Dự thảo Bộ Luật lao động giữ nguyên '60 phút cho con bú' của các mẹ bỉm sữa

26/04/2017 11:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Điểm đáng lưu ý trong dự thảo lần 2 của Bộ Luật Lao động sửa đổi là vẫn giữ nguyên quy định trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ này, lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trước đó, tại dự thảo lần 1 của Bộ Luật lao động sửa đổi đã đề xuất bỏ quy định lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.


Nhân viên y tế khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho mẹ và bé. Ảnh: TTXVN

Theo giải thích của Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), việc đề xuất bỏ quy định mỗi ngày 60 phút cho con bú với phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng là kiến nghị của các doanh nghiệp. Lý do họ đưa ra là sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao; nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ như dệt may, da giầy...

Nhiều doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, thậm chí đã yêu cầu lao động nữ ký cam kết không sinh con trong 2-3 năm và lựa chọn cho lao động nữ nghỉ việc trước tiên khi công ty thu nhỏ quy mô sản xuất kinh doanh...

Đừng “than” khi lao động nữ nghỉ thai sản

Đừng “than” khi lao động nữ nghỉ thai sản

Việc sửa đổi Luật Lao động theo hướng tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng còn phải chờ Quốc hội thông qua. Tuy nhiên thực tế đã có một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ kêu ca.


Việc đè xuất bỏ quy định 60 phút cho con bú với phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng đã gặp phải phản ứng từ các tổ chức xã hội, công đoàn và người lao động.

Tại hội nghị thông tin báo chí cuối năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, chính sách cho nuôi con dưới 12 tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút rất nhân văn, đặc biệt nuôi con bằng sữa mẹ trong 12 tháng đầu đời của trẻ rất có ý nghĩa, giúp trẻ có kháng thể để giảm được bệnh tật. Do đó, Vụ Pháp chế cần lấy ý kiến các bên liên quan, không thể vì đề xuất của chủ sử dụng lao động mà bỏ quy định nhân văn này.

Sau khi lấy ý kiến các bên, ban soạn thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đã quyết định tại dự thảo lần 2 giữ nguyên quy định như hiện hành.

Theo XC - Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm