03/06/2012 12:17 GMT+7 | EURO 2024
(thethaovanhoa.vn) - EURO 1996 là giải đấu cuối cùng “Cỗ xe tăng” Đức hiên ngang thống trị bóng đá châu Âu trước khi rệu rã rồi sụp đổ, nhường chỗ cho một thế hệ mới thi đấu phóng khoáng hơn.
Tuyển Đức trước đây thường được ví như một cỗ xe tăng bởi sự chắc chắn, vững vàng trong mọi tình huống, trên mọi trận địa. Tại chung kết World Cup 1974, trong thời gian đầu, Hà Lan từng khiến “Die Mannschaft” thất điên bát đảo, hiếm khi chạm nổi vào bóng nhưng nhờ thần kinh thép, người Đức đã lội ngược dòng thành công. Ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng là một phẩm chất đặc biệt, đóng góp lớn vào thành công của người Đức trước đây. Sau thất bại cay đắng của tuyển Anh trên chấm phạt đền trước Đức tại World Cup 1990, Gary Lineker đã đưa ra kết luận cay đắng: “Bóng đá là trò chơi của 22 cầu thủ và người Đức luôn chiến thắng”.
Tuyển Đức dự EURO 1996 có thể coi là một đại diện tiêu biểu cho hình ảnh cỗ xe tăng trước đây. Trước thềm EURO 1996, Đức không được đánh giá là một ứng cử viên hàng đầu bởi không có nhiều gương mặt hàng đầu thế giới, chỉ gồm các cầu thủ đã thất bại thảm hại tại World Cup 1994, phần lớn sự nghiệp đã bước sang bên kia sườn dốc. Lực lượng của “Die Mannschaft” khi đó chỉ có hai gương mặt U-23 và trong đội hình chính tràn ngập những lão tướng đã trên 30 tuổi như Andreas Koepke (34 tuổi), Stefan Kuntz (33), Thomas Helmer (31), Dieter Elis (31), Juergen Klinsmann (31) hay Thomas Haessler (30).
Lực lượng cũ kỹ này khiến Đức nhiều lần bị áp đảo nhưng nhờ một bản lĩnh vững vàng hiếm thấy, cỗ xe tăng già nua đó đã lần lượt băng qua mọi chướng ngại vật để lần thứ ba giành chức vô địch châu Âu. Như trong trận bán kết với nước chủ nhà Anh, dù bị thủng lưới ngay từ phút thứ 3, bị hơn 75.000 CĐV trên sân Wembley “tra tấn” trong suốt 90 phút, người Đức vẫn kiên cường đáp trả, có bàn gỡ hòa rồi chiến thắng trên chấm phạt đền. Ở trận chung kết, người Đức một lần nữa chứng tỏ được bản lĩnh thép của mình khi phải nhận bàn thua từ một quả penalty oan uổng nhưng vẫn lội ngược dòng thành công nhờ cú đúp của Oliver Bierhoff, cầu thủ vẫn còn khá vô danh khi đó.
Vô địch: Đức Á quân: CH Czech Hạng ba: Anh, Pháp Vua phá lưới: Alan Shearer (Anh, 5 bàn) |
Bản lĩnh thép chính là yếu tố người Đức hiện nay còn thiếu để có thể giành được vinh quang. Như trong trận chung kết Champions League vừa qua, Bayern, với phần đông là tuyển thủ Đức, đã bị Chelsea đánh gục dù hoàn toàn lấn lướt, có tới ba cơ hội mười mươi để giành chiến thắng. Quá trình toàn cầu hóa với nhiều cầu thủ gốc gác nước ngoài nhập cư vào Đức dường như đã bào mòn tinh thần thép, vốn là đặc trưng của người Đức trước đây. Bóng đá Đức, từ cấp độ ĐTQG tới CLB, hiện giống những họng pháo, có sức mạnh hủy diệt nhưng không còn sự vững vàng của một chiếc xe tăng cứ lầm lừ băng qua mọi giông bão như trước đây.
Các cầu thủ Đức hiện nay có thể không quá tự hào về chiến thắng không thật sự thuyết phục tại EURO 1996 nhưng yếu tố dẫn đến thành công ở giải đấu đó chắc chắn sẽ lại bài học đội bóng này phải ghi nhớ nếu muốn có thể bước lên đỉnh.
Trần Khánh An
Những lần đầu tiên Giải vô địch châu Âu lần thứ 10 tổ chức tại Anh là lần đầu tiên tên gọi EURO được sử dụng. Đây cũng là lần đầu tiên giải đấu này gồm 16 đội tham dự và được duy trì cho đến nay (kể từ EURO sau sẽ tăng lên thành 24 đội). Kỳ EURO này cũng lần đầu được chứng kiến một bàn thắng vàng do Oliver Bierhoff thực hiện trong trận chung kết giữa Đức và Czech. Xét về số bàn thắng tại các vòng knock-out, EURO 1996 là giải đấu buồn tẻ thứ hai trong lịch sử với chỉ 1,29 bàn/trận, chỉ hơn EURO 1968 (1,25 bàn/trận). Đội hình tiêu biểu EURO 1996: Đa dạng Đội hình tiêu biểu của các kỳ EURO trước chủ yếu gồm những gương mặt của các đội đứng đầu, thậm chí chỉ hai đội lọt vào chung kết như giải vô địch châu Âu đầu tiên. Tuy nhiên, đội hình tiêu biểu của EURO 1996 đã đi ngược lại hoàn toàn xu hướng này khi tập hợp các đại diện của tới bảy quốc gia. Từ những gã khổng lồ như Đức, Anh, Pháp cho tới những đội tí hon như Croatia, Czech hay Bulgaria, tất cả đều có đại diện trong đội hình tiêu biểu. Đội vô địch Đức chiếm nhiều vị trí nhất (ba người), Anh và Pháp đồng xếp thứ hai với hai cầu thủ còn á quân Czech, Italia, Croatia và Bulgaria, mỗi nước có một cầu thủ. Tuy nhiên, sự đa dạng này chỉ là một khoảnh khắc hiếm hoi bởi tại các kỳ EURO tiếp theo, xu hướng “nước chảy chỗ trũng” lại tái lập. Pháp và Italia thống trị EURO 2000, ba đội dẫn đầu Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Czech chiếm tới 9/11 vị trí tại EURO 2004 còn bốn năm sau, Tây Ban Nha chiếm tới quá nửa đội hình tiêu biểu. Thủ môn: Andreas Koepke (Đức). Hậu vệ: Laurent Blanc (Pháp), Marcel Desailly (Pháp), Matthias Sammer (Đức), Paolo Maldini (Italia). Tiền vệ: Paul Gascoigne (Anh), Dieter Eilts (Đức), Karel Poborsky (Czech). Tiền đạo: Alan Shearer (Anh), Hristo Stoichkov (Bulgaria), Davor Suker (Croatia). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất