19/12/2017 06:27 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Những lợi ích mà xăng sinh học E5 mang đến cho người sử dụng và môi trường sống - đó là thích hợp với mọi động cơ chạy xăng như ô tô, xe máy và giảm đáng kể lượng khí độc thải ra môi trường. Những lợi ích ấy chính là lý do khiến xăng E5 đã được sử dụng phổ biến ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, xăng E5 sẽ được dùng phổ biến từ 1-1-2018.
Lộ trình không thay đổi
Với mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Để thực hiện Đề án, ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Lộ trình).
Sau 10 năm Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 2 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, kết quả chính cho thấy các mục tiêu của Quyết định 177 về xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, hình thành và phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, năng lực sản xuất cồn nhiên liệu đã đạt được và một số chỉ tiêu vượt mục tiêu. Tuy nhiên, một số mục tiêu cụ thể của Quyết định 53 về việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5, E10 chưa đạt như mong muốn.
Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế xăng khoáng A 92, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 6-6-2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống: kể từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E 5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Về việc gần đây một số doanh nghiệp nhỏ kinh doanh xăng dầu mong muốn Bộ Công Thương có thể linh động, lùi thời hạn thực hiện việc chuyển đổi xăng khoáng RON 92 sang xăng sinh học E5 muộn hơn ngày 1-1-2018, tại buổi làm việc cùng đại diện các thương nhân đầu mối xăng dầu, sở công thương các tỉnh, thành phố phía Bắc (ngày 7-12-2017), Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Chính phủ và Bộ Công Thương rất quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi này. Thời hạn đã đề ra là không đổi.
Xăng E5 - an toàn cho động cơ, sạch môi trường
Xăng E5 đã được các cơ quan chức năng công nhận đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8063:2009 và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, từ khi xăng E5 triển khai tại 7 tỉnh (cuối năm 2014) đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng chứng tỏ xăng E5 rất an toàn cho động cơ (Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kiểm định, xác nhận).
Xăng E5 RON 92 thích hợp với mọi động cơ chạy bằng xăng, bất kể ô tô hay xe máy, không cần điều chỉnh hay thay thế bất kỳ thiết bị nào của động cơ. Đặc biệt, có thể thay thế xăng truyền thống RON 92/95 bằng xăng E5 RON 92 bất kỳ lúc nào, trộn lẫn với xăng còn lại trong bình theo bất kỳ tỷ lệ nào mà không gây ảnh hưởng đến động cơ và hoạt động của xe.
Động cơ sử dụng xăng E5 RON 92 sẽ tạo ra rất ít khí thải CO và Hydrocarbon và ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như RON 92 và RON 95 tới 20%, chính vì vậy, xăng E5 RON 92 rất thân thiện với môi trường.
Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và Hydrocarbon, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng E5 RON 92. Như chúng ta đã biết, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng E5 RON 92 được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của E5.
Ngoài ra, với hàm lượng ôxy trong xăng E5 RON 92 rất cao nên giúp cho nhiên liệu được cháy triệt để, tăng công suất cho động cơ, giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải thải ra môi trường. Thêm vào đó, các loại xe mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng E5 RON 92 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.
Vân Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất