Đông Nam Á tăng tốc trong nỗ lực bao phủ vaccine

06/08/2021 20:05 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cơn cuồng phong COVID-19 mang biến thể siêu lây nhiễm Delta đang tấn công khu vực Đông Nam Á, khiến số ca mắc bệnh và tử vong trong những ngày gần đây ở nhiều nước luôn ở mức cao chưa từng thấy.

Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại Đông Nam Á

Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại Đông Nam Á

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 198.729.424 ca mắc COVID-19 và 4.236.557 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 179.422.250 ca.

Thực trạng này khiến chính phủ các nước khẩn trương siết chặt nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn bệnh lây lan, đồng thời tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đại trà nhằm đẩy nhanh bao phủ vaccine, tiến tới miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.

Tất cả các nước Đông Nam Á đều đặt mục tiêu sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho phần lớn người dân vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Ngoài Singapore và Campuchia là hai nước dẫn đầu về độ bao phủ vaccine ở Đông Nam Á, các quốc gia khác đều đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà. Mục tiêu của Việt Nam là tiêm chủng cho ít nhất 75% dân số trong năm nay. Tương tự, Brunei lên kế hoạch tiêm vaccine cho 70% dân số; Lào là 50%; còn Myanmar là 40%...

Tuy nhiên, thách thức là không hề nhỏ trong bối cảnh lượng vaccine trên toàn thế giới hiện “cung không đủ cầu”, tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều nước đã mở rộng diện đối tượng tiêm chủng và một số nước bắt đầu tích trữ vaccine để tiêm liều tăng cường cho người dân do lo ngại biến thể Delta. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã phải chuyển hướng, tìm mọi cách đa dạng hóa nguồn cung vaccine thông qua nhiều cơ chế khác nhau, như kêu gọi viện trợ từ nước ngoài, điển hình là chương trình "ngoại giao vaccine" đang được Việt Nam triển khai quyết liệt và bài bản; đặt mua trực tiếp từ các hãng dược phẩm; khuyến khích sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu để tự phát triển vaccine nội địa, như Việt Nam và Thái Lan đang thực hiện. 

Để giải quyết bài toán nguồn cung, đa dạng hóa các loại vaccine là giải pháp được nhiều nước lựa chọn. Tới nay Malaysia đã  cấp phép sử dụng 7 lại vaccine khác nhau, mới nhất là phê duyệt có điều kiện việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Moderna (Mỹ). Trước đó, Malaysia đã phê duyệt sử dụng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, AstraZeneca, Sinovac, Jansen, CanSino và Sinopharm. Malaysia cũng cho phép chính quyền các bang và các bệnh viện tư nhân tự mua và phân phối vaccine COVID-19.

Indonesia đã phê duyệt 5 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm của các hãng Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax. Ngoài ra, quốc gia này cũng phê duyệt 4 loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng tư nhân Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau), gồm vaccine của các hãng Sinopharm, CanSino và Anhui Zhifei Longcom, cùng vaccine Sputnik V của Nga. Nước này đang chuẩn bị cả vaccine và nguồn nhân lực để có thể sớm triển khai kế hoạch tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, qua đó tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 208 triệu dân để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh

                          Vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca 

Tương tự, Thái Lan cũng tìm kiếm vaccine của nhiều hãng dược khác nhau với hy vọng giải bài toán chậm trễ nguồn cung từ hãng AstraZeneca. Viện Vaccine Quốc gia Thái Lan đã liên hệ với Liên minh vaccine Gavi, bày tỏ mong muốn tham gia sáng kiến COVAX với hy vọng có thể sớm tiếp nhận nhiều vaccine hơn. Nước này cũng đang đàm phán với hãng Pfizer và dự kiến đặt thêm 5 triệu liều từ Johnson & Johnson. Ngoài ra, hãng dược Siam Bioscience (thuộc sở hữu của Hoàng gia Thái Lan) đã bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 của AstraZeneca để phục vụ nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, Philippines đã bắt đầu nhận được vaccine từ Moderna và Pfizer/BioNTech. Nước này cũng đang đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. Trước đó, phần lớn vaccine Philippines nhận được trong nửa đầu năm nay là củA công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc).

Các nước Đông Nam Á cũng nỗ lực để nhận nguồn hỗ trợ của các nước có nguồn vaccine dồi dào. Theo thông báo từ Nhà Trắng, Indonesia hiện là quốc gia Đông Nam Á được Mỹ cung cấp nhiều vaccine ngừa COVID-19 nhất (8 triệu liều), tiếp đến là Philippines (6.239.000 liều) và Việt Nam (5 triệu). Trung Quốc cho biết đã tài trợ 119 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ tiếp tục cung ứng vaccine cho khu vực Đông Nam Á. Từ giữa tháng 7, Nhật Bản cũng bắt đầu cung cấp hàng triệu liều vaccine của AstraZeneca cho các quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn cung một số loại vaccine bị gián đoạn, để bảo đảm tiêm mũi vaccine thứ hai đúng hạn, một số nước như Thái Lan đã quyết định triển khai tiêm kết hợp 2 loại vaccine (mũi thứ nhất và mũi thứ hai là 2 loại vaccine khác nhau). Biện pháp này vốn đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, với sự tham gia tiên phong của nhiều nguyên thủ như Thủ tướng Đức Angela Merken, Thủ tướng Italy Mario Draghi hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang phát triển đã áp dụng biện pháp này. Argentina là quốc gia mới nhất triển khai tiêm kết hợp, sử dụng vaccine của hãng Moderna và của AstraZeneca để tiêm mũi thứ hai  cho những người đã tiêm mũi đầu vaccine Sputnik V của Nga, khi việc bàn giao vaccine này bị gián đoạn.

Sự điều chỉnh này được thực hiện sau khi một số nghiên cứu khoa học và các cuộc thử nghiệm tại Tây Ban Nha hay Vương quốc Anh đã chứng minh rằng việc tiêm kết hợp hai loại vaccine có thể nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cũng giống như phương pháp đã được sử dụng để chống lại dịch Ebola, bởi việc kết hợp có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, do vaccine kích thích các khu vực khác nhau của hệ thống miễn dịch hoặc "huấn luyện" hệ thống miễn dịch phát hiện mầm bệnh xâm nhập theo nhiều cách khác nhau. Kết quả nghiên cứu mới được công bố tại Hàn Quốc cho thấy việc tiêm kết hợp mũi đầu là vaccine của AstraZeneca và mũi 2 là vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ giúp sản sinh nhiều kháng thể hơn gấp 6 lần so với việc tiêm cả 2 mũi là vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cần có thêm dữ liệu khoa học để chứng minh hiệu quả của phương án này.

Riêng khu vực Đông Nam Á, tại Thái Lan, vaccine của AstraZeneca  được sử dụng làm liều tiêm thứ hai cho những người đã tiêm liều đầu với vaccine của Sinovac. Indonesia thông báo tiêm kết hợp mũi hai là vaccine của Moderna sau mũi một là vaccine Sinovac. Philippines dự định kết hợp vaccine của Sinovac với các loại của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sputnik V. Trong khi đó, Bộ Y tế Việt Nam hướng dẫn sử dụng vaccine của Pfizer làm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một với vaccine của AstraZeneca "trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế". Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Phương án khác cũng đang được một số nước xem xét là sử dụng vaccine với một lượng ít hơn để kéo dài khả năng đáp ứng khi nguồn cung cạn kiệt. Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) và Đại học Chicago (Mỹ), việc giảm liều lượng vaccine vẫn có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Một thử nghiệm đối với vaccine của Pfizer-BioNTech cho thấy liều lượng vaccine giảm 1/3 tạo ra phản ứng miễn dịch “tương đương” với 1 liều tiêu chuẩn.

Một nghiên cứu quy mô lớn của Anh cũng đã đưa ra bằng chứng về mức độ hiệu quả khi giảm liều lượng vaccine. Các nhà khoa học đã báo cáo hiệu quả dao động từ 67%-97% sau khi người được tiêm sử dụng 1/2 liều vaccine của AstraZeneca và 1 liều đầy đủ vào 12 tuần sau đó. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ), 1/4 liều vaccine của Moderna đã có thể tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Ông Ben Cowling, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong và là một trong những tác giả của các nghiên cứu trên, nêu rõ: “Nguồn cung vaccine vẫn sẽ hạn chế trong ít nhất 1 năm nữa. Do đó, việc sử dụng liều lượng vaccine thấp hơn là một chiến lược có thể áp dụng với các loại vaccine hiện tại”.

Biện pháp này từng được ứng dụng thành công trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Năm 2016, WHO đã phê duyệt 1/5 liều vaccine sốt vàng da như một biện pháp khẩn cấp trong các đợt bùng phát dịch lớn ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo. Phương pháp này cũng đã được áp dụng trong chiến dịch tiêm chủng bệnh sốt vàng da ở Brazil năm 2018. Mặc dù vậy, người phát ngôn của WHO Tarik Jašarević cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra các khuyến nghị về việc giảm liều lượng đối với vaccine ngừa COVID-19, do đó cần nghiên cứu thêm để chứng minh hiệu quả chống căn bệnh này một cách rõ ràng.

Đông Nam Á hiện được coi là "tâm dịch" COVID-19 với sự lây lan của biến thể Delta, bởi vậy các nước khu vực đều đang nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine. Bên cạnh giải pháp của từng nước, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 54 vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến, các nước Đông Nam Á đã đề cập tới việc thúc đẩy hợp tác khu vực để thực hiện mục tiêu bao phủ tiêm chủng đại trà. Indonesia đã kêu gọi các nước hợp tác về vaccine và y tế trong khu vực, theo đó đề xuất thăm dò khả năng thiết lập cơ chế chia sẻ vaccine của ASEAN và thăm dò hợp tác nghiên cứu và sản xuất vaccine giữa ASEAN và các công ty ở các nước đối tác có giấy phép sản xuất vaccine và thuốc chữa trị COVID-19. Trong khi đó, Việt Nam đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Trong bối cảnh các nước khu vực đều mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, việc tăng cường hợp tác và chung tay trong ASEAN sẽ tạo cơ hội để Đông Nam Á đạt mục tiêu đặt ra một cách bền vững và lâu dài.

 Thanh Phương/TTXVN
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm