12/12/2023 11:35 GMT+7 | Văn hoá
Sáng nay, 12/12, lễ kỷ niệm 45 năm thành lập khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là cái nôi đào tạo nên những bậc thầy đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam.
Năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật của trường được thành lập trong bối cảnh các thiết chế mỹ thuật ở Việt Nam bắt đầu được thiết lập lại để tạo nên một sự định hình mới cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong tình hình mới.
Bắt đầu từ sự gây dựng của thầy Nguyễn Trân - vị trưởng khoa đầu tiên - với tên khoa là Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Cho đến năm 2010, khoa được đổi tên là Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật và cũng có những thay đổi đáng kể trong chương trình đào tạo, để cập nhật những kiến thức mới. Bên cạnh các môn học có tính truyền thống như các môn lịch sử mỹ thuật, lý luận mỹ thuật, mỹ học, nhiều năm nay chương trình đào tạo của khoa được bổ sung các môn học mới như curator, nhiếp ảnh, nghiệp vụ báo chí… để bắt kịp sự phát triển của thị trường nghệ thuật đương đại.
Sau 45 năm phát triển, đến nay khoa đã đào tạo được 22 khóa.
Kỷ niệm 45 năm thành lập, thầy trò các thế hệ của khoa có 2 hoạt động chính: Xuất bản cuốn sách Những giác độ nghiên cứu mỹ thuật - tập hợp những bài nghiên cứu của các cựu sinh viên giảng viên của khoa trong khoảng thời gian 5 năm gần đây nhất - và trưng bày triển lãm Đồng hành.
Triