25/02/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Vào tối 23/2/2011, cuộc tọa đàm khoa học Lên đồng - Bảo tàng sống của văn hóa Việt bỗng nhiên... bùng nổ khán giả, tạo nên cảnh “vỡ sân” chưa từng thấy tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội). GS Ngô Đức Thịnh - người có thâm niên nghiên cứu về hầu đồng và cũng là diễn giả trong chương trình trên - cùng TT&VH lý giải về sự quan tâm đột ngột này.
Ông Thịnh cho biết:
- Cần khẳng định, sự háo hức của khán giả đối với các vấn đề về hầu đồng và tục thờ Mẫu là nhu cầu có thật. Thứ nhất, diễn xướng hầu đồng và các câu chuyện đồn đại theo kiểu hư hư thực thực quanh nó vốn đã tồn tại rất lâu trong lịch sử văn hóa Việt Nam.Thứ hai, hầu đồng từng có một thời gian dài bị coi là mê tín dị đoan, còn những năm gần đây thì được nhìn nhận thông thoáng hơn nhưng vẫn tạo nên quanh nó rất nhiều dư luận trái chiều. Mà nói chung, những gì bị cấm hoặc tổ chức theo kiểu “nửa kín nửa hở” thì lại càng gây nên sự tò mò lớn trong dư luận.
Trước buổi tọa đàm vừa qua, tôi và anh Nguyễn Xuân Diện cũng đã lường tới khả năng có nhiều người quan tâm và có mặt tại L’Espace. Bởi vậy, một mặt đề nghị Trung tâm lắp thêm màn hình lớn tại phòng chờ, mặt khác chúng tôi cũng nhắn bạn bè, đồng nghiệp tới sớm để có chỗ ngồi. Nhưng quả thật là lượng người đông quá sức tưởng tượng nên nhiều người đến sớm mà vẫn không vào hội trường được (cười). * Có thông tin rằng buổi tọa đàm quá tải vì rất đông con nhang đệ tử kéo tới đây để “tranh thủ” xem hầu đồng. Ông có tính trước tới việc này?
- Đây là chương trình phi lợi nhuận và mở cửa tự do của L’Espace. Và quan điểm tổ chức của họ khá công bằng: ai tới trước thì có chỗ, tới muộn thì phải chấp nhận ngồi ngoài xem qua màn hình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tới buổi tọa đàm chỉ để nhăm nhăm xem hầu đồng. Cần phân biệt rõ: phần diễn xướng trong chương trình chỉ mang tính trình diễn minh họa vì đã tách khỏi không gian đặc trưng của hầu đồng rồi. Tất nhiên, để tạo hiệu quả diễn xướng, phần sắp đặt dựng khung cảnh trên sân khấu cũng đã được tính toán.
Tôi nghĩ, sự quan tâm của dư luận tới hầu đồng là điều đáng mừng. Đó cũng là cái đích mà chúng tôi hướng tới khi tham gia buổi tọa đàm này. Bởi, nếu quan tâm thật sự, tự thân người xem sẽ có nhu cầu tìm kiếm thông tin để tìm hiểu hư thực và dần biết phân biệt phải - trái, đúng - sai quanh thực tế rất phức tạp mà hầu đồng tạo ra. Như tôi đã nói trong buổi tọa đàm, việc hiểu đúng, nhìn đúng về bản chất của hầu đồng là một yếu tố rất quan trọng để dần “gạn đục khơi trong”, đưa hầu đồng trở lại đúng với vẻ đẹp và giá trị nguyên sơ của nó.
- Thật ra, hầu đồng là một dòng chảy vốn có trong cuộc sống thường nhật. Mỗi ngày, tại Hà Nội có không biết bao nhiêu buổi hầu đồng tại các đền phủ. Trong số ấy, ai thống kê được xem có những buổi hầu đồng nào được tổ chức với nhiều biến tướng dị đoan, chạy theo mục đích kiếm tiền? Một chương trình tọa đàm khoa học, vài tháng tổ chức một lần, liệu có “địch” lại được với thực tế ấy?
Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là nhu cầu tự tìm hiểu, tự nghiên cứu của những người quan tâm tới vấn đề này. Tài liệu khoa học về hầu đồng khá nhiều, nếu bỏ thời gian nghiên cứu, người ta sẽ biết đối chiếu đúng sai khi tiếp xúc với những góc khuất tiêu cực tại các buổi hầu đồng...
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất