14/10/2022 13:00 GMT+7 | Tin tức 24h
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện triển khai và nhân rộng 19 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại huyện Tháp Mười, Cao Lãnh và Thanh Bình.
Trong số các mô hình được triển khai nhân rộng thành công trong năm 2022 có 6 mô hình được đánh giá cao về mặt kỹ thuật và mang hiệu quả kinh tế như mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn; hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ; xây dựng nhân rộng mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn gốc và phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Điển hình như mô hình giảm giá thành sản xuất lúa được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất trước khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, IPM trong quản lý dịch hại,... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo. Diện tích áp dụng là 260.263 ha, chiếm 54% diện tích gieo trồng.
Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận giúp nông dân tiết kiệm chi phí, canh tác giảm giá thành và sản xuất đạt hiệu quả hơn. Diện tích áp dụng giảm lượng giống đạt 255.749 ha, chiếm 53% diện tích gieo trồng.
Mô hình sản xuất mạ lúa để cấy thực hiện nhiều nhất là các huyện Tháp Mười, Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh sử dụng mạ để cấy lúa giúp giảm lượng giống, cấy đều, giảm lượng nhân công, phân bón giảm, ít bị sấu rầy chống đỗ ngã khi vào mùa vụ hè Thu và Thu Đông, năng suất cao hơn so với phương pháp sạ truyền thống.
Điển hình ở huyện Tháp Mười, có các xã Mỹ Đông, Mỹ Quí, Mỹ Hòa, Láng Biền, Đốc Binh Kiều có hàng ngàn ha áp dụng gieo mạ để cấy lúa. Chi Đỗ Thị Loan ở xã Mỹ Hòa cho biết, trước đây sử dụng biện pháp sạ hàng phải sử dụng 20 kg lúa giống/1.000m2, nhưng hiện nay gieo mạ để cấy cho 1.000 m2 chỉ sử dụng từ 6-8 kg lúa giống.
Mô hình canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, đồng thời việc ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người lao động và người tiêu dùng. Diện tích áp dụng đến thời điểm hiện nay là 8.505 ha, chiếm 60% diện tích gieo trồng.
Với mô hình này, ông Võ Việt Hưng, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã nâng cao chất lượng trái xoài theo tiêu chuẩn GAP, việc bao trái và trồng rải vụ được ông thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao. Những năm qua xoài trồng theo hợp đồng xuất khẩu xuất khẩu của ông Hưng được tiêu thụ ra thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Bình quân mỗi kg xoài xuất khẩu giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương thực theo dõi, cập nhật thông tin các mô hình đang triển khai thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn.
Nguyễn Văn Trí/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất