12/02/2013 12:51 GMT+7 | Văn hoá
Khá nhiều sự trùng hợp đặt ra với 2 vở diễn: cùng là những kịch bản gai góc và trực diện nhất của Lưu Quang Vũ, cùng thực hiện bởi lứa diễn viên trẻ, cùng thực hiện trong cảnh chính kịch của sân khấu Hà Nội đã lao đao tuột dốc từ chục năm nay. Vậy nhưng, cả hai nhà hát Tuổi Trẻ và Hà Nội lại có những lý do riêng trong sự lựa chọn của mình
Thuốc đắng và thuốc... cực đắng!
Không cần nói nhiều về giá trị của Lời thề thứ 9 - khi cùng với Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, kịch bản này đã mang lại Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố tác giả Lưu Quang Vũ. Viết theo đặt hàng của ngành quân đội, viết về mối quan hệ quân - dân, nhưng đi tới cùng, Lời thề thứ 9 là câu chuyện của những bất công xã hội, của bộ máy quản lý xuống cấp và biến chất, đẩy mỗi người dân tới cảnh bần cùng.
Ấy vậy mà khi dựng lại, “liều lượng” phản biện của kịch bản này còn được kịch Tuổi Trẻ tăng thêm, với việc… tranh thủ đưa vào những chi tiết của vụ án Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng. Như lời NSƯT Chí Trung, đó là liều thuốc đắng cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cũng như cho căn bệnh vô cảm thờ ơ của khán giả trẻ hôm nay.
Cảnh trong vở Ông không phải là bố tôi |
Nếu theo cách nhìn ấy, “liều thuốc” mà Ông không phải là bố tôi (đạo diễn Phan Trọng Thành) mang theo còn gay gắt và trực diện hơn. Gay gắt tới nỗi, ở thời điểm ra đời, chỉ duy nhất Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh “dám” mang kịch bản về tập nội bộ cho sinh viên. Rồi, khi làn sóng Đổi mới dâng cao, Ông không phải là bố tôi lần đầu tiên đến với khán giả qua con đường của… kịch truyền hình, sau dăm bảy lần nâng lên đặt xuống (thậm chí, mãi tới năm 2003, một đơn vị sân khấu trong Nam cũng được yêu cầu “tạm dừng” khi đang dàn dựng kịch bản này).
Đến bây giờ, những khán giả U40 hẳn vẫn còn nhớ rõ những hiệu ứng mà Ông không phải là bố tôi từng mang lại qua sóng truyền hình. Đó là những Hùng “xong béng”, Liên “chặt gạch”, là câu thoại “chúng ta đã sống qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, để rồi bước sang thời… đồ đểu”, là câu cửa miệng “ông không phải là bố tôi” đã trở thành khẩu ngữ trong cuộc sống thường ngày. Câu chuyện khá đơn giản: một người cha không dám nhận vợ con vì những khắc nghiệt của miền Bắc sau 1954. Một người con nhận cha rồi lại không nhận - khi phát hiện bố mình cũng chỉ là “phế phẩm” suốt một thời. Một ông cán bộ tuyên huấn, chuyên rao giảng những điều vá trời lấp bể - để rồi cuối cùng ngộ ra: ngồi vót tăm tre là việc hữu ích nhất mà mình mang lại cho cuộc đời. Thế nhưng, ngần ấy nhân vật, cùng những lời thoại gay gắt và trực diện, lại hội đủ một thông điệp rất rõ ràng của Lưu Quang Vũ về sự ích kỷ, về những gì cứng nhắc, giáo điều đi ngược lại với đạo đức và tình cảm thiêng liêng từ ngàn đời…
Cũ và không cũ!
“Kịch bản của Lưu Quang Vũ không hề cũ. Thậm chí, tôi thấy những gì anh viết còn đúng hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây vài chục năm. Khi ấy, những vấn đề về sự xuống cấp đạo đức trong mỗi gia đình, mỗi con người chưa được đặt ra một cách nghiêm trọng như bây giờ” - NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, giải thích.
Câu hỏi đặt ra: Nên vui hay buồn, khi sau 25 năm, kịch bản của Lưu Quang Vũ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất với những vấn đề như vậy?
Cảnh trong vở Lời thề thứ 9 |
Thực tế, với sân khấu Hà Nội, các kịch bản của Lưu Quang Vũ vẫn được dựng lại rả rích trong hơn chục năm qua. Đó là các trường hợp của Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Nguồn sáng trong đời (Nhà hát Kịch Việt Nam), Cô gái đội mũ nồi xám (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ) hay Tôi và chúng ta, Hai ngàn ngày oan trái (Nhà hát Kịch Hà Nội).
Như lời NSND Hoàng Dũng, bên cạnh Lưu Quang Vũ, một số cây viết khác cũng đã có những hướng sáng tác khá độc đáo trong và sau thời Đổi mới. “Những kịch bản của Lưu Quang Vũ từng dàn dựng ở nhà hát chúng tôi thường có một mẫu nhân vật chung: thẳng thắn, thông minh, cam chịu, quên cả mình trong cuộc đấu tranh với cái xấu nhưng lại rất ngơ ngác, vụng dại trong tình yêu. Còn những Xuân Trình, Nguyễn Anh Biên lại có một cách đặt vấn đề khác, với những mẫu nhân vật khác: cuộc sống không thể có con người hoàn chỉnh. Chiếu theo những quy chuẩn khắt khe, người tốt có thể là người chưa đúng trong cuộc sống cá nhân, nhưng điều quan trọng là họ đang có đóng góp cho xã hội. Đóng góp càng nhiều, thì những chuyện như vậy hãy nên tạm được bỏ qua”.
Kịch bản của Lưu Quang Vũ không hề cũ. Thậm chí, tôi thấy những gì anh viết còn đúng hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây vài chục năm - NSND Hoàng Dũng |
“Đáng tiếc, những dòng kịch bản như vậy không kéo dài được mãi”, NSND Hoàng Dũng cho biết. “Một số tác giả mất đi, một số khác phần nào mất đi cái nồng nhiệt để lý giải cuộc sống hiện đại theo cách của mình mà chỉ còn lại cảm giác nao nao, hoài cổ trong kịch bản. Còn với cây viết trẻ, họ vẫn thiên về phản ánh bề rộng của cuộc sống, mà thiếu đi độ sâu cần thiết khi mổ xẻ vấn đề”.
Dựng theo cách của mình!
Không kể tới một Nhà hát Kịch Việt Nam vật vờ gần chục năm qua với hàng loạt vấn đề nội bộ, Kịch Hà Nội và Kịch Tuổi Trẻ là hai đơn vị cùng nhau “đánh vật” với cuộc chiến sinh tồn của làng kịch nói Hà Nội. Nhưng, bản thân mỗi nhà hát này vẫn có một con đường riêng khi chọn dựng kịch Lưu Quang Vũ lần này.
Điển hình, với Nhà hát Tuổi Trẻ, hàng loạt ý tưởng được đưa ra trong việc mang Lời thề thứ 9 tới khán giả. Gần như ngay sau thời điểm công diễn, một câu lạc bộ khán giả yêu sân khấu được thành lập - theo đó, những thành viên sẽ có thể xem Lời thề thứ 9 và các vở diễn khác với hình thức “mua 1 tặng 1”. Rồi, trong thời gian ngắn tiếp theo, dự kiến vở diễn sẽ được đưa tới biểu diễn tại các trường đại học với mức giá siêu rẻ, 20 ngàn đồng/vé (so với 100 ngàn đồng/vé tại rạp hiện nay).
“Chúng tôi đã làm hết sức để có thể dựng một vở diễn tử tế. Và cũng làm hết sức, để có thể đưa khán giả đến với đêm diễn của mình. Phần còn lại, nằm… ngoài tầm tay”, NSƯT Chí Trung tâm sự. Tuần 2 lần, mỗi đêm diễn Lời thề thứ 9 ở rạp Thanh Niên của anh đều đặn sáng đèn, dù khán giả khó lòng đến kín rạp. Thậm chí, như lời Chí Trung, vào đợt trời rét, có tối khán giả chỉ lèo tèo hơn hai chục người. “Hơn hai chục mà chúng tôi vẫn vui như có 200 người, vì họ vượt cái rét cắt da cắt thịt mà tới rạp để xem”.
Ngược lại, với Nhà hát Kịch Hà Nội, Ông không phải là bố tôi không có lịch biểu diễn cố định. 5 đêm diễn vừa qua được thực hiện cách quãng và không thường xuyên. “Chúng tôi không muốn có những đêm diễn chỉ lác đác vài chục người, bởi thế lịch diễn được tổ chức khá thưa với hi vọng có chừng 300 khán giả/đêm diễn. Đó là cách của Kịch Hà Nội, vì chúng tôi muốn tạo ấn tượng với người xem rằng trong hoàn cảnh nào, Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn muốn có một không khí sân khấu nhất định, vẫn có phong cách của riêng mình” NSND Hoàng Dũng nói.
2 lựa chọn khác nhau, nhưng cùng chung hành trình tự tìm lại mình của những vở chính kịch trên sân khấu Hà Nội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất