01/01/2017 19:38 GMT+7 | Du lịch
(Thethaovanhoa.vn) - Như lúc này, trước bia mộ ông tại Seattle, tôi vẳng nghe tiếng xì xào của hàng chục đứa trẻ trong xóm, mà không, có lẽ không đếm xuể: ông nằm đây ư, Lý Tiểu Long?
Chiều Seattle se lạnh. Nắng khe khẽ trở giấc khêu gợi. Lại cuồng chân. Tôi rủ Thủy, chị vợ. Cùng cu Trí, cháu trai, đi viếng mộ phần Lý Tiểu Long.
Trí 17 tuổi. Cầm lái. Cu cậu không hề biết Lý là ai. Ngay cả khi đã tìm ra mộ ông, cu cậu vẫn ngồi đồng trong xe ô tô, mắt nhắm nghiền lắc lư nghe rock Mỹ. Kiên nhẫn đợi mẹ và dượng.
Trí khác mẹ, dượng, khác những đứa trẻ bên nhà. Cháu quá nhiều thứ để quan tâm, để giải trí. Trí mê bóng bầu dục, bóng rổ, trượt tuyết...
Còn tôi, tuổi thơ thiếu thốn đủ bề, đói cơm lẫn điều kiện giải trí. Tôi bị ám ảnh những cơn khát phim đánh đấm Hong Kong.
Những đêm trăng sáng như cổ tích, tôi theo các anh, chị, các bạn trang lứa, rầm rập đi xuyên qua các làng mạc thơm phức mùi rơm rạ để xem phim chưởng. Tiền không có, có lúc phải rình rập chú soát vé tay lăm lăm kiếm, mác lơ đãng, rồi chui qua háng người lớn mà vào. Thời buổi ngăn sông, cấm chợ, mấy anh thầu phim ở quê rất oách. Thường là những "hảo hán" làng, mới đủ tầm để buộc những thanh niên trong vùng tất cả phải mua vé.
Vào được bãi phim, cảm giác sung sướng đến tột cùng.
Nhiều lúc tôi ngờ cái máu điên trong mình, cùng thói quen thích "đập nhau" của trai làng, thích võ vẽ dở người, có nguồn cội của những bộ phim chưởng thời xa vắng.
Đi xem phim mà đập nhau liên miên, giữa trai làng này làng khác. Trên màn ảnh ầm ầm phang nhau, dưới này cũng huỳnh huỵnh vung chưởng. Mà lạ, ngày xưa uýnh nhau nhiều nhưng chẳng mấy khi chết người. Nghĩ lại vẫn còn quân tử, còn những trận tay bo, chứ không như lũ choai choai tóc xanh, tóc đỏ bây giờ hở tý là xài hàng nóng, lạnh, kinh người!
Nhà quê mà rất nhiều người "có võ", xem chưởng xong ngộ võ về tự luyện, rồi tóm lũ trẻ mà dạy võ inh ỏi cả xóm làng.
Đường vào nghĩa trang, nơi Lý Tiểu Long an nghỉ
Huyền thoại nhị khúc (côn)
Tôi cũng có đến 3 thầy dạy võ. Một là anh Bình " lừ" ở xóm trong. Anh khi mô mặt mày cũng lừ lừ, lũ trẻ con chúng tôi sợ khiếp vía. Anh hay rủ tôi và hai đệ tử là Hà Duyệt, anh Binh Vo lên lô bưởi trên lèn ông Phận lén luyện chưởng, tuần vài buổi. Những buổi luyện công tẩu má lìu ngộ lắm. Giữa trăng thanh gió mát đến tắc kè, bìm bịp cũng tao tác khua động cả cánh rừng thẳm.
Thầy dạy võ thứ hai là anh Tuấn Tiềm (con bác Tiềm. Quê tôi cứ xách đầu bố ra mà gắn tên con rất xách mé).
Anh Tuấn người nhỏ như con khỉ. Anh đi Sài Gòn không biết học võ vẽ đến đâu nhưng về khoe tau học võ thiếu lâm, võ khỉ, đập nhau với Lý Hùng (diễn viên Lý Hùng) miết. Anh ấy cũng khoe gặp Lý Huỳnh thường xuyên.
