Đức-Hy Lạp: Chủ nợ và con nợ

22/06/2012 19:03 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Hy Lạp đã gây sốc khi có mặt ở tứ kết. Có thể nói đây là một điều doping tuyệt vời cho quốc gia Nam Âu đang chìm trong khủng hoảng kinh tế.

Thú vị hơn, chờ đợi họ lại chính là Đức. Đây không phải là một cặp đấu hứa hẹn trên sân cỏ. Nhưng ngoài lề lại rất hấp dẫn giữa một bên là con nợ và một bên là chủ nợ. Quan hệ đó đương nhiên không khi nào dễ chịu cả.

Đức-Hy Lạp không có nhiều hận thù truyền kiếp. Thậm chí, vua Otto I, quốc vương đầu tiên của Hy Lạp độc lập, còn là người gốc Đức. Hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1834. Trong cả hai cuộc thế chiến, họ là đối địch. Ở thế chiến II, Đức cùng các nước phát xít chiếm đóng Hy Lạp. Vấn đề bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh thời đó đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, cùng với thời gian, quan hệ song phương cũng được khôi phục. Hiện cộng đồng người Hy Lạp ở Đức lên tới 300.000 người, hầu hết nhập cư từ thập niên 60 và 70. Gần như cứ 10 người Hy Lạp thì có một người đã từng làm việc, học tập và sinh sống tại Đức Trong khi đó, du khách Đức tràn ngập những bãi biển tuyệt vời của Hy Lạp.



Các cổ động viên Hy Lạp đã tạm quên đi nỗi lo kinh tế để ăn mừng

thành tích vào tứ kết EURO 2012 của đội nhà

Nhưng rồi, cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra ở xứ sở những vị thần. Năm 2010, chưa đầy 10 năm sau khi gia nhập khối sử dụng đồng euro, Hy Lạp trở thành “Chúa Chổm” và phải nhận gói cứu trợ 110 tỷ euro. Chừng đó vẫn chưa thấm tháp vào đâu để cứu vãn một nền kinh tế quá suy sụp. Năm nay, một gói cứu trợ thứ hai khoảng 130 tỷ euro cho Hy Lạp đã được Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua đi kèm với hàng loạt những yêu cầu thắt lưng buộc bụng không dễ thở chút nào cho người vay.

Đức là quốc gia có quan điểm cứng rắn nhất về việc Hy Lạp cần phải khắc khổ để đổi lấy viện trợ tài chính, thậm chí luôn đe dọa loại Athens khỏi khu vực đồng. Cũng phải thôi khi Berlin đóng góp nhiều nhất cho quỹ cứu trợ. Nhưng những tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Markel đã gây nên sự giận dữ trong dư luận Hy Lạp. Họ cho rằng đó là sự can thiệp quá mức. Đầu năm nay, các quan chức tài chính Đức đưa ra ý tưởng thiết lập ủy ban tư vấn ngân sách để kiểm soát tài chính của Hy Lạp. Dù ý tưởng này sớm bị bác bỏ, tin tức về nó vẫn gây ra một cơn bão phẫn nộ ở Hy Lạp với những hình ảnh như người dân đốt cờ Đức hay báo chí đăng hình chỉnh sửa bà Merkel mặc đồng phục thời phát xít!

Phản ứng như vậy có thể phần nào thái quá. Nhưng nói đi thì cũng cần nói lại, chính truyền thông và dư luận Đức cũng nhìn Hy Lạp bằng con mắt đầy ác cảm. Năm ngoái, tất cả xôn xao khi tạp chí Focus của Đức có bìa là hình tượng thần Vệ nữ đang giơ... ngón tay giữa, một cử chỉ tục tĩu, kèm dòng tít: “Kẻ lừa bịp của gia đình euro”. Bài viết gây sốc này đặt câu hỏi: “Liệu Hy Lạp có quỵt những khoản tiền chúng ta cho vay?” Một nhóm người Hy Lạp cảm thấy bị xúc phạm đã khởi kiện nhóm phóng viên Focus thực hiện bài viết trên. Bức xúc, nhiều chính khách Hy Lạp cũng không giữ được bình tĩnh, đào xới lại thời thế chiến. Phó tổng thống Theodoros Pangalos bực bội: “Họ cướp vàng trong ngân hàng Hy Lạp, lấy đi tiền bạc, tài sản của Hy Lạp và không bao giờ trả lại”. Trong một ấn phẩm sau này, Focus tiếp tục gây sự khi sử dụng hình ảnh thần Vệ nữ nhưng lần này là chìa tay ra như... cầu xin một gói cứu trợ!

Từ kinh tế đến sân cỏ

Trong khi vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp làm đau đầu Đức thì trận tứ kết sắp tới giữa họ ở EURO 2012 lại càng được gia tăng hương vị. Tờ Goal News của Hy Lạp giật tít: “Đưa Merkel tới đây. Đừng hòng loại Hy Lạp khỏi EURO” (chơi chữ vừa là khu vực đồng euro, vừa là giải vô địch châu Âu EURO 2012).

Nếu trên phương diện kinh tế, Đức và Hy Lạp là hai thái cực trái ngược hoàn toàn thì trong bóng đá cũng phần nào tương tự. Mannschaft đang có thành tích tốt nhất ở các kỳ EURO với ba lần đăng quang và ba lần á quân. Trong khi đó, Hy Lạp mới chỉ bốn lần lọt vào vòng chung kết, dù vô địch được một lần trong cú sốc năm 2004.

Đức cũng ba lần vô địch World Cup, á quân thế giới bốn lần cũng như bốn lần xếp thứ ba. Tổng thành tích vào bán kết của họ thậm chí còn vượt qua cả Brazil dù quê hương samba vô địch năm lần. Hy Lạp mới chỉ biết đến không khí World Cup được vẻn vẹn hai lần: lần đầu năm 1994 và lần thứ hai là World Cup 2010. Cả hai cuộc phiêu lưu này đều ngắn ngủi, dừng lại sau vòng bảng.

Giải vô địch Đức và Hy Lạp cũng phản ánh nền kinh tế hai nước. Bundesliga hết sức vững vàng về tài chính. Doanh thu mùa giải 2010-11 tăng 5% lên 1,7 tỷ euro, chỉ kém mỗi Premier League, nhưng có lợi nhuận hoạt động cao hơn so với giải đấu của Anh (171 triệu euro so với 75 triệu euro). Lượng khán giả trung bình 42.100 người/trận của Bundesliga mùa giải 2010-11 cũng là ấn tượng nhất châu Âu. Trong khi đó, bóng đá quốc nội của Hy Lạp vài năm gần đây chìm trong khủng hoảng dàn xếp tỷ số, khán giả ngày càng ít bởi lo ngại nạn bạo lực trên khán đài.

Giới chuyên gia về kinh doanh thể thao chỉ ra một loạt lí do cho việc các câu lạc bộ Hy Lạp không vươn tới được đẳng cấp cao trên đấu trường châu Âu. Nhà phân tích Panagiotis Dimitropoulos của Đại học Peloponese nghiên cứu tình trạng tài chính của bóng đá Hy Lạp giai đoạn 1993-2006 và rút ra kết luận rằng những đội bóng nước này “đều gặp vấn đề trong tìm kiếm lợi nhuận, đối mặt với nguy cơ túng quẫn ngày càng cao”. Dimitropolous đề xuất một số giải pháp cho nền bóng đá Hy Lạp để tăng cường thực lực tài chính lẫn khả năng cạnh tranh như hỗ trợ cho các đội bóng nhỏ, khống chế mức trần lương cầu thủ, giảm bớt quy mô đội hình, chia sẻ lợi nhuận... Một cách ngắn gọn, chẳng khác những gì mà EU và Đức đang yêu cầu với nền kinh tế Hy Lạp: thắt lưng buộc bụng!

Lúc này, trận tứ kết Đức-Hy Lạp đã sớm làm sản sinh ra vô số chuyện tiếu lâm nhằm vào tình trạng khốn khổ của “con nợ”. Được phổ biến rộng rãi trên Internet là biếm họa một cầu thủ Hy Lạp nhặt vội đồng xu mà trọng tài tung lên trước khi bắt đầu trận và hét to: “Một euro!” Phong cách phòng ngự xấu xí của Hy Lạp cũng khiến họ bị giới bình luận chê bai tơi bời. Nhưng xem ra, các cầu thủ lại rất bình thản trước giông tố. Hậu vệ Kyriakos Papadopoulos nói: “Mọi người đang ném bùn vào chúng tôi và chúng tôi rất buồn khi nghe những lời lẽ như vậy. Nhưng như chiến thắng trước Nga, chúng tôi khiến dư luận phải câm lặng. Giờ chúng tôi cần là tập trung và tiếp tục nỗ lực”. 

Trung Sơn



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm