Capello để lại "di sản" nào cho tuyển Anh?

07/10/2011 11:09 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần)- HLV Fabio Capello sẽ ra đi sau EURO 2012, và ông cũng đã từng đề cập đến việc tạo một nền móng cho đội tuyển Anh ngay từ bây giờ, để họ có thể hướng đến những mục tiêu mới trong tương lai. Nhưng sau 3 năm xây dựng, phía trước chỉ còn 1 trận vòng loại (và thêm đúng một điểm để có mặt ở Ba Lan và Ukraina) để hoàn tất những bước cuối cùng trong quá trình tái thiết đội tuyển Anh, ông Capello có thể để lại những “di sản” gì?

Hãy coi 1 trận còn lại thuộc khuôn khổ vòng loại như là những cơ hội cuối cùng để ông Capello thực hiện những thay đổi, bởi EURO 2012 không phải là chỗ để thử nghiệm, mà nó chỉ là nơi để nghiệm thu thành quả. Tình thế hiện tại của đội tuyển Anh (chỉ cần thêm một điểm là đến EURO 2012, mà thậm chí là ngay cả khi không giành điểm, họ vẫn còn cơ hội ở vòng play-off) cũng hoàn toàn phù hợp để ông Capello đưa ra những thử nghiệm.

Lối chơi

Đó là điều mà chắc chắn ông Capello chưa định hình một cách rõ nét cho đội tuyển Anh, giống như những gì ông đã làm với các đội bóng trước đây trong sự nghiệp, tạo một lối đá chắc chắn và mạch lạc cho Juventus, hay tấn công ngẫu hứng như thời dẫn dắt Roma.

Đội tuyển Anh của Capello, qua 3 năm, không hẳn là một đội chủ động tấn công, thậm chí là trước một vài đối thủ rắn mặt, họ không thể áp đặt thế trận tấn công (trận lượt đi hòa 0-0 trước Montenegro là một ví dụ), cũng không hẳn là một đội chơi phản công, vì thiếu các phương án phòng ngự chủ động và triển khai bóng trong các đợt phản công rất chậm chạp. Sự thiếu chiều sâu của đội tuyển Anh dưới thời Capello được bộc lộ rõ ràng nhất trong thảm bại 1-4 trước một đội tuyển Đức được tổ chức khoa học và nhuần nhuyễn ở World Cup một năm trước, và cho đến nay, thì họ vẫn chưa thể tiến bộ là bao.



HLV Fabio Capello- Ảnh Getty
Ông Capello cũng vẫn đang loay hoay giữa các sơ đồ 4-4-2 truyền thống (các nhà bình luận bóng đá Anh từng kêu gọi ông cất cái hệ thống cũ kỹ này vào tủ kính), 4-2-3-1 và gần nhất là 4-3-3. Sự bấn loạn về chiến thuật của đội tuyển Anh còn được thể hiện qua phát biểu của Jack Wilshere cách đây nửa năm, mà trong đó anh tiết lộ rằng ông Capello muốn đội Anh chơi theo phong cách của... Barcelona.

Những thành tựu hiếm hoi mà ông Capello thu được trong 3 năm dẫn dắt tuyển Anh thường chỉ là những tiểu tiết, như việc từng giải bài toán Lampard - Gerrard là ví dụ điển hình, nhưng về lối chơi tổng thể, 2 trận còn lại của vòng loại để tạo ra một bản sắc cho đội tuyển Anh là quỹ thời gian ngắn không tưởng.

Nhân sự

Ông Capello đã bắt đầu trẻ hóa đội tuyển Anh ngay sau thảm bại ở World Cup 2010, bằng cách trao cơ hội lên tuyển cho những cái tên còn khá lạ lẫm bấy giờ là Jack Wilshere, Theo Walcott và Adam Johnson. Bây giờ, thì kế hoạch ấy đang giẫm chân tại chỗ. Trừ một vài trường hợp được trọng dụng và đang ở độ chín sự nghiệp như Ashley Young (17 lần khoác áo đội tuyển Anh), Joe Hart (13), James Milner (21), tất cả những người được đánh giá là đầy hứa hẹn cho tương lai tuyển Anh còn lại đều chưa có đủ kinh nghiệm cần thiết để thực sự tạo nên bộ khung mới cho đội tuyển Anh, bao gồm cả người mà ông Capello đã tiên đoán là sẽ đeo băng thủ quân của đội Anh trong tương lai - Jack Wilshere (mới có 5 lần khoác áo tuyển).

Nếu đề cập đến nhân sự tương lai cho tuyển Anh, thì hiện tại, chỉ có những cầu thủ thuộc diện "tương lai rất gần"  như Barry, Lampard, Gerrard, xa hơn một chút là nhóm Terry, Cole, Rooney. Những người thực sự sẽ tạo ra tương lai mới cho đội tuyển Anh, như Wilshere, Welbeck, Johnson, Phil Jones..., thì cần thêm rất nhiều thời gian để tạo ảnh hưởng và tích lũy kinh nghiệm quốc tế cho chính họ.

Bản lĩnh và những yếu tố thuộc về tinh thần


ĐT Anh (trái) cần chứng tỏ bản lĩnh- Ảnh Getty

Đội tuyển Anh vốn luôn bị coi là một đội bóng yếu bóng vía trong các giải đấu lớn, và tinh thần không thật sự ổn định ngay cả trong một trận đấu, khái quát lên thành sự yếu kém về mặt bản lĩnh thi đấu. Nếu như các đội tuyển Hà Lan, hay Argentina, ngay cả khi thất bại, cũng có thể tạo được ấn tượng đặc biệt nào đó, thì đội Anh thường chỉ tồn tại với cá tính nhợt nhạt ở các giải đấu lớn, và ngay cả trong chiến dịch vòng loại, ngay cả trong các chiến thắng.

Ông Capello, một HLV có cá tính mạnh, cũng đã từng làm thay đổi gương mặt nhợt nhạt này của đội tuyển Anh trong một số thời điểm, như chiến thắng trước đội tuyển Đức ngay tại Berlin chỉ 2 tháng sau khi nhậm chức, hoặc đánh bại Croatia 5-1 ở vòng loại EURO 2012, nhưng những gì thể hiện trước các đội tuyển lớn và những giải đấu lớn thời gian gần đây cho thấy đội tuyển Anh đang đi vào lối mòn cũ, với thất bại kinh khủng 1-4 trước Đức ở World Cup 2010, hay những thất bại trong các cuộc đối đầu với những đội tuyển cùng đẳng cấp, mà trận giao hữu thua Pháp ngay trên Wembley cách đây gần một năm là một minh chứng.

"Di sản" của Capello?

Từ những điều đã đúc rút ra ở trên và quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại của Capello, có thể khẳng định rằng đội tuyển Anh sẽ không được hưởng một "di sản" đã mang tính chất định hình, sau khi HLV người Italia ra đi. Hoặc giả nếu ông có thể tạo ra những đột biến tức thời ở kỳ EURO sắp tới, và có thêm một ngôi sao nữa vụt sáng kiểu Rooney ở EURO 2004, thì cái "di sản" ấy vẫn mang tính chất tiểu tiết và không thể được hệ thống lại trong một "cương lĩnh" chung.

Sửa chữa những tiểu tiết và ứng biến chiến thuật là sở trường của một HLV theo trường phái chiến thuật gia như ông Capello, nhưng 3 năm là không đủ để ông biến thành một chiến lược gia cho đội tuyển Anh, một đội bóng có quá nhiều những sương mù ngăn cản một tầm nhìn xa hơn (sự tung hô thái quá của truyền thông Anh là một ví dụ). Đội tuyển Anh của ông hoàn toàn có thể giành ít nhất một điểm trong trận gặp Montenegro và vượt qua vòng loại, có thể làm nên một bất ngờ ở kỳ EURO, như món quà chia tay với HLV người Italia, nhưng không thể xây dựng một tương lai mới từ cái gọi là "di sản của Capello".

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm