06/02/2012 10:23 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhiều người ví Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 như là một bức tranh thi ca khổ lớn với những gam màu khác nhau được vẽ nên bởi một đội ngũ các “họa sĩ thơ” của cả trong và ngoài nước.
>> Chuyên đề: Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương I
Cho dù bố cục của bức tranh khổng lồ này chưa thật sự như nhiều người kỳ vọng, nhưng bất kỳ ai khi xem nó, cũng nhận ra được màu sắc chủ đạo: màu thi ca, màu của hy vọng về tình đoàn kết hòa bình và cùng nhau phát triển.
Điểm mới của Ngày thơ năm nay là có hai sân thơ: sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế.
Tuy nhiên, một lần nữa, khách thơ lại chứng kiến “phong độ ổn định” của “sân thơ già” trước sự “đổi mới” của sân thơ quốc tế. Ổn định là vì phần lớn người yêu thơ đến với sân thơ truyền thống chủ yếu là người cao tuổi. Nhưng quan trọng hơn cả là công chúng yêu thơ đến với sân thơ truyền thống thấy được, cảm được rõ hơn về sức mạnh của thơ ca mà các “nhà thơ già” đã thể hiện.
Bên cạnh đó, công chúng ở sân thơ truyền thống đông hơn bởi xuyên suốt chương trình, thông điệp mà các bài thơ “chạm” tới rất rõ ràng, liền mạch. Đó là những bài thơ nhắc nhớ lại quá khứ hào hùng, hiển hách của dân tộc, ca ngợi tình người cao đẹp, ca ngợi hòa bình, tình đoàn kết, sự bao dung... Thế nên, mặc dù trời lạnh, “các cụ” vẫn ngồi lại cùng nhau, yên lặng, mắt hướng lên sân khấu và để trái tim tự do cảm nhận vẻ đẹp của thơ ca.
Ngược lại, ở sân thơ quốc tế, các tiết mục đọc thơ (song ngữ) của các nhà thơ Việt Nam và quốc tế, xen kẽ các tiết mục văn nghệ, chưa thu hút được sự quan tâm nghiêm túc của công chúng. Bên cạnh đó là sự vắng mặt của nhiều gương mặt cầm bút trẻ tuổi, mặc dù không tái diễn cảnh chen nhau lấy sách miễn phí giờ vàng như năm ngoái nhưng việc nhiều người lấy lý do thơ được trình bày ở sân thơ quốc tế nhiều bài khó hiểu quá nên không đủ kiên nhẫn để đi hết “trăm miền thơ” cùng những “người thơ” trên sân khấu. Vậy là, trên sân khấu, ai đọc thơ cứ đọc, còn bên dưới ai nhăn nhó, khó hiểu, bỏ đi thì cứ việc.
Biểu hiện đó của công chúng, theo một nhà thơ giải thích: “Dân tộc ta có truyền thống thơ ca. Ở đâu cũng có người làm thơ và yêu thơ. Nhưng không phải ai cũng là nhà thơ và có trình độ hiểu thơ, hiểu những thể nghiệm thơ, trình diễn thơ và thơ làm theo phong cách mới, kỹ thuật mới. Công chúng muốn ăn những đặc sản, dù là của một đầu bếp cũ, nhưng ngon lành, hợp khẩu vị chứ không muốn ăn tất cả những thứ mà họ không hiểu, không cảm được trong một thời gian quá ngắn”.
Đánh thức văn hóa thơ ca
Làm thơ, ai đó đã nói, giống như làm dâu trăm họ. Được lòng ông bố thì phật lòng bà mẹ, âu cũng là chuyện thường. Cái không thường của Ngày thơ năm nay là từ ngày hội của một nước đã lan tỏa đến các nhà thơ của 28 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương, cho dù những khách thơ đến từ các quốc gia này chưa phải là đại biểu ưu tú nhất và thậm chí chưa biết, chưa hiểu gì về văn học Việt Nam.
Nhưng trong sứ mệnh chinh phục con người, mà cụ thể là qua Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương và Ngày thơ năm nay, thơ ca đã cho thấy phép màu nhiệm đặc biệt. Nó đã chọn lựa giữa vô số những sự khác biệt, để tìm thấy mẫu số chung. Đó là khát vọng hòa bình của các dân tộc và sự thăng hoa của mỗi cá nhân được dẫn dắt bởi sự sung mãn của tâm hồn, đánh thức những năng lượng tiềm ẩn và đã chỉ ra được cái hạn hẹp và cái vô tận của con người.
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, chiều 5/2, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2011: Nguyễn Xuân Khánh (Hà Nội) với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa; tập lý luận phê bình Bàn về minh triết và minh triết Việt của tác giả Hoàng Ngọc Hiến; truyện ký Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính; 2 tập thơ Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy (Đắk Lắk) và Hoan ca của Đỗ Doãn Phương (Hà Nội).
Nhà thơ Ali Abdollahi (Iran) nói: “Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương và ngày thơ của đất nước Việt Nam khiến cảm xúc của tôi rất phức tạp. Sẽ chẳng có gì là quá đang nếu nói rằng tinh thần thơ ca và tư duy thơ ca của tất cả chúng ta là sự hòa quyện và kết hợp của những nhà thơ khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới. Chúng ta đã nghĩ và viết ra niềm đam mê của mình và niềm đam mê của dân tộc chúng ta. Tôi và rất nhiều người làm thơ khác nhau đến Việt Nam lần này đã được sống trong tình đoàn kết, vui vẻ và hạnh phúc khi được nghe và hiểu về thơ của các tác giả Việt Nam”.
Cũng như Ali Abdollahi, nhiều nhà thơ quốc tế khác cũng không giấu nổi niềm vui, sự xúc động khi lần đầu tiên được “sống trong thơ, sống với thơ” tại Việt Nam. Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có đủ nội lực, đủ sức, đủ tự tin lấy thơ ca nước nhà để giao lưu, hòa trộn với nền thơ ca khu vực và rộng hơn là với thế giới. Đó cũng chính là mục tiêu, là ý thức chủ động hòa nhập văn hóa, văn học với thế giới của Hội Nhà văn Việt Nam những năm gần đây.
Thành công mỹ mãn hay chưa, không ai dám khẳng định, nhưng cuộc vui song trùng (Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương và Ngày thơ Việt Nam) đã thực sự tạo ra được những cơ hội để giới văn chương Việt Nam tiếp xúc với các nhà thơ quốc tế ngay tại “sân nhà” nhưng không phải để “dậm chân” ở sân nhà mà còn tìm kiếm cơ hội “xuất khẩu văn chương” ra thế giới!
Đặc biệt, ngày hội tôn vinh thơ ca lớn nhất, quy mô nhất từ trước cho tới nay là dịp để những cây viết trẻ đánh thức khát vọng sáng tạo hay nói cho đúng hơn là văn hóa thơ nói chung càng ngày càng khởi sắc.
Khôi Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất