05/01/2023 14:27 GMT+7 | HighTech
Trên cùng một chiếc xúc xích, Apple Watch "thất bại" trong bài kiểm tra nồng độ oxy trong máu và nhịp tim, trong khi Huawei Watch lại cho ra kết quả.
Một trào lưu kỳ lạ đang diễn ra trên mạng xã hội ở Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều người thử sử dụng đồng hồ thông minh Huawei của họ để kiểm tra nồng độ oxy trong máu của xúc xích, thịt giăm bông, khăn giấy, búp bê và các đồ vật khác. Bởi nhiều người đã phát hiện ra rằng thiết bị này có thể hiển thị ra những thông tin đặc biệt này của những món đồ vật vô tri.
Sự việc bắt đầu nổi lên khi một cư dân mạng đưa tin rằng họ đã sử dụng đồng hồ thông minh Huawei để thực hiện việc kiểm tra nồng độ oxy trong máu của mình, và sau đó phát hiện ra rằng thịt giăm bông cũng có giá trị nồng độ oxy tương tự. Thông tin ngay lập tức khiến mọi người rất hoang mang.
Người này cũng thử đem một chiếc Apple Watch ra để so sánh tính năng. Kết quả cho thấy thông qua các phép đo thực tế trên cùng một chiếc xúc xích, Apple Watch đã thất bại trong bài kiểm tra, trong khi Huawei Watch cho ra kết quả.
Một số người nói đùa rằng: "Điều này có nghĩa là giăm bông bạn mua còn tươi?", hay có người nói rằng: "Có thể là con lợn làm ra giăm bông giờ đã được giải cứu."
Sau khi sự việc lan truyền, nhiều người bắt đầu lấy những chiếc Huawei Watch của mình ra, tiến hành kiểm tra nồng độ oxy trong máu và nhịp tim trên nhiều đồ vật khác nhau.
Một người dùng ở tỉnh Hồ Nam đã đặt chiếc Huawei Watch3 Pro của mình trên một hộp thuốc. Kết quả là nó có nhịp tim là 100 và mức oxy trong máu là 97%. Anh mô tả trải nghiệm của mình rằng: “Dữ liệu thử nghiệm trong quá trình phát triển của sản phẩm này cũng là tự mô phỏng có phải không?".
Một cư dân mạng sống ở Giang Tô đã thử nghiệm với một gói khăn giấy bằng thiết bị đeo tay Huawei và đo thành công nhịp tim của nó là 68, cùng hàm lượng oxy trong máu của cục giấy là 100%.
Một người khác đến từ Liêu Ninh đã sử dụng Huawei Watch GT3 Pro để kiểm tra một cuộn giấy vệ sinh và nhận thấy rằng nhịp tim của cuộn giấy vệ sinh là 80 và độ bão hòa oxy trong máu là 99%.
Tất nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều đo được. Có một số đồ vật không hiển thị thông số nhịp tim và nồng độ oxy đi kèm.
"Có lẽ thuật toán hệ thống của nó có vấn đề, vấn đề này cần được giải quyết bằng một bản cập nhật. Nếu bạn không quan tâm đến các chức năng này, bạn vẫn có thể mua chúng. Nếu bạn quan tâm, nên chờ xem sao”, một người dùng bình luận vấn đề.
Tuy nhiên, quan điểm đó chưa thể làm dừng trào lưu này lại được. Nhiều người tiếp tục sử dụng các thiết bị đeo tay thông minh Huawei để đo nồng độ oxy trong máu trên cốc giấy, chai nhựa và thịt hộp. Đồng thời, một số cư dân mạng còn đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu trên cả búp bê của họ.
Trên thực tế về mặt khoa học, không khó để giải thích sự việc kỳ lạ này. Các phép đo nhịp tim và nồng độ oxy được thực hiện dựa vào tín hiệu quang học được thu thập bởi cảm biến quang học trên thiết bị. Sự dao động và thay đổi của tín hiệu quang học và các đặc điểm liên quan là cơ sở để các phép đo được thực hiện.
Trong lĩnh vực y tế, thiết bị đo nồng độ oxy thường có dạng một thiết bị kẹp trên ngón tay, ngón chân hoặc thậm chí trên vành tai. Đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Còn trên các thiết bị đeo, cảm biến đo thể tích oxy dựa trên cách ánh sáng đi qua da trên tay của người đeo và truyền dữ liệu đến màn hình thiết bị. Dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho người dùng biết mức phần trăm oxy trong máu.
Mặc dù nguyên lý hoạt động không phức tạp, nhưng tại sao đồng hồ Huawei lại đo được lượng oxy trong máu và nhịp tim cho nhiều vật thể không có sự sống.
Phản hồi vấn đề này, bộ phận dịch vụ khách hàng của Huawei cho biết “có một xác suất rất nhỏ là thiết bị sẽ bị đánh giá sai từ tín hiệu của cơ thể con người”, dẫn đến việc tính toán giá trị oxy trong máu của các vật thể.
Một số người đồng thuận với quan điểm này. Họ cho biết có thể đo nhịp tim của gỗ từ đồng hồ thông minh của hãng Garmin. Hay một người tự nhận là bác sĩ vật lý trị liệu nói rằng điều đó cũng giống như việc lấy máy đi đo huyết áp của ống xả của máy giặt, và các thông số cũng có thể hiện ra.
Đại diện bộ phận dịch vụ khách hàng của Huawei cũng cho biết: "Kết quả đo nồng độ oxy trong máu chỉ mang tính tham khảo và không thể được sử dụng cho mục đích chẩn đoán và y tế."
Các chuyên gia cũng nói rằng nên sử dụng máy đo chuyên nghiệp vì kết quả của đồng hồ thông minh không nhất thiết phải chính xác.
"So với đồng hồ thông minh và vòng đeo tay thông minh, tôi vẫn khuyên dùng máy đo SpO2 chuyên dụng, vì độ chính xác và dễ kiểm soát hơn, sử dụng thuận tiện hơn và thậm chí nó cũng rẻ hơn đồng hồ thông minh", một cư dân mạng cho biết.
Tham khảo Sina, iFeng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất