Đội tuyển Pháp: Thủ lĩnh và không thủ lĩnh

09/10/2010 07:37 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH cuối tuần) - Tuyển Pháp luôn cần một thủ lĩnh dẫn dắt lối chơi trong các chiến dịch lớn. Trận thắng Bosnia, huấn luyện viên Laurent Blanc đã giải quyết được vấn đề ấy, khi hầu hết những cầu thủ có thể dẫn dắt lối chơi đều vắng mặt. Thế nhưng, sự trở lại của họ hiện tại có thể khiến ông phải đau đầu.

Vai trò của lịch sử


Tuyển Pháp cần một thủ lĩnh dẫn dắt lối chơi, Ảnh Getty
Lịch sử đội tuyển Pháp trong các chiến dịch lớn luôn cho thấy rằng vai trò của một thủ lĩnh tối cao là vô cùng quan trọng. Bất kể khi “Les Bleus” là tập hợp của những ngôi sao thiện chiến, hay lâm vào giai đoạn khủng hoảng tài năng.

World Cup 2002, Thế hệ vàng từng vô địch ở World Cup 1998 và EURO 2000 đã phải ra về ngay sau vòng bảng, khi thiếu thủ lĩnh lối chơi (và cả tinh thần) Zinedine Zidane trong hai trận đầu vì chấn thương. Năm 2006, Zidane, dù đã chịu ảnh hưởng của gánh nặng tuổi tác, vẫn đủ sức kéo cả đoàn quân áo Lam tiến thẳng vào chung kết (thua Italia). Thậm chí khi ấy, vai trò của anh được cho là còn phủ nhận luôn vai trò của huấn luyện viên Raymond Domenech.

Người Pháp cũng chỉ thành công trong các giải đấu lớn khi họ tìm thấy một thủ lĩnh lối chơi đích thực, như Platini ở EURO 1984, hay Zidane ở World Cup 1998 và EURO 2000. Ba chức vô địch đáng kể nhất của đội tuyển Pháp. Nên nhớ rằng năm 1984, Pháp là tập hợp của những ngôi sao hạng nhất như Jean Tigana, Alain Giresse, Luis Fernandez, còn năm 2000 là những Patrick Vieira, Thierry Henry, Emmanuel Petit…, nhưng tất cả đều phải được thống lĩnh bởi một thủ lĩnh duy nhất. Là Platini và Zidane.

Hiện tại, trong bối cảnh người Pháp đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tài năng đẳng cấp thế giới, yêu cầu của một thủ lĩnh đã giảm đi: Họ không cần phải đảm nhiệm cả vai trò của một thủ lĩnh tinh thần, mà chỉ cần chơi tròn vai với trách nhiệm tổ chức lối chơi là đủ.

Giải pháp của Blanc

Ở hai trận đầu tiên chiến dịch vòng loại, những cầu thủ có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt lối chơi của tuyển Pháp đều vắng mặt vì chấn thương (Nasri) và treo giò (Ribery, Gourcuff). Vấn đề thủ lĩnh lối chơi lập tức được bộc lộ ngay trận ra quân, khi Pháp thất thủ 0-1 trước Belarus với một lối chơi tấn công rối rắm và mất định hướng. Thế nhưng ở trận tiếp theo, ông Blanc đã giải quyết được sự thiếu hụt ấy.

Lời giải nằm ở hệ thống 4-3-3: Ông Blanc đã xây dựng một đội ngũ đáp ứng được sự cân bằng về lối chơi. Alou Diarra đảm nhiệm vai trò máy quét ngay phía trước hàng thủ, cặp Diaby - M.Vila chơi ngay phía trên, giữ vai trò đảm bảo nhịp điệu thi đấu. Valbuena và Malouda không những có thể đảm nhiệm tốt vai trò của một tiền đạo cánh, mà họ còn có thể lùi về giữa sân để thiết lập hệ thống phòng thủ năm người ở tuyến hai khi Pháp cần phòng ngự. Benzema, với khả năng hoạt động độc lập rất tốt, cũng chơi xuất sắc trong sơ đồ đòi hỏi sự cơ động này.

Sự linh hoạt và cân bằng của cả hệ thống đã giúp đội Pháp có thể quên đi vai trò của một thủ lĩnh trung tuyến, vấn đề từng có ý nghĩa sống còn đối với thành công của đội Pháp trong quá khứ. Đó là một điều đáng mừng, nhưng tất nhiên, ông Blanc không thể bỏ quên Gourcuff, Nasri hay Ribery, những cầu thủ tấn công tốt nhất mà người Pháp đang có. Khi họ trở lại, hệ thống đã đem lại cho ông chiến thắng đầu tay dưới triều đại của mình ở đội Pháp phải thay đổi.

Qua rồi thời của những thủ lĩnh?

Rắc rối cho Blanc không chỉ nằm ở việc ông buộc phải thay đổi một hệ thống (từ 4-3-3 chuyển sang 4-5-1, nếu sử dụng cả Gourcuff và Nasri), mà còn ở băn khoăn rằng liệu Gourcuff và Nasri có thể chơi cùng nhau mà không giẫm chân nhau trong vai trò tổ chức (thậm chí là “giẫm chân” nhau về cá tính?). Về vấn đề này, Nasri đã nhắc lại lần gần nhất hai anh chơi cùng nhau (trận gặp Thụy Sĩ ở… vòng loại World Cup 2010): “Tôi cảm thấy thoải mái khi chơi phía sau hai tiền đạo, với Yoann đá thấp một chút. Lối chơi của chúng tôi có chút tương đồng, nhưng đó không phải là vấn đề”.

Thế nhưng ông Blanc cũng đã khẳng định rằng sẽ không có sự miễn cưỡng nào trong việc bố trí nhân sự của ông, ngay cả khi các tiền vệ công đã trở lại: “Không có gì ràng buộc chúng tôi với vị trí số 10 cả. Chúng tôi có thể chơi với hai cầu thủ dẫn dắt, nhưng cũng có thể không cần ai cả”.

Phát biểu ấy cũng nói lên sự cấp thiết của việc thoát ra khỏi ảnh hưởng to lớn của một cầu thủ số 10: Khi người Pháp không còn sản sinh ra những cầu thủ dẫn dắt kiệt xuất như Platini hay Zidane, thì cách tốt nhất là xây dựng một lối chơi không thủ lĩnh, đề cao tinh thần vì tập thể và tôn trọng sự khác biệt trong lối chơi một cách có chừng mực.

Đó không những là động lực thúc đẩy cả đội tuyển Pháp, mà còn đối với cả những cá nhân có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt lối chơi, như Gourcuff và Nasri: Họ có thể đòi hỏi vai trò của mình được nâng cao, nhưng tầm thế nào, thì vai trò như thế. Tầm của Zidane, Platini xứng đáng đảm nhiệm vai trò lịch sử. Hiện tại, chưa ai đạt đến tầm của Zidane và Platini. Vậy thì tốt nhất, không thủ lĩnh còn hơn!

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm