09/04/2019 07:56 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sinh - tử dẫu là quy luật cuộc đời, song sự ra đi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người mà tên tuổi gắn liền với Đường Trường Sơn - tuyến vận tải huyền thoại góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 và nay là Đường Hồ Chí Minh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để lại trong lòng nhiều người, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn năm xưa niềm tiếc thương, xúc động.
Với Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571 (Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn), ký ức của ông về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng gần gũi, sáng tạo, tài ba thao lược, có tài xoay chuyển tình thế. Điều này thấy rõ ở thời gian ông làm Tư lệnh Đoàn 559, đường Trường Sơn từ một đường mòn nhỏ đã trở thành tuyến giao thông chiến lược được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm", tuyến đường huyền thoại này hoàn chỉnh và hiện đại đến mức nước Mỹ, dù huy động trí tuệ, sáng chế ra các chương trình chiến tranh tự động, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học nhằm chặn “động mạch chủ” của cơ thể Việt Nam kháng chiến nhưng vẫn bất lực.
Kể về câu chuyện vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên xoay chuyển tình hình vận tải lập chân hàng cho Đoàn 559 đang trong thế hết sức khó khăn do sự đánh phá ác liệt của Mỹ, Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại, tháng 8 năm 1966, với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Đoàn 559, ông đưa ra quyết định sáng tạo và độc đáo là đổi cách chạy xe ban đêm sang chạy xe ban ngày mặc dù trên bầu trời luôn luôn có sự gầm rú của các loại máy bay Mỹ. Nhiều người tỏ ý lo ngại và khuyến cáo với ông, sẽ có thể xảy ra tình huống bị địch đánh bom, cháy xe, chết người. Ông không đồng ý với những ý kiến đó và giải thích, ta có thiên thời là bầu trời bị sương mù che phủ bởi gió mùa đông bắc mà không biết tận dụng là sai lầm, bỏ phí thời cơ. Làm quân sự mà không biết tận dụng thiên thời thì sao mà thu được thắng lợi. Sau này, khi nhắc lại sự việc đó, ông nói, hồi ông theo học ở nước ngoài, khi trở về nước được đi bằng máy bay. Đến sân bay Gia Lâm, máy bay không hạ cánh được vì sương mù dày đặc, phi công không nhìn thấy mặt đất đành phải quay lại. Hỏi ra mới biết, ở sân bay Gia Lâm, lúc đó, độ cao máy bay cách mặt đất là 300 m. Liên tưởng tới trường hợp đó, ông đã quyết định cho xe chạy theo đội hình tập trung gọn từng đại đội chứ không cho xe chạy lẻ tự do, tùy tiện. Bởi chạy theo cách tập trung sẽ tạo điều kiện cho các cụm pháo cao xạ đánh trả máy bay địch bảo vệ đội hình xe có hiệu quả.
“Thực hiện các quyết định trên, các đội hình ô tô vận tải đã nâng cao tốc độ vận chuyển. Phần lớn thực hiện được cung độ và đỡ bị tổn thất. Chỉ trong vòng ba tháng thực hiện đổi cách chạy xe này mà khối lượng đã bằng kế hoạch của cả năm”, Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại.
Ấn tượng về tài tổ chức chỉ huy, những tư duy và đề xuất sáng tạo về cách tổ chức vận tải quân sự trong điều kiện địch đánh phá quyết liệt của vị Tư lệnh chiến trường Đồng Sỹ Nguyên còn đến từ lần trực tiếp chứng kiến ông đưa ra các quyết định, đề xuất sáng tạo tại cầu Khe Rinh khi cây cầu này bị máy bay Mỹ đánh sập, hàng trăm hố bom cắt đứt hai bờ. Hôm ấy, Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm đứng nhìn ngao ngán, nghĩ không biết đến bao giờ mới khôi phục được cây cầu này. Ông Nguyên nhận được báo cáo liền đến tận cầu thị sát rồi nói với Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm: Nếu muốn lấp hố bom, làm lại cầu cũng phải mất 7 ngày. Nhưng địch sẽ tiếp tục đánh lại, không biết bao giờ mới thông xe. Vậy tốt nhất là mở một đường vòng phía thượng lưu, rải đá dưới lòng suối để xe qua. Chỉ cần vài trung đội công binh với một máy xúc làm trong 3 ngày là xong. Thực hiện phương án này, đúng sau 3 ngày tuyến đường thông suốt.
“Ông cứ đi vào cuộc chiến đấu ở đường Trường Sơn với những đề xuất sáng tạo, đạt được thành công và kinh nghiệm quý giá bước đầu làm tiền đề cho những bước tiếp theo như thế”, người Chính ủy Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571 năm xưa hồi nhớ.
Đại tá Phan Hữu Đại bùi ngùi kể không thể quên được hình ảnh ông Đồng Sỹ Nguyên khi mới vào chiến trường Trường Sơn, đó là một dáng vẻ mộc mạc như một chiến binh, đầu đội mũ sắt, vai mang một bao tải gạo cùng với chiếc chăn quấn tròn, có khác chăng là đi ủng và thêm một chiếc xắc cốt, một súng ngắn bên hông. Tướng mạo vị Tư lệnh không có gì đặc biệt, nhìn hiền hậu, không oai phong mà bình dị, gần gũi. Khi phát biểu trước đám đông, ông không lên giọng hùng biện mà nói ít, nói chắc. Khi tiếp xúc với cấp dưới, ông không ứng xử kiểu cấp trên. Không huấn thị mà lắng nghe. Không thay đổi nét mặt khi nghe ý kiến trái chiều mà bình tĩnh, trao đổi thân tình. Nhưng đó cũng là một người rất quyết đoán, khi các chủ trương đã thành thì không có sự chao đảo.
Ông Phan Hữu Đại nghẹn ngào khi nhắc đến những kỷ niệm với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên những ngày tháng “mở đường mà đi, đánh địch mà tiến” ở Trường Sơn, nhắc lại câu chuyện nhận nhiệm vụ khôi phục trọng điểm A-T-P nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng bị bom Mỹ đánh phá khiến hàng trăm xe cơ giới nằm im tại chỗ. Ông Phan Hữu Đại kể lại và những giọt nước cứ trào ra từ đôi mắt mờ đục của người chiến sỹ Trường Sơn năm xưa nay đã 94 tuổi: Sau 1 tháng làm cả ngày cả ngày đêm, đường thông theo đúng kế hoạch, hàng trăm xe cơ giới lại nổ máy vận chuyển hàng, chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi tôi đến gặp anh Nguyên trong tình trạng sụt hơn mười ký, mắt trũng sâu, anh suýt không nhận ra nổi. Tôi thưa chuyện, anh ôm lấy tôi chặt lấy tôi rồi xót xa bảo: Ngồi đây, ngồi đây, tớ đi pha sữa cho cậu uống....
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất