26/08/2021 18:18 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị BCH VFF vừa qua, một số CLB đã lên tiếng đòi tổ chức Đại hội bất thường, thay lãnh đạo VPF. Nhưng thay ai và ai thay, tìm được người giỏi để ngồi vào những chiếc ghế nóng đâu dễ như ý chí.
10 năm về trước (ngày 14/12/2011) Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời sau cuộc “khởi nghĩa” thành công của “bầu Kiên và những người bạn”. Thời điểm đó, bóng đá nước nhà đối mặt với những khủng hoảng trầm kha. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra với giải chuyên nghiệp tiêu tiền như nước nhưng chất lương điều hành, tổ chức, sự trong sạch không tỷ lệ thuận. VPF ra đời là một kết quả tất yếu, phù hợp xu thế quốc tế cũng như nguyện vọng tha thiết của những ai yêu bóng đá nội.
Nhìn nhận khách quan quá trình 10 năm tồn tại và phát triển, VPF đã đi vào quy củ hơn với một bộ máy theo phong cách của Công ty tổ chức thi đấu bóng đá đỉnh cao mà nhiều nước tiên tiến áp dụng. Các CLB cũng phải đáp ứng cơ bản các quy chuẩn do AFC đưa ra. Các cầu thủ đã ý thức được khái niệm chuyên nghiệp, trọng nghề hơn. Bóng đá đã mang lại đời sống no ấm, tạo dựng địa vị xã hội cho những ai tham gia.
Tuy nhiên, VPF vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết so với kỳ vọng ban đầu. Người ta tiếc giá như ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, thì…Đấy là một cách nói, nếu VPF vẫn vận hành như thế này thì sự có mặt của ông Kiên cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì lớn lao. Chúng ta chưa thấy chất lượng giải được cải thiện vượt bậc, dù đã có đến 21 năm xây dựng nền mong cho cái gọi là “thời kỳ quá độ”.
V-League không thu hút được nhiều khán giả. Chúng ta chưa thấy một CLB nào có thể tự thu tự chi, sinh lãi từ hoạt động bóng đá. Ngày càng nhiều tên tuổi lẫy lừng bị giải thể, số còn lại sống theo kiểu phập phù, nóng lạnh phụ thuộc vào nhiệt huyết của các ông chủ doanh nghiệp. Không phải ai đến với bóng đá cũng đam mê, đa số thông qua thể thao vua để làm ăn.
Đã vậy, VPF vẫn chưa cho thấy họ thực sự là đại diện cho một chủ thể tổ chức sân chơi công bằng, chuyên nghiệp, minh bạch, ít rủi ro để các CLB, doanh nghiệp yên tâm sống chết với bóng đá.
Đến đây, chúng ta có lẽ dễ đồng cảm quan điểm: BĐVN không thiếu người tài có thể đảm trách những cái ghế nóng ở VPF. Về cơ bản, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF là người có quá nhiều kinh nghiệp cả bóng đá lẫn thương trường. TGĐ Nguyễn Minh Ngọc còn trẻ nhưng tuổi nghề (từ khi làm giám sát, rồi cán bộ phòng tổ chức thi đấu VFF) rất đáng nể.
Trong 27 CLB thành viên VPF nói chung, 22 cổ đông nói riêng, cũng có rất nhiều gương mặt nổi bật. Đấy là chưa kể bộ máy lãnh đạo VFF lẫn VPF hiện nay được coi là tinh nhuệ; trong xã hội cũng còn rất nhiều người tài hoàn toàn có thể có ích cho nền bóng đá.
Rõ ràng, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn cần nhất một môi trường thực sự chuyên nghiệp. Ở đó, người ta thấy bóng dáng quá bao trùm của VFF, không chỉ là cổ đông lớn nhất. Sự kiểm soát có phần “dài tay, chi tiết hóa” của VFF đã không giúp cho VPF cũng như các Công ty con phát triển một cách tự nhiên, nếu như không muốn nói mô hình tổ chức, điều hành hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay chẳng khác trước đây bao nhiêu, thời VFF “làm tất”.
Vậy nên, cần phải có sự “phân vai” rõ hơn về trách nhiệm điều hành Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp. VPF phải có chương trình hành động cụ thể, cam kết lộ trình bao giờ có lãi.
Các Cổ đông phải thấy được quyền lợi vật chất của họ khi đầu tư, quyền lợi về tinh thần như được phản biện và chế tài, chứ không thuần túy nộp tiền để đá giải rồi tù mù không biết tương lai như hiện nay, lại thường bị áp đặt.
Tóm lại, đã là Công ty CP, khi kinh doanh mãi mà các Cổ đông chỉ có nước “sạt nghiệp”, trong khi “sếp”- lãnh đạo VPF sống khỏe, thì chỉ có ở BĐVN. Đừng mơ “thiên tài” sẽ xuất hiện ở VPF trong môi trường hoạt động bóng đá còn nghiệp dư như hiện nay.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất