05/11/2022 12:05 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Thuở trẻ, chúng ta cho rằng, chỉ cần bản thân có đủ năng lực, không cần bận tâm người khác nghĩ về mình thế nào. Vì vậy, nhiều người để mặc các mối quan hệ trở nên xa cách, thậm chí rạn nứt trong không vui.
Tuy nhiên, thế giới thật sự rất nhỏ. Những người có ác cảm với bạn hôm nay vẫn có thể trở thành đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên, người thân… của bạn trong tương lai. Ấn tượng cũ không tốt có thể khiến mọi cố gắng, nỗ lực và thành quả của bạn trong quá khứ trở nên vô nghĩa.
Do đó, dù bạn có tài giỏi đến đâu cũng đừng nên xúc phạm những kiểu người này, và hãy học cách giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc trong mọi trường hợp.
Đầu tiên, đừng làm mất lòng đồng nghiệp cũ của bạn
Dù "người đi trà lạnh", tình nghĩa vẫn còn đó.
Đừng quên rằng đi làm tức là môi trường tập thể, một hành vi nhỏ của bạn dù tốt hay xấu cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mọi người xung quanh. Khi bạn hoặc đối phương nghỉ việc, đừng nghĩ rằng, cả hai sẽ không bao giờ gặp lại nữa nên có thể tùy ý xúc phạm lẫn nhau.
Không ai biết rằng, trong tương lai, bạn và đối phương có tiếp tục trở thành đồng nghiệp ở một công ty khác hay không. Thậm chí, đối phương cũng có thể là khách hàng, lãnh đạo hoặc đảm nhận vị trí có thể ảnh hưởng tới tương lai của bạn.
Do đó, hãy nghĩ lâu dài để hiểu rằng, gây sự với đồng nghiệp là việc “trăm hại mà không lợi”. Cho dù không ưa nhau, bạn chỉ cần hạn chế tiếp xúc hết mức có thể, nước sông không phạm nước giếng là được.
Thứ hai, đừng làm mất lòng hàng xóm
Người xưa có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của những người hàng xóm xung quanh. Trong những tình huống sinh hoạt hàng ngày, láng giềng khó có thể không chạm mặt nhau. Nếu phát sinh mối quan hệ bất hòa, mọi chuyện sẽ rất khó xử, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hàng ngày.
Khi quan hệ giữa hai nhà hàng xóm đều thuận lợi, mọi việc rất bình yên. Nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra, hàng xóm sẽ là người có khả năng giúp đỡ bạn nhanh nhất. Do đó, dù thỉnh thoảng có mâu thuẫn phát sinh, tốt nhất bạn vẫn nên bắt tay với hàng xóm để làm hòa, tìm cách tránh tai họa, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Khi người ta già, mối quan hệ thuận hòa với hàng xóm càng đóng vai trò quan trọng. Họ sẽ là người cùng bầu bạn, chung vui, dành cho chúng ta sự quan tâm cần thiết. Có như vậy, mọi người đều vui vẻ với nhau, chất lượng cuộc sống được tăng lên.
Thứ ba, đừng xúc phạm người nghèo
Càng lớn tuổi, càng trưởng thành, chúng ta càng tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng sống, cùng với đó là năng lực độc lập về tài chính. Đây là thời điểm mà chất lượng cuộc sống của mỗi người ngày càng được nâng cao. Họ bắt đầu tận hưởng hạnh phúc của riêng mình.
Ở thời điểm đó, bạn nên nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều người đang sống trong cảnh khốn cùng. Mặc dù bạn không có nghĩa vụ phải giúp đỡ người khác, nhưng bạn không bao giờ được xúc phạm kẻ yếu và làm những điều khiến nhân cách bản thân phải thất vọng.
Tuy vậy, lòng tốt cũng cần có thêm đôi phần lý trí. Khi người thân và bạn bè bất ngờ gặp cảnh khó khăn, phải nhờ bạn giúp đỡ, thay vì trực tiếp nhận lời hay từ chối, bạn hãy xem xét từng tình hình cụ thể. Đối với nhiều người, sự giúp đỡ sai cách có thể không còn là “lòng tốt”, mà trở thành tác nhân khiến họ sai càng thêm sai.
Hãy sống thật tử tế và chân thành khi mình có thể. Đừng coi thường người khác, dù hoàn cảnh của người đó như thế nào.
Lời kết
Càng trưởng thành, chúng ta càng phải sống thanh bạch, đừng quá xem nhẹ tình cảm con người, cũng đừng cố tình lấy lòng ai. Vận mệnh thường nằm trong lòng bàn tay, do chính chúng ta quyết định. Nếu bạn không thể duy trì những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh, tuổi già của bạn sẽ tràn ngập sự cô đơn và lạc lõng. Ngược lại, người được quý trọng, yêu mến thì luôn vui vẻ, lạc quan mỗi ngày.
Chúng ta đều hiểu rằng, làm mất lòng ai đó thì rất dễ, nhưng để làm hài lòng ai đó thì cực kỳ khó. Do đó, hãy hạn chế những tình huống nông nổi, cả giận mất khôn, luôn tự nhủ với bản thân rằng: “Tỉnh táo mới có thể đưa ra quyết định chính xác nhất”. Điều đó sẽ giúp bạn cẩn trọng hơn trong cả lời nói và việc làm hàng ngày.
Thúy Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất