Video du lịch: Đến Hà Giang đi chợ phiên Đồng Văn

08/04/2016 06:33 GMT+7 | Video du lịch

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Chợ Đồng Văn là chợ lớn nhất của Hà Giang và có lẽ cũng là chợ phiên lớn nhất của miền trung du và đồi núi Bắc Bộ.


Chợ mới với diện tích 1,4ha và chợ cũ được xây hình chữ U bởi từ những năm 1920, chợ Đồng Văn là chợ trung tâm của 4 huyện trên cao nguyên đá. Chợ họp vào chủ nhật hàng tuần, nhiều người dân tộc thiểu số phải đi từ xa, đến chợ từ đêm thứ bảy. Đây cũng là một địa hẹn thường xuyên của các đoàn phượt. Thật sự đi du lịch Hà Giang mà không qua chợ phiên Đồng Văn là một thiếu sót.

Các mặt hàng ở chợ Đồng Văn như bao chợ vùng cao khác, tuy nhiên các khu vực tập trung đông hơn tại chợ mới chứ không trải dài trên tuyến đường chính như ở nhiều thị trấn, thị tứ khác. Từ trên dốc đi xuống, khu vực tập trung đông nhất là khu bán vải, đủ các mặt hàng được bày ra, khăn vuông đủ màu của người Mông, áo chàm của người Tày, dép cao su, giày Thượng Đình từ dưới xuôi lên…

Các khu vực khác chủ yếu là các hàng nông sản của người dân địa phương như hồi, quế, dưa Mèo… trong một góc, mấy con chó Mông, lợn cắp nách hay mấy con chim họa my được chờ bán. Bên trong chợ là những hàng ăn, khách đến thăm có thể gặp những món ăn quen thuộc như bún, phở - nhưng mùi vị không giống dưới xuôi. Những món ăn nhanh như bánh rán, kẹo nha đến những món ăn đặc trưng của vùng cao như xôi ngũ sắc, thắng cố…

Một đặc trưng của chợ Đồng Văn mà hiếm chợ nào có được là dãy các hàng bán rượu dài từ đầu này đến đầu kia của chợ, người vùng cao đi chợ nhiều khi chỉ để mua rượu, uống rượu. Nên ai đi cũng mang theo một cái can, ai đi cũng ra chỗ bán rượu thử, chọn ưng vị rượu thì rút từ can của người bán sang can của người mua. Rượu bán chủ yếu là rượu ngô, nhưng ở trong dãy bàn bán rượu đôi khi có vài loại rượu khác, như rượu mơ, rượu Trung Quốc.

Người đi chợ cũng đủ loại, các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Bố Y… đến người Kinh hay người nước ngoài đến du lịch. Những đôi trai gái yêu nhau dặt díu đi chợ, đám trẻ theo mẹ đến chợ gặp bạn, những người già đến chợ như một thói quen, có cả những người đến chợ để nhớ những điều đã mất…

LKV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm