04/08/2014 08:45 GMT+7
Ở Paris, trong lúc mọi người sống căn hộ chỉ biết mua lan chơi rồi bỏ, vì chúng không nở hoa lại, thì em khác. Em đặt những chậu lan cũ quây quần một góc “để tụi nó tâm tình, nói chuyện với nhau”. Tôi bắt đầu tin lan của em tiếp tục ra bông nhờ nói chuyện với nhau, khi mới đây, trong một lần tình cờ xếp đặt tôi gom mấy cây kiểng và nhận ra vòng đời của chúng dài hơn trước nhiều lần. Tôi tin thực vật có linh hồn.
Kể chuyện những hàng cây cổ thụ trung tâm thành phố bị hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên sau khi dùng những câu chữ thẫn thờ, thảng thốt của người dân, rằng “Tội nghiệp cây quá anh ơi”, đã kêu lên tê tái: Mất đi hàng cây cổ thụ hai bên đường Lê Lợi, mặt tiền nhà hát thành phố lộ ra nhỏ bé, lạc lõng trước dãy cao ốc hiện đại (...). Cảnh quan tổng thể kiến trúc trung tâm mất đi chiều sâu của lịch sử, văn hóa và dấu ấn sinh thái đô thị. Anh cho đó là sự tổn thương, còn tôi liên tưởng nôm na rằng, trung tâm không có cây, giống như kiều nữ thiếu... chân mày!
Trong bài “Vẫn nhớ về cây xanh thành phố” nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu sau khi ứa nước mắt nhìn phố bỗng dưng trơ trọi; bất lực nghe tiếng kêu cứu trong mỗi nhánh cây gãy, đã đau xót nhận ra mấy công trình tráng lệ “chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi”.
Tôi thấy chúng đẹp - cái đẹp vô tính, a dua như bất cứ nơi nào. Với/vì chúng, Sài Gòn 300 năm dần giống như thành phố mới khai dựng. Ừ thì cuộc tàn hạ thiên nhiên là để đổi ga metro hiện đại. Nhưng ga thì dù hiện đại vẫn là cái... bến xe, mà những đặc tính xô bồ - dù nhiều hay ít - của nó chắc chắn sẽ làm tổn thương nét thanh tao, nền nã lâu nay của trái tim thành phố. Cái giá tiêu hoại mỹ quan phải trả ở tương lai là rất lớn, khó cứu chữa.
Nguyễn Thị Hậu xác đáng khi nói rằng, nhìn cách đối xử với cây mà nghiệm ra cách ứng xử với người. Và rằng nếu hiện đại mà chỉ biết chặt cây, đập cũ xây mới thì công việc quản lý đô thị của các cơ quan công quyền thật quá dễ. Đúng vậy, chỉ là cỏ cây thôi nhưng Paris phải giao cho một... phó thị trưởng đặc trách!
2. Trong cơn ấm ức thương cây, cậu em bên trên viết thêm: “Từ tòa nhà ủy ban bước ra vỉa hè, nơi người dân túm tụm khóc cây không xa, nhưng bài học về sự biết yêu thương quý trọng tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên hình như không dễ học”.
Có lẽ không ở đâu người dân phải liên tục kêu rên sự đập phá vô tâm như ở đây. Và có lẽ, do sự kêu rên đó mà những hàng cây kiêu hãnh bị đánh úp. Cây trách Sài Gòn nông bạc, nhưng cây biết người Sài Gòn cũng thảng thốt, bàng hoàng!
Người ta hứa sẽ tái hiện không gian xanh, nhưng, như kinh nghiệm nhãn tiền: công viên Chi Lăng - không phải xanh của cây mà của... kiểng trang hoàng - không phải cho dân. Người có trách nhiệm nói, những cây bị chặt không quý, nhưng sống trăm năm thì cây hết là gỗ. Thành phố nhân văn phải xanh. Xanh của cây chứ không phải của kiểng leo khoeo, dễ dãi, nhôm nhoam.
Tôi muốn khóc khi đọc câu này của Nguyễn Thị Hậu: “Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải là Sài Gòn của bao người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày...”.
Tôi suýt khóc khi đọc câu “Ít có ai chuẩn bị đủ tâm lý cho một cuộc chia ly như vậy” trong bài “Sài Gòn run rẩy trong tiếng máy cưa” của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Chia ly, anh đã dùng chữ thật hay để thấy hồn cây níu quấn hồn người - không phải những người đến - đi, lên - xuống, mà những người đang yêu tha thiết Sài Gòn.
Quá muộn để cứu cây, nhưng hoàn toàn không muộn để khóc và khuyến cáo. Khi Sài Gòn cứ còn của những người lạnh lùng đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, thì những người từng ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn sẽ còn khóc chia ly...
Paris, đầu tháng 8/2014
Việt Linh (đạo diễn)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất