Kẻ thất bại Marcello Lippi: Dù thế nào, cũng cám ơn ông!

26/06/2010 13:16 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Bốn năm trước, Marcello Lippi đưa cả đất nước Italia lên mây xanh. Bốn năm sau, ông dìm cả nền bóng đá xứ mỳ ống xuống đáy sâu của thất vọng. Bốn năm trước, Lippi lên đứng cùng với các nhà cầm quân huyền thoại Pozzo hay Bearzot. Bốn năm sau, ông bị xếp ngang hàng với những chiến lược gia bất tài nhất lịch sử 100 năm Azzurra.

Bốn năm trong cuộc đời là một khoảng cách không ngắn, bởi ít nhất đó là thời gian đủ biến đội ngũ các nhà vô địch năm 2006 thành một tập thể già yếu ở kỳ World Cup này, nhưng chỉ là một tích tắc khi người ta buộc phải liên tưởng đến quá khứ để phán xét hiện tại. Tóc Lippi bạc vẫn bạc, khuôn mặt ông ở ngoài đường piste những giây cuối cùng vẫn thế, chỉ khác là trong mắt ông, bốn năm trước là niềm tin và hy vọng, còn bốn năm sau, là sự tuyệt vọng khôn cùng.


Lippi, dù thế nào, cũng cám ơn ông! - Ảnh: Getty
Nhưng bốn năm ấy đã làm biến đổi một Lippi mà người ta từng biết. Trên hành trình đến ngai vàng 2006, Lippi gây ấn tượng mạnh ở sự quyết đoán. Quyết đoán từ chính sách “người nhà quê” (đưa lên tuyển những ngôi sao “hàng tỉnh” và biến họ thành người hùng ở World Cup 2006 như Grosso hay Toni), đến việc điều chỉnh chiến thuật (chỉ đổi từ 4-4-2 sang 4-4-1-1 sau khi Nesta sớm chấn thương) và quyết tâm chiến thắng (không chấp nhận tư tưởng phòng ngự). Lần này, ông vẫn quyết đoán trong chính sách nhân sự, nhưng chỉ tạo ra ấn tượng về sự bảo thủ, trong khi đã sa sút kinh khủng về bản lĩnh chiến thuật và sự tự tin. Có cảm giác Lippi không hiểu thấu được rằng trong tay ông là những con người như thế nào và ông cần làm gì với họ.


Lippi vẫn là một người hùng vĩ đại nếu ông không bất ngờ trở lại dẫn dắt đội tuyển Italia cách đây hai năm và Azzurra cũng đã có thể không hổ thẹn thế này nếu ông không trở lại. Sau chiến công ở Berlin năm 2006, Lippi đã tuyên bố ra đi trong vinh quang, bởi ông cho rằng đó là đỉnh cao nhất mà sự nghiệp của mình có thể chạm đến. Điều đó tạo cảm giác ông trở lại thay Donadoni vì vẫn còn ham hố danh vọng (nhà cầm quân huyền thoại Vittorio Pozzo từng hai lần vô địch thế giới). Từ trên đỉnh cao, niềm kiêu hãnh quá lớn của Lippi khiến ông không chút xấu hổ sau thất bại ở Confeds Cup 2009 cũng như những kết quả kém cỏi ở vòng loại World Cup 2010. Vì uy tín quá lớn của Lippi, cũng không mấy người dám chỉ trích ông cho dù Italia dưới tay ông còn gây thất vọng lớn hơn nhiều so với Italia của Donadoni và càng chơi càng tồi.


Nhưng dù thế nào, cũng nên thông cảm với Lippi. Lỗi đâu phải của riêng Lippi khi kể từ sau thế hệ năm 2006, bóng đá Italia chẳng còn giới thiệu thêm một gương mặt thực sự nổi bật nào, đặc biệt ở hàng tiền vệ và hậu vệ. Lỗi đâu phải của riêng Lippi, khi danh hiệu vô địch thế giới đã tạo một sức ép quá lớn, mà bước vào giải, trở thành một gánh nặng ngàn cân dằn lên đôi vai của những ông già đã mệt mỏi sau cả mùa giải căng thẳng. Đã thế, Pirlo lại ngã xuống đúng lúc Lippi cần anh vô cùng, còn những người không ngã thì lại đứng chẳng vững.


Lippi đã thất bại và khiến người hâm mộ thất vọng, nhưng ông sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm và nhận những chỉ trích thậm tệ nhất về mình: “Tôi đã cố gắng, chúng tôi đã cố gắng, nhưng kết quả không được như mong muốn. Bây giờ, tôi đứng đây và sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến của quý vị”. Lippi đã ra đi với tư cách một người đàn ông, một vị tướng chân chính. Hãy thôi những lời trách móc để nhường chỗ cho ý niệm lạc quan về tương lai dưới tay tân thuyền trưởng Prandelli. Và dành những lời cảm ơn chân thành cho Lippi, người từng hiện thực hóa những giấc mơ đẹp nhất.


Vĩnh Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm