05/10/2014 09:12 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - 60 bức Tượng vàng Thánh Gióng sẽ được gửi cho các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân đã đăng ký là chủ nhân của các bức tượng làm vật phẩm nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Trong đó, 3 bức tượng sẽ được chuyển tới: chùa Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa), địa đầu Móng Cái, mũi Cà Mau.
Lễ rước và trưng bày tượng mạ vàng Thánh Gióng "Hào khí Thăng Long- Vì hòa bình thịnh vượng" diễn ra hôm qua (4/10) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, báo An ninh Thủ đô và Công ty Hữu nghị Á Châu tổ chức.
Theo chia sẻ của BTC, tượng mạ vàng Thánh Gióng được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống đảm bảo kỹ xảo, hoa văn, mỹ thuật, yếu tố lịch sử dựa trên nguyên mẫu Tượng Thánh Gióng tại Sóc Sơn, Hà Nội do tác giả - nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân thực hiện. 60 Bức tượng Thánh Gióng đúc bằng đồng nguyên chất mạ vàng có chiều cao 80cm, trọng lượng khoảng 60kg, được ký hiệu seri riêng từ 01/ đến 60/TG-HKTL.
Tượng mạ vàng Thánh Gióng gửi thông điệp hòa bình và sức mạnh của dân tộc ViệtBTC sẽ dành tặng một tượng mạ vàng Thánh Gióng cho Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bán đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được để ủng hộ, giúp đỡ ngư dân bám đảo, bám biển khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Phát biểu về ý nghĩa sự kiện, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Biểu tượng Đức Thánh Gióng đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam từ muôn đời. Biểu tượng này đã trở thành không chỉ riêng của Thủ đô Hà Nội, mà là biểu tượng chung cho dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng của đất nước an bình, luôn mong muốn hòa hiếu, nhưng khi cần thì tất cả mọi người dân, từ đứa trẻ đến người nông dân cũng có thể trở thành sức mạnh mà Đức Thánh đã truyền cho chúng ta để bảo vệ Tổ quốc. Vì thế năm nay chúng ta kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô ngay sau khi kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn lúc nào hết biểu tượng Thánh Gióng trở nên mạnh mẽ”.
Được biết, việc đưa bức tượng mạ vàng Thánh Gióng ra Trường Sa không nằm trong kế hoạch ban đầu. Ý tưởng này được hình thành trong quá trình BTC hoàn thiện vật phẩm thiêng. Bởi theo lý giải của những người thực hiện dự án, qua bao thăng trầm lịch sử, tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội đã kết thành "khí phách Thăng Long, hồn thiêng sông núi". Nên trong những ngày Thủ đô thanh bình, Hà Nội cũng muốn thể hiện rằng "trái tim cả nước" không bao giờ quên những đồng bào chiến sĩ đang âm thầm vươn khơi, bám biển, ngày đêm bảo vệ và thực thi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất