(TT&VH Cuối tuần) - Gần 2 tháng trước, ĐTVN thua 0-2 trước Olympic Brazil ở một trận giao hữu, nhưng dư luận đánh giá cao nỗ lực của thầy trò ông Calisto. Gặp đối thủ vừa sức Myanmar, đội bóng áo Đỏ vẫn gần như bộ khung ấy đã khiến người ta phải nhìn lại.
Sẽ khập khiễng nếu so sánh các đối thủ của ĐTVN như Olympic Brazil, hay cả trận đấu trên sân Olympic Trung Quốc mà BHL đã ngỏ lời khen các cầu thủ, và ĐT Myanamar với nhau. Nhưng với cách chơi và con người của tuyển VN chỉ trong thời gian ngắn đã khiến nhiều người ái ngại cho cái đích AFF Cup đang đến gần. Người ta vẫn biết những giải đấu giao hữu chỉ là cơ hội để ông "Tô" rèn quân và không nên tạo nhiều sức ép lên đôi chân của các tuyển thủ, nhưng một khi phần lớn những đôi chân ấy đã không đáp ứng được phần nào đó những gì người ta hình dung về họ thì câu chuyện về ĐTVN hẳn sẽ bị để ý rất nhiều.
Với HLV Calisto lên tuyển từ "Gạch" và bộ khung của tuyển cũng đang dựa vào lực lượng nòng cốt của ĐT.LA (cầu thủ Đ.LA đông nhất ở ĐTVN với 5 người) có thể thấy diện mạo của tuyển thời ông "Tô" mang dáng dấp của "Gạch". Nhưng thời còn ở ĐT.LA, ngoài Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, ông Tô còn có các ngoại binh chất lượng thực sự ở V-League và đấy chính là "vũ khí" để ông nhào nặn "Gạch" thành một thế lực đáng nể trong làng bóng đá nội. Với ĐTVN, ông Calisto không thể có những Rodriguez (thời đỉnh cao phong độ), Antonio, hay Tshamala.... để có chơi linh hoạt chuyển từ thế trận phòng ngự sang áp đặt tấn công khi cơ hội. Hơn nữa, những học trò ruột của ông như Minh Phương, Tài Em giờ đây không còn là những cầu thủ như thời của năm 2002 sung sức, đầy nhiệt huyết.
Dù đã rất cố gắng, các tuyển thủ VN vẫn gục ngã
Ông "Tô" có những cầu thủ "Gạch" và một số gương mặt khác để làm nền tảng cho lối chơi ở tuyển. Nhưng từ khả năng của các cầu thủ, việc vận dụng lối chơi đến chuyện xác định tư tưởng cho cả một tập thể ở tuyển thì sẽ khác rất nhiều. Ông Calisto muốn một đội tuyển gắn kết, một khối thống nhất như thời ông nắm "Gạch", nhưng con người ở tuyến khác con người ở Gạch. Thầy "Tô" mong muốn họ nhìn về một hướng, nhưng hành động của ông có thể khiến những cái đầu "bướng" không gật theo ông.
Chẳng hạn như chuyện Việt Thắng được tạo cơ hội ở tuyến trên có thể khiến không ít người phải nghĩ. Thắng "bế" về lối chơi, về kỹ, chiến thuật chưa hẳn đã hơn được Thanh Bình, Anh Đức, Ngọc Thanh, nhưng Thắng thích nghi được ý đồ của ông Tô và có suất đá chính. Hay như cách ông muốn "đóng" Minh Đức cho suất tiền vệ trung tâm cũng chưa thực sự thuyết phục bởi ở Sông Lam Đức phải lên đá ở trên 2 trung vệ vì anh không thể lấy chỗ của Huy Hoàng trong cặp trung vệ 1 nội-1 ngoại của đội bóng xứ Nghệ. Để rồi đến khi bí trung vệ như ở hiệp 2 gặp Myanmar, ông Tô đã phải trả Đức về với vị trí sở trường của anh.
Xem ra vấn đề với ông Tô không những là chuyện rèn chuyên môn cho các học trò mà còn phải đả thông tư tưởng cho những cái đầu vốn đã khác rất nhiều so với thời ông làm mới đội tuyển hồi dự Tiger Cup 2002. Chỉ có điều 4 trận liên tiếp không thắng, cùng đường đi nước bước ở tuyển theo kiểu "lắm chuyện" thời gian gần đây, khiến niềm tin dành cho đoàn quân áo Đỏ đã ngày càng mong manh!
N.V