Lũ chúng tôi tin sái cổ, coi anh là đại võ học của làng Tân Yên. Cả lũ cứ há hốc mồm mỗi lần tết hiếm hoi anh trở về từ Sài Gòn kể chuyện võ.
Anh có mấy cuốn sách võ của Lý Tiểu Long. Anh coi như bảo vật, cất kín dưới đáy rương và luôn dặn bác Phi (mẹ anh) ở nhà cấm cho ai xem. Tôi là bạn chăn bò thân nhất với bác Phi, được coi như con. Những lúc lên nhà bác, nhìn cái rương cũ kỹ nơi có mấy quyển sách Lý Tiểu Long của anh Tuấn mà khao khát được chạm vào. Tôi đã làm mọi cách để lấy lòng bác Phi, nhưng chịu. "Cháu phải đợi anh Tuấn về".
Và rồi, ngày qua ngày, tôi mỏi mòn chờ anh Tuấn hồi cố hương luyện võ cho tôi. Tôi gieo ước mơ võ học bằng phim chưởng, xem xong về nhà học theo tay chân khua loạn còn miệng thì:chíu chíu , a! a!
Nhưng có lẽ, trong mê trận phim chưởng, ai cũng mê Lý Tiểu Long. Mê nhất là màn múa côn (nhị khúc) của ông. Với trai làng, vũ khí này dễ làm, thực dụng, đập nhau rất tiện.
Nên thời trai tráng, có lẽ 10 thằng thì đến 7 thằng thủ côn (nhị khúc) trong người. Đi tán gái, đến nhà giai nhân nhiều khi côn rơi tuột xuống ống quần, kêu côm cốp trên nền nhà, trong ánh mắt kinh hoàng của người đẹp. Ngồi tán gái mà tim nhảy lăm ba đa vì trai làng ngoài bụi cây trước ngõ cứ đập côn vào nhau chan chát. Chuyện cưa gái làng ra về bị "ăn côn" là bình thường.
Và tất nhiên, tôi cũng thửa riêng cho mình một cái côn. Thường chúng tôi tìm gỗ lim, trai, cứng như sắt, đen như mực, vàng như ánh mặt trời ban mai.
Tôi đã "đọc lệnh" anh Thương, anh rể và cũng là thầy dạy võ thứ 3 của tôi, vốn là thợ mộc, phải làm cho cụ (em vợ) một cái côn. Hai anh em hý hoáy cả trưa rồi cũng xong " hàng". Anh Thương rì rầm dặn: cụ về giấu kỹ nhá nhá, cha (bố vợ) mà biết được cha chửi tau chết!
Tôi mang côn về nhét dưới đáy rương. Khi cha mẹ đi vắng thì lôi ra múa vù vù. Không có kỹ thuật nên có hôm bị côn đập vào chính giữa trán, sưng chù vù như quả trứng gà.
*****
Tuổi thơ cứ êm đềm theo đàn bò và phim chưởng.
Và rồi, anh Tuấn trở về từ Sài Gòn. Đấy là một buổi chiều đông lúa đồng đã gặt. Gốc rạ trơ gầy. Lũ bò thơ thẩn nhai rét và khói. Chúng tôi đang ngồi tụm ba tụm bảy nướng khoai thì " thầy Tuấn" lù lù xuất hiện.
- Về cái anh tót ra đây ngay. Nào, các em khỏe không?
Thằng Cu Tỏn ( biệt danh tôi), răng mi cứ đòi đọc sách Lý Tiểu Long của anh hoài vậy. Nôn nóng học võ lắm à.
- Dạ. Mấy đứa ngày mô cũng đợi anh về. Tôi gần như nức nở.
Chiều đó, anh Tuấn luyện võ cho chúng tôi. Tôi nhớ tiếng thét của anh nhại theo Lý Tiểu Long làm lũ chim chiền chiện bay loạn xạ. Tôi nhớ anh, người leo teo như con khỉ múa võ khỉ, bắt chước phim Tô Ngộ Không.
Chúng tôi tha rơm rạ đến làm thành cái nệm để học nhào lộn, bật tôm, uốn dẻo tùm lum.
Tối đó, bên ngọn đèn dầu leo lét, anh Tuấn ngồi trên cái phản gỗ, mở tung rương lôi những cuốn Lý Tiểu Long ra. Và quyết định dạy võ cho chúng tôi.
Không khí võ học lan như làn khói trên các nóc nhà tranh lẫn ngói. Mấy ngày sau đệ tử Hà Duyệt phải đi nạng. Anh Tuấn bắt tôi đứng tấn để Hà đá thẳng chân vào chân trụ tôi đôm đốp. Thế quái nào mà Hà bị lật cổ chân, thay vì tôi. Anh Tuấn cũng hay cho chúng tôi tay bo chí tử. Bảo cứ nện nhau thường xuyên thì võ tự lên, độ lỳ sẽ lên. Học võ phải lỳ, phải có máu liều. Mà không có võ cứ có máu liều thì thằng giỏi võ cũng vứt.
Và máu liều chúng tôi lên nhanh chóng mặt.
Sau này nghĩ lại mà kinh! Nhưng nhiều lúc cũng cảm ơn "thầy Tuấn" bởi những bài học võ vẽ hoang dại ngày nào cũng trang bị cho chúng tôi chút bản lĩnh để ra đời mà "chẳng ngán thằng tây" nào, ngoài lẽ phải.
Ngậm ngùi
Khi xe bon trên đường 15, men theo hồ Lake View gặp Nghĩa trang Lake View, nơi có phần mộ cha con Lý Tiểu Long (Bruce Lee), chúng tôi nghĩ sẽ gặp quản trang và tìm ra mộ Lyz dễ dàng.
Nhưng Lake View rộng mênh mông, như một công viên đẹp tuyệt vời, bặt bóng quản trang.
Đành phải sử dụng google map. Mộ hai bố con nằm cạnh đường.
Ngay lúc đó, tôi phản xạ phóng tầm mắt bao quát toàn nghĩa trang. Tít trên đỉnh đồi lố nhố một nhóm người. Tôi nghĩ đấy là nơi an nghỉ của Lý.
Đúng vậy.
Tác giả bên mộ Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long nằm cạnh con trai, Lý Quốc Hào. Chúng tôi đến thăm Bruce Lee như những người hâm mộ thần tượng võ thuật – người sáng lập môn phái Triệt Quyền Đạo.
Huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long (Bruce Lee – tên thật là Lý Chấn Phiên) qua đời năm 1973 (khi mới 32 tuổi). Sau nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, các bác sĩ đã tuyên bố Lý Tiểu Long chết vì chứng phù não (não bị sưng to). Bộ phim anh đang quay dang dở Trò chơi tử thần (Game Of the Death) đã phải hoãn lại 4 ngày vì diễn viên chính đột ngột qua đời.
Trong khi đó, con trai của Lý Tiểu Long – diễn viên Lý Quốc Hào cũng mất năm 1993 vì một tai nạn (súng đạo cụ có đạn thật) trong lúc đóng phim.
Cha 32, con 28, con tạo sao mà nghiệt ngã.
Cạnh bia mộ Lý Tiểu Long là cây thông cổ thụ. Thân cây vươn thẳng gần như cao lớn nhất nghĩ trang. Cái chết của Lý, sự nghiệp của ông có lẽ sẽ long lanh khi không giã từ cõi đời trong nhà riêng của một giai nhân, lúc đó chỉ có hai người mà thôi.
Nhưng lúc chia tay, ngắm cây thông cổ thụ, tôi như ngộ ra giá trị một con người không phải họ sống bao nhiêu năm trên cõi đời, mà đã cống hiến mức độ nào cho đời.
Giữa chiều đông, nghĩa trang trống vắng nhưng nhiều người đến viếng ông, dễ dàng nhận ra mộ ông, là sự khác biệt.
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Có phải ông đã hóa thân vào cây thông cổ thụ kia, Lý Tiểu Long?
Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Quý (Từ Seattle- Washington)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất