Từ thất bại của người Đức: Ở ranh giới bản sắc nhạt nhòa

30/06/2012 14:36 GMT+7

(TT&VH)- Đức thất bại, và những người yêu mến họ nuối tiếc tinh thần Đức nguyên bản, thứ đã được nâng lên thành bản sắc trong quá khứ. Nhưng vào thời đại mà toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và quá trình làm phẳng thế giới đang “tấn công” đặc biệt mãnh liệt vào châu Âu, thì ranh giới bản sắc giữa các nền bóng đá cũng đang trở nên nhạt nhòa, và đó không chỉ là câu chuyện của riêng người Đức.

Từ tính đa chủng tộc

Người hùng của trận đấu rạng sáng qua là Mario Balotelli, con của một gia đình người Ghana nhập cư vào Italia bất hợp pháp. Mario Gomez, chân sút số một của tuyển Đức ở EURO lần này với cùng 3 lần lập công như Balotelli, mang trong mình hai dòng máu Đức và Tây Ban Nha. Phần lớn các đội tuyển lớn ở châu Âu hiện tại đều mang tính đa chủng tộc, như Pháp (Congo, Maroc, Algeria…), BĐN (Cape Verde), Hà Lan (Maroc), và thậm chí là một đội tuyển từng rất đề cao yếu tố dân tộc thuần chủng như Đức, giờ cũng là một tập thể bao gồm rất nhiều cầu thủ, thậm chí là trụ cột, không phải chính gốc Đức (Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia…).

Đến một đội tuyển Đông Âu vốn rất ít người gốc Phi nhập cư như CH Czech cũng “giới thiệu” được một gương mặt da màu: Theodor Gebre Selassie, hậu vệ phải có cha là người Ethiopia. Hay Đan Mạch, một nước Bắc Âu băng đảo, cũng có một cầu thủ gốc Bờ Biển Ngà trong đội hình: Jores Okore.



Người hùng của trận đấu rạng sáng qua là Mario Balotelli, con của một gia đình người Ghana nhập cư vào Italia bất hợp pháp- Ảnh Getty

Quốc tịch giờ đây mang tính xác định nhân thân trên khía cạnh ràng buộc với một quốc gia, không phải sự ràng buộc về mặt dân tộc. Sự tràn ngập của dân nhập cư và một châu Âu thống nhất trong một thập kỷ qua đã khiến cái tên của các đội tuyển hiện chỉ còn mang tính chất tương đối.

Đến sự xóa nhòa ranh giới về bản sắc

Bóng đá trong quá khứ đã dựng lên rất nhiều tượng đài về bản sắc. Nhắc đến đội Đức, là nhắc đến tinh thần và ý chí Đức. Đội Italia thì có “món” đặc sản phòng ngự, đội tuyển Hà Lan là phải cống hiến, phải tấn công tổng lực, còn đội Anh thì muôn đời bị “gán” cho ba chữ “kich and rush” (đá và chạy), với lối chơi thường thấy là tạt cánh đánh đầu.

Nhưng đó đều là những quan niệm cũ kỹ. Đức đã dừng bước ở bán kết với những hoài nghi ngày một lớn hơn về mặt bản lĩnh và sự đánh mất của văn hóa chiến thắng. Italia của Cesare Prandelli đã từ bỏ lối đá tiểu xảo và ranh ma theo quan niệm cũ của người Italia, và chơi tấn công rất ấn tượng. Đội tuyển Anh thậm chí đã chơi phòng ngự khá kỷ luật, đặc biệt là trong trận gặp đội tuyển Italia. Hà Lan, một biểu tượng của bóng đá tấn công trong quá khứ, đã sụp đổ hoàn toàn dưới cuộc cách mạng “thực dụng hóa” màu cam của HLV Bert van Marwijk, người đã phải ra đi sau EURO.

Ngay cả một lối chơi được tụng ca là kim chỉ nam của bóng đá tấn công hiện đại như Tiqui-taca của TBN cũng đã phải tìm đến những sự pha tạp: HLV Vicente Del Bosque đã từng sử dụng những cầu thủ chẳng hề có chất Tiqui-taca, như Jesus Navas và Negredo. Cho đến trận gặp BĐN, khi Xavi, người vốn được coi là bộ não của lối chơi này, bị thay ra, đó là thời điểm mà có lẽ chính ông Del Bosque cũng không tin tưởng vào thanh gươm ánh sáng ấy của người TBN nữa.

Không chỉ là bản sắc về lối chơi, mà bản sắc về những giá trị tinh thần của các nền bóng đá cũng đang nhạt nhòa. Người ta không thấy được chất hiệp sĩ của người Anh, sự hào hoa của người Pháp (cách cư xử của họ ở EURO lần này là một sự phản bội lớn với phong cách của người Pháp), rắn rỏi của người Đức, và táo bạo của người Bồ.

Dấu ấn cá nhân cũng đã “chết chìm” trong dòng chảy hòa tan và pha trộn bản sắc của các nền bóng đá. Cầu thủ nổi bật nhất cho đến thời điểm này là Andrea Pirlo lại chơi ở một vị trí rất đặc biệt, còn lại, những dấu ấn cá nhân khác vẫn chưa thật sự rõ rệt và chưa mang tính liên tục.

Vậy nên, chúng ta cũng chẳng nên thắc mắc quá nhiều về bản sắc đánh mất của các nền bóng đá, dù nuối tiếc cho hình ảnh truyền thống của họ bao giờ cũng là việc phải làm của trái tim. Nhưng thế giới phẳng nói chung đã làm phẳng bóng đá, và đó là điều không thể khác được.

Phạm An

Người Đức & Canh bạc nhập cư

Đội tuyển Đức giờ là tập hợp của các cầu thủ nhập cư

Cộng đồng người nhập cư tại Đức đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 1960, khi những người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được tiếp nhận để bổ sung nguồn lao động cho nước Đức. Dân số già và sự thiếu cân bằng nghề nghiệp trong xã hội, trong bối cảnh Đức cần đẩy mạnh sản xuất để tái thiết lại sau Chiến tranh thế giới II, đã thúc đẩy nguồn nhân lực không mang gốc Đức thuần chủng, và bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Trong vòng vài năm qua, đội tuyển Đức đến các giải lớn không chỉ với đặc điểm nổi bật là trẻ, mà còn bao gồm rất nhiều cầu thủ là dân nhập cư. Tại EURO lần này, họ mang đến Ba Lan và Ukraina 7 cầu thủ không phải gốc Đức, là Jerome Boateng (Ghana), Ilkay Guendogan và Mesut Oezil (đều Thổ Nhĩ Kỳ), Podolski và Klose (đều Ba Lan), Gomez (TBN) và Sami Khedira (Tunisia). Sự tràn lan của những cầu thủ không phải gốc Đức đã từng khiến báo chí nước này đề cập đến vấn đề rằng họ thiếu tinh thần dân tộc, thông qua hành động không hát quốc ca của một số cầu thủ. Nhưng rõ ràng là những cầu thủ nhập cư đang đóng một vai trò rất quan trọng trong đội tuyển Đức hiện tại.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm