, khu liên hợp thể thao của Myanmar tại Nay Pyi Taw dù chưa hoàn thiên nhưng vẫn thấp thoáng hình ảnh của một gã khổng lồ trong khu vực.
Một quan chức thể thao Việt Nam trong lần trò chuyện với phóng viên Thể thao & Văn hoá đã phải thốt lên: "Họ nghèo mà hoành tráng quá. Bao giờ Việt Nam mới có một hệ thống nhà thi đấu như thế này?".
Nhưng bao giờ cũng vậy, dưới chân gã khổng lồ bao giờ cũng có một cái bóng. Bên cạnh sự hào nhoáng luôn có cảnh nghèo túng, đối lập.
Xóm nghèo Wunna Theikdi là một ví dụ điển hình. Nó cho thấy rõ một cuộc sống vẫn còn rất khó khăn của người dân Myanmar, đất nước mới chỉ mở cửa đón bạn bè quốc tế vài năm trở lại đây.
Chùm ảnh ghi nhận của phóng viên Thể thao & Văn hoá tại xóm nghèo này.
Tun Tint Naion, viên cảnh sát 21 tuổi vừa hết ca trực. Anh không về nhà mà ghé luôn vào cái hẻm nhỏ bên cạnh đồn của mình. Ở đó là một thế giới khác, nghèo, bẩn, xập xệ, đối lập hoàn toàn với khung cảnh bên ngoài đầy hoành tráng, người ta gọi đó là Khu ổ chuột Wunna Theikdi.
Có một điểm đến khá đặc biệt ở ngay khu liên hợp thể thao Wunna Theikdi mà không mấy khách SEA Games biết đến. Đó là khu ổ chuột Wunna Theikdi
Đó là một thế giới hoàn toàn khác, đối lập
Tại đây bạn sẽ tìm hiểu được một cuộc sống còn thiếu thốn của người dân Nay Pyi Taw, hoàn toàn khác so với những gì mà bạn thấy dọc theo trục đường chính, nơi các khách sạn đang mọc lên như nấm
Chỉ là một khu dân cư sống tạm xuất phát từ việc di dân để xây dựng khu liên hợp thể thao, nhưng ở đây bạn có thể bắt gặp đầy đủ cuộc sống của một đơn vị làng, xóm
Thực tế, cái xóm nhỏ này không chỉ có những người ở tạm sau khi mất đất làm khu liên hợp. Nó đón tiếp tất cả những thành phần người đang lao động, phục vụ khu liên hợp này đến nghỉ ngơi vào buổi trưa
Tất nhiên các quán cơm bình dân là đắt khách nhất. Bạn đừng ngạc nhiên nếu bắt gặp những viên công an ở đây. Họ mặc dù là công chức nhưng xét về thu nhập, họ cũng rất "bình dân". Những khu vực thế này phù hợp với túi tiền của họ
Mọi thứ ở đây luôn rẻ, chỉ tương đương khoảng vài nghìn đồng Việt Nam
Tất nhiên, đối với 1 người kỹ tính, bạn sẽ hơi ngại khi chứng kiến những hàng bán đồ sống đầy ruồi nhặng thế này
Hoặc những món ăn đặc sản được phơi khô làm thức ăn sẵn thế này
Do phục vụ tầng lớp nghèo, các dịch vụ vá víu rất được chuộng
Những cửa hàng cắt tóc nho đến mức chỉ 1 khách có thể ngồi bên trong
Tất nhiên là không thể thiếu trầu, đồ ăn phổ biến ở đất nước này
Trầu có thể được bán lẻ hoặc bán theo túi với giá vài trăm Kyat
Không có nhiều vốn, bán lẻ là cách kiếm sống tốt nhất đối với người dân ở đây
Một công việc gần như phải làm thường xuyên của người đàn ông, đó là lợp lại những căn nhà tranh ọp ẹp của gia đình
Ở Myanmar, không phải ai cũng có quyền mua nhà. Ngoài các vị giáo sư, tiến sĩ... chỉ mất 1-2 năm lao động sẽ được mua nhà giá tốt, còn người lao động phải mất ít nhất 20 năm lao động có đóng thuế mới có giấy phép mua nhà. Vì vậy mọi thứ liên quan đến ăn ở đều là... tạm bợ
Nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm tới điều đó. Sau một ngày lao động vất vả, họ tìm đến với những niềm vui nho nhỏ thế này
Và họ tỏ ra luôn sáng tạo trong việc chế ra trò chơi. Ở đây là một dạng chơi cờ với những chiếc nắp lon nước ngọt
Nếu chỉ nhìn vào con người, hành vi sống, bạn khó nhìn thấy sự tiêu cực nào. Mọi thứ diễn ra như tất yếu phải vậy
Một đại gia đình quây quần nghỉ trưa trước khi lại toả đi kiếm sống vào buổi chiều
Ở đất nước có tới gần 90% người dân theo đạo Phật này, tôn giáo là điều để họ tin tưởng vào và nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn. Mọi mệt mỏi của cuộc sống sẽ được giải toả vào mỗi cuối ngày, khi họ quay trở về với gia đình và niềm tin của mình
Cao Mạnh Tuấn
Từ Nay Pyi Taw, Myanmar