Dư âm Brazil - Bờ Biển Ngà 3-1: Thiên thần và quỷ dữ

22/06/2010 11:53 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - 1. Dunga không phủ nhận ông là một người thực tế. Nhưng thực tế không có nghĩa là khô khan, xấu xí, tiêu cực. Sau 2 trận đầu tiên ở World Cup 2010, Brazil của Dunga luôn là đội kiểm soát bóng nhiều hơn, tấn công nhiều hơn, sút nhiều hơn và đã ghi được 5 bàn. Nếu chọn ra 2 bàn đẹp nhất ở World Cup năm nay, Brazil sẽ chiếm cả 2 suất, với các cú bắn phá ở góc hẹp của Maicon và Fabiano. Nếu bầu chọn pha tổ chức tấn công đẹp mắt nhất, giải thưởng cũng thuộc về Brazil của Dunga với màn phối hợp tinh tế, nhạy cảm, ăn ý và đẳng cấp cao giữa bộ ba số 9 (Fabiano), số 10 (Kaka) và số 11 (Robinho), dẫn đến bàn mở tỷ số vào lưới Bờ Biển Ngà.

Brazil 2006 sặc mùi ngôi sao, và thất bại. Dunga đã thay đổi, đặt sức mạnh tập thể lên trên tất cả. Nhưng ông cũng không phủ nhận vai trò của ngôi sao. Bàn thắng không tưởng của Maicon vào lưới Triều Tiên là sự tỏa sáng của một cá nhân. Cú đúp của Fabiano (dù bàn thứ hai có sự trợ giúp của tay) in đậm dấu ấn cá nhân. Một đội bóng đẹp từ sức mạnh tập thể đến sự xuất sắc của cá nhân mới là đội bóng đẹp hoàn hảo.


Brazil chơi đẹp mắt mà vẫn hiệu quả, Ảnh Getty
Thử hỏi, tính đến thời điểm này của mùa giải, được mấy đội bóng thi đấu đẹp mắt và cống hiến hơn Brazil? Nếu xấu xí và tiêu cực, đó phải là Bờ Biển Ngà của Sven Eriksson. Tại World Cup 2006, Bờ Biển Ngà là một trong những đội bóng chơi tấn công cống hiến nhất. Nhưng khi rơi vào tay Eriksson, họ đã thi đấu quá cẩn trọng và có phần nhút nhát. Sau khi Brazil mở tỷ số, họ thậm chí không dám đẩy cao đội hình để tìm kiếm bàn gỡ hòa. Bị dẫn 2-0, họ vẫn e ngại đòn phản công của đối phương, các đợt tấn công của Bờ Biển Ngà hoặc chỉ có tối đa 4 người, hoặc lên bóng theo kiểu chậm mà chắc. Khi đã thua 3 bàn, họ mới dám tấn công thực sự, nhưng kèm theo đó là những pha vào bóng ác ý, với mục đích triệt hạ đôi chân của đồng nghiệp. Rồi chưa kể hành động ôm mặt ăn vạ của Kader Keita, dẫn đến chiếc thẻ đỏ của Kaka. Chiếc thẻ đỏ ấy không hề ảnh hưởng đến sức mạnh của Brazil, thậm chí tạo điều kiện để số 10 được nghỉ dưỡng sức, chuẩn bị cho trận đấu ở vòng 1/8. Ngược lại, hành động ăn vạ khiến hình ảnh của Keita trở nên xấu xí hơn. Cũng như lối chơi ác ý của Bờ Biển Ngà khiến thất bại của họ trở nên tồi tệ hơn.

2. Đó là trận đấu của Fabiano. Trước trận gặp Bờ Biển Ngà, số 9 của Brazil đã trải qua 452 phút tịt ngòi. Chưa bao giờ anh tịt ngòi lâu đến thế trong màu áo Vàng Xanh. Nhưng khi anh lên tiếng, người ta sẽ nhớ mãi những bàn thắng của anh. Bàn thứ nhất thì tuyệt đẹp. Bàn thứ hai thì khiến người ta nhớ đến... Maradona và Henry. Maradona dùng tay đẩy bóng vào lưới. Henry dùng tay khống chế bóng, chuyền cho đồng đội ghi bàn và mang lại chiếc vé World Cup cho tuyển Pháp. Fabiano thuộc trường hợp khác, 2 lần dùng cánh tay khống chế bóng để sút tung lưới đối phương. Tờ báo thể thao nổi tiếng của Argentina, Ole, đã đăng hình Fabiano khống chế bóng bằng tay ra trang bìa, kèm theo dòng tít to đùng: "Tay của Quỷ". Họ đã quá khích. Nhìn một cách rộng lượng, nếu Fabiano dùng ngực thay vì dùng tay khống chế bóng, bàn thắng ấy có thể sánh ngang với pha làm bàn của Pele vào lưới Thụy Điển trong trận CK World Cup 1958.

Sở dĩ tờ Ole giật tít "Tay của Quỷ" vì Fabiano từng mang biệt danh là "Thú hoang". Nhưng với người Brazil, Fabiano xứng đáng là thiên thần sau những gì anh đã làm được trong màu áo Vàng Xanh. Như các số 9 huyền thoại của bóng đá Brazil, Fabiano luôn biết cách tỏa sáng ở trận cầu lớn, trước các đối thủ lớn. Anh từng lập hat-trick vào lưới Bồ Đào Nha trong chiến thắng 6-2, từng ghi cú đúp trong chiến thắng 3-1 của Brazil trước Argentina tại Rosario, từng ghi 2 bàn trong chiến thắng ngược dòng 3-2 trước Mỹ ở trận CK Confederations Cup chính trên đất Nam Phi một năm về trước. Và bây giờ là những bàn thắng không thể nào quên vào lưới Bờ Biển Ngà. Một thống kê: Khi gặp các đối thủ thuộc tốp 30 trên BXH FIFA, Fabiano đã ghi 14 bàn/12 trận, với hiệu suất 1,17 bàn/trận. Khi gặp các đội bóng nhỏ, hiệu suất chỉ là 0,44 bàn/trận. Vậy thì, gặp các đội bóng lớn cứ để Fabiano giải quyết, các đối thủ yếu thì có những đồng đội khác hủy diệt.
 
Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm