Động thổ xây dựng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội

15/04/2023 12:06 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 15/4, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã động thổ khu phức hợp Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại vị trí giao giữa Công viên Cầu Giấy với phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Khi hoàn thành, Đại sứ quán Hoa Kỳ mới tại Hà Nội sẽ đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng quan hệ ngoại giao, an ninh và thương mại giữa Việt Nam với Mỹ. 

Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ có tổng ngân sách 1,2 tỉ USD, quy mô 39.000m2 trên khu đất có tổng diện tích 3,2 hecta.

Thiết kế của Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ là sự kết hợp giữa cảnh quan đô thị hiện đại và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố Hà Nội. Vật liệu dùng để xây dựng được lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chia sẻ "Đây là niềm vui đặc biệt, ngày tôi chờ đợi lâu rồi. Tôi đã nghe dự án này từ khi còn là Thứ trưởng Ngoại giao...". Ông gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Mỹ vì đã nỗ lực để "biến ngày lịch sử này trở thành hiện thực".

Động thổ xây dựng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Như Ý/Báo Tiền phong

Ngoại trưởng cho biết, sự kiện này đã được chuẩn bị trong nhiều năm và đó là kết quả đỉnh cao có được nhờ sự gắn kết tận tâm và sáng tạo giữa rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam. Đại sứ quán mới thể hiện một bước tiến to lớn trong việc tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, năm 1995, người tiền nhiệm của ông  - Ngoại trưởng Warren Christopher đã đến Hà Nội để thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

"Khi đó, việc đại sứ quán đi vào hoạt động là một phần quan trọng của nỗ lực đó. Mọi thứ có vẻ hơi khác khi Đại sứ quán lúc đó có chưa đến 30 nhân viên người Mỹ. Và họ thực hiện phần lớn công việc của mình bằng một công nghệ thú vị, cho phép họ giao tiếp tức thì với đồng nghiệp trên khắp thế giới: đó là máy fax. Kể từ đó, một vài điều đã thay đổi. Email đã thay thế fax. Và từ một đội ngũ nhỏ đến nay Đại sứ quán của chúng tôi đã phát triển thành một tập thể gồm hơn 600 nhân viên người Mỹ và nhân viên địa phương", Ngoại trưởng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh, trong 27 năm qua, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng ngày càng bền chặt, năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện. Hai nước đã hợp tác về mọi mặt, từ nâng cao sức khỏe cộng đồng, đến mở rộng các cơ hội kinh tế mang tính bao trùm, đến đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, tòa nhà mới của Đại sứ quán sẽ cao 8 tầng và đủ lớn để tập hợp toàn bộ nhân sự, sứ quán cũng sẽ có thể tăng số quầy làm thủ tục lãnh sự lên gấp 4 lần hiện nay, nhờ đó có thể cấp thị thực và hộ chiếu cho nhiều người hơn và nhanh chóng hơn.

Ứớc tính trong 6 năm xây dựng, dự án sẽ cung cấp việc làm cho khoảng 1.800 lao động địa phương, đồng thời đóng góp thêm 350 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam. 

Kiến trúc của Đại sứ quán cũng là sự kết hợp của văn hóa và hai quốc gia. Khu phức hợp do một công ty Hoa Kỳ thiết kế và được lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa cảnh quan Việt Nam và kiến trúc đô thị Hà Nội.

Phần nền móng của tòa nhà sẽ được làm từ đá bazan – một loại đá có mặt ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Kiến trúc của Đại sứ quán cũng là minh chứng cho cam kết chung của hai quốc gia đối với việc đảm bảo tính bền vững về môi trường và khả năng chống chịu mạnh mẽ với biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi sẽ xây dựng phần lớn khu phức hợp Đại sứ quán bằng vật liệu tái chế và thiết kế của Đại sứ quán sẽ vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm thiểu nguy cơ bị ngập khi có bão lớn", Ngoại trưởng thông báo.

Động thổ xây dựng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - Ảnh 2.

Các quan chức của hai nước động thổ dự án. Ảnh: Như Ý/Báo Tiền phong

Kết thúc phát biểu Ngoại trưởng Antony Blinken chia sẻ: "Năm 1995, khi Ngoại trưởng Christopher khai trương tòa nhà Đại sứ quán của chúng tôi tại Hà Nội, ông đã nói về việc xây dựng cầu nối hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta. Vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung về những bước phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước, sau gần ba thập kỷ, chúng ta đều thấy rõ. Tòa nhà Đại sứ quán mới cũng chính là nhịp cầu giữa hai nước.  

Với khu phức hợp mới này, chúng tôi sẽ có thể thúc đẩy nhiều kết nối hơn nữa, cùng với đó là các mối quan hệ, sự đổi mới và cơ hội".  

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án là nỗ lực đã được thực hiện trong nhiều năm của 2 nước với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan.

Ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phần còn lại của Khu đô thị mới Cầu giấy tỷ lệ 1/500 tại ô quy hoạch ký hiệu D30 – đây là điều kiện quan trọng để triển khai các thủ tục liên quan nhằm thực hiện thoả thuận xây dựng trụ sở Đại sứ quán. 

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Đại sứ quán Mỹ trong quá trình xây dựng, hỗ trợ dự án đạt được mục tiêu, tiến độ  đề ra.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Giải thích về tầm quan trọng Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Kritenbrink cho biết Việt Nam cũng ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các chuẩn mực, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đang mở rộng đầu tư tại đây và Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác tin cậy ở Mekong, một nhà lãnh đạo trong ASEAN và là thành viên quan trọng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Kritenbrink khẳng định.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm