25/12/2017 14:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hải đăng Đại Lãnh là một trong những hải đăng lâu đời ở Việt Nam với kiến trúc đặc biệt gồm hầm bể chứa nước mưa và hệ thống pin năng lượng mặt trời đảm bảo đèn luôn sáng, chưa bao giờ tắt hàng trăm năm nay.
1. Một chiếc giỏ, một phao bơi cùng mấy chai nước lọc, cứ Hè đến là ba lại chở hai anh em tôi đi tắm biển và chở cả giấc mơ viễn dương lênh đênh trên những chiếc tàu ra khơi.Có lẽ bởi thế mà những chuyến đi về biển chưa bao giờ làm tôi thôi khao khát và những ngọn đèn biển là một thứ ánh sáng huyền diệu đầy ám ảnh trong tâm trí tuổi thơ tôi.
Nằm giáp ranh giữa huyện Khánh Hoà và Phú Yên, từ trên đỉnh Đèo Cả, hải đăng Đại Lãnh đã thấp thoáng xa xa lúc ẩn lúc hiện một cách đầy huyền bí.
Được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với diện tích 320m2 cùng 110 bậc thang trên mũi đất cao đâm thẳng ra tận biển, ngọn hải đăng trăm tuổi này không chỉ có nhiệm vụ dẫn đường cho các tàu thuyền ra khơi đánh cá, mà đó còn là chứng nhân lịch sử quan trọng trong suốt thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Lần mò theo con đường mòn hàng trăm bậc thang được các chú lính canh hải đăng xây dựng đi lên, một khung cảnh mát xanh bao quát rộng khắp không gian. Vừa êm dịu đủ để tôi xoa đi cái mệt nhọc khi băng qua một chặng đườngdài hàng trăm cây số để đến đây; lại vừa quyến rũ, kích thích bước chân thêm nhanh nhanh khám phá.
Cứ dăm bước tôi lại phải dừng chân để chụp ảnh, cố lưu giữ tất cả vẻ đẹp và khoảnh khắc tuyệt diệu của thiên nhiên này vào sâu trong ký ức.Đâu đó điểm xuyết trên bầu trời phẳng lặng gợn vài làn mây là tiếng kêu khoáng đạt của đôi cánh hải âu chao lượn trong gió.
Bên dưới là Bãi Môn với bãi cát trắng mịn trải dài tinh khiết uốn theo triền núi đầy quyến rũ. Xa xa ngoài kia bên những dãy vách đá nhấp nhô đứng hiên ngang người ta thấy điểm vài dấu chấm của một loạt các thuyền buồm đang nghỉ chân. Sau một đoạn leo trèo khá hiểm trở là cột mốc Điểm cực Đông tổ quốc đánh dấu nơi đầu tiên xuất hiện ánh nắng mặt trời trên đất liền của Việt Nam.
2. Tôi say sưa với cảnh trí nơi đây đến nỗi khi giật mình nhìn lại thì đã hơn bốn giờ chiều. Một chút vỡ kế hoạch lại hoá hay, bởi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên cái buổi chiều hoàng hôn hôm ấy. Mọi thứ tuyệt mỹ đến nỗi tưởng chừng như chỉ có trong các câu chuyện cổ tích khi màu đỏ pha tím đầy ma mị của mặt trời dần lặn khuất trong biển sâu.
Đêm ấy, tôi ngủ lại hải đăng với tấm vé 50.000 đồng/đêm trong chiếc lều cá nhân đem hờ theo. Và dùng cơm tối cùng mấy chú canh hải đăng ở đây, bữa cơm đạm bạc đậm chất biển với con cá mới lưới về và dăm chú ốc luột chấm mắm gừng.
Chú trưởng trạm kể: mọi hải đăng trên thế giới này đều có mối liên hệ với nhau theo một thứ ngôn ngữ hàng hải do người Pháp lập ra. Người đi biển, chỉ cần nhìn vào bản đồ hải trình của mình cùng dựa theo nguyên tắc vòng quay ánh sáng, chớp nháy của đèn là có thể biết chính xác vị trí mình đang đứng.
Hải đăng Đại Lãnh là một trong những hải đăng lâu đời ở Việt Nam với kiến trúc đặc biệt gồm hầm bể chứa nước mưa và hệ thống pin năng lượng mặt trời đảm bảo đèn luôn sáng, chưa bao giờ tắt hàng trăm năm nay.
Nhấp một chén cay, chú trưởng trạm đưa mắt nhìn lên bầu trời cao dày đặc những vì tinh tú sáng lấp lánh kể tiếp: Những năm kháng chiến chống Mỹ, trong chiến dịch tiếp vận vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vào, hải đăng Đại Lãnh cũng từng chứng kiến sự kiện tàu không số bị đánh đắm để không rơi vào tay giặc.
Từ chân hải đăng, chạy thêm tầm năm cây số men theo vách đá, sẽ thấy khu di tích cùng hình ảnh, vật chứng lưu trữ. Ngừng một đoạn, chú bảo: Mỗi ngọn hải đăng đều có câu chuyện của riêng nó, chỉ những ai yêu biển, yêu hải đăng thì mới có thể hiểu. Bây giờkhoa học hiện đại, ngành hàng hải phát triển, chỉ những chiếc ghe câu nhỏ còn dựa vào ánh đèn hải đăng, còn lại đều đã dùng thiết bị định vị tiên tiến cả rồi.
Cả tối hôm ấy, tôi không sao ngủ được, cứ mở mắt nhìn lên bầu trời đêm, mỗi ba giây lại thấy ánh hải đăng quét qua một lượt, gió hiu hiu thổi bên tiếng sóng rì rào, rì rào…
3. Bỗng, có thứ ánh sáng nhỏ yếu ớt nhảy nhót trên khuôn mặt, tôi hé mắt đưa nhìn ra xa, thật tuyệt diệu, mặt trời đang mọc lên từ biển. Đầu tiên là màu đỏ ửng như lòng đỏ quả trứng gà, sau chuyển sắc sang vàng ươm rực rỡ rồi bừng sáng giữa không trung. Tất cả biến chuyển của không gian và thời gian, của thời khắc đất trời giao nhau ấy chỉ diễn ra vỏn vẹn trong mười lăm phút.
Nhưng cũng đủ để tôi hả hê tận hưởng và ghi nhớ mãi khôn nguôi. Sớm mùa hè hôm ấy, tôi hớn hở ùa trong làn nước biển xanh ngắt hiền hoà ngụp lặn cho thoả thuê tháng năm tuổi trẻ vùng vẫy. Bên kia là dòng nước ngọt róc rách từ trên núi chảy thẳng ra tận biển. Đôi ba chú bò vàng thung thung gặm cỏ bên đồi cát trắng phau.
Tạm biệt những người lính giữ đèn, một năm chỉ được về thăm gia đình một lần, tôi thu dọn hành lý tiếp tục chạy xe trên dọc biển miền Trung tiến về Sa Kỳ tiếp tục ghi chép câu chuyện của những ngọn hải đăng xưa.
Bài và ảnh: Lê Viên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất