13/09/2017 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu giá Modern and Contemporary Southeast Asian Art (Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á) của nhà Sotheby’s sẽ khai cuộc lúc 10h ngày 1/10/2017 tại Hong Kong (Trung Quốc). Với 203 lô hàng, trong đó các tác phẩm liên quan đến Việt Nam là 60 lô, vài lô dẫn đầu về giá bán ước đoán.
1.Các tác giả người Việt, xếp theo thứ tự của phiên đấu, gồm: Phạm An Hải, Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa (2 lô hàng), Mai Trung Thứ (7 lô), Lê Phổ (19 lô), Vũ Cao Đàm (8 lô), Joseph Imguimberty (2 lô), Nguyễn Gia Trí (2 lô), Nguyễn Văn Tỵ, Alix Ayme, Trần Văn Thọ, Võ Doãn Giáp, Lê Thị Lựu (2 lô), Nguyễn Trí Minh, Hoàng Hồng Cẩm…
Trong này có tác phẩm Provincial Village (Vùng ven, sơn mài, 93,5cm x 201cm, khoảng 1940) của Nguyễn Gia Trí có giá bán ước đoán từ 102.280 đến 191.775 USD. Tác phẩm La Cueillette Des Lotus (Hái sen, sơn dầu và gouache trên lụa, 95,5cm x 59cm, khoảng 1940) của Lê Phổ từ 99.723 đến 204.560 USD - thuộc nhóm cao nhất. Các tác phẩm của Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí đang cao giá ngang và hơn các danh họa như Hendra Gunawan, Affandi, Lee Man Fong…
Đại diện cho nghệ thuật đương đại của Việt Nam có Nguyễn Trung, Hoàng Hồng Cẩm, Phạm An Hải, Đặng Xuân Hòa… Với giá bán ước đoán từ 12.785 đến 19.178 USD, tác phẩm trừu tượng Giai điệu phố (acrylic trên toan, 100cm x 200cm, 2011) của Phạm An Hải cũng thuộc nhóm các tác giả đương đại có giá ước đoán trung bình khá. Sau Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa, giờ đây Phạm An Hải đang là họa sĩ được quốc tế chú ý, tác phẩm liên tục tăng giá trong khoảng 10 năm trở lại đây.
2.Về phiên đấu này, Sotheby’s Hong Kong cho biết họ muốn cung cấp một lựa chọn phi thường, nơi phản ánh được sự phong phú và đa dạng của văn hóa khu vực. Nó gồm phần lớn các tác phẩm được mong đợi từ Myanmar, và các tên tuổi bậc thầy như Cheong Soo Pieng, Hendra Gunawan, Lê Phổ và Ang Kiukok. Bên cạnh đó là những giọng nói đương đại hàng đầu khu vực như Jigger Cruz, Christine Ay Tjoe và Ronald Ventura.
Xét riêng về số lượng tác phẩm, có thể nói nghệ thuật Việt lại ồ ạt xuất hiện tại một phiên đấu giá nổi tiếng quốc tế. Điều này có thể mang lại chút niềm vui và hy vọng cho nhiều người, bởi nạn tranh giả - tranh nhái vẫn rất phức tạp, vẫn đang lộng hành từ trong nước ra quốc tế. Nhà đấu giá Sotheby’s cũng đã vài lần gặp tai nạn với tranh giả - tranh nhái từ Việt Nam, khiến họ chùn bước, nhưng niềm tin vẫn chưa mất hết.
Trong một trao đổi riêng với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tại Singapore, Giám đốc cao cấp về nghệ thuật Trung Quốc và Đông Nam Á là Mok Kim Chuan cho biết, Sotheby’s vẫn đặt nhiều niềm tin vào nghệ thuật Việt Nam, cho dù thách thức là không hề nhỏ. “Một nền nghệ thuật có bản sắc và giọng điệu riêng chẳng lẽ phải chùn bước trước các tệ nạn không đáng có đó. Tôi tin rằng nhà đấu giá, giới sưu tập dần dần sẽ đủ thông tin và sự tinh tế để chọn lựa được những tác phẩm chất lượng nhất”.
Còn nhớ, khi ông Vũ Xuân Chung trưng bày 17 tác phẩm giả được cho là “trở về từ châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hồi tháng 7/2016, niềm tin với nghệ thuật đã sa sút nghiêm trọng. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thẳng thắn phê phán: “Nhà Christie’s phải tôn trọng mỹ thuật Việt Nam, không nên dùng những chuyên gia không đáng tin cậy, làm hỏng hình ảnh mỹ thuật Việt Nam”. Nhiều người bi quan đã cho rằng lối ra các phiên đấu giá quốc tế của tranh Việt từ đó có nguy cơ bít lối. Nhưng rồi một tác phẩm của Lê Phổ đã vượt ngưỡng 1 triệu USD, niềm tin và sự hứng khởi với tranh Việt được vớt vát chút ít.
Chính bối cảnh như vậy nên nhiều người đang hy vọng tranh Việt sẽ “làm nên chuyện” tại phiên đấu giá ngày 1/10 tới đây. Niềm hy vọng này còn dâng cao hơn khi Việt Nam đang xuất hiện nhiều gương mặt đương đại có sức hút, trách nhiệm và sự chuyên nghiệp với thị trường tác phẩm nguyên bản, độc bản.
Những cao thủ “ban đêm” Cũng ở nhà Sotheby’s Hong Kong ngày 30/9, tại phiên đấu buổi tối có tên Nghệ thuật hiện đại và đương đại, với 73 lô hàng, đại diện phía Việt Nam có 4 lô. Đây được xem là phiên của những “cao thủ”, vì giá bán ước đoán rất cao. Tác phẩm Gia đình (mực và gouache trên lụa bồi, 63cm x 46cm, khoảng 1938-1940) của Lê Phổ có giá từ 191.730 đến 319.550 USD. Tác phẩm Gia đình nai ở bìa rừng (sơn mài, 100cm x 279cm) của Phạm Hậu từ 102.256 đến 191.730 USD. Tác phẩm Phong cảnh (sơn mài, 97,5cm x 198cm, 1940) của Nguyễn Gia Trí từ 89.474 đến 115.038 USD. |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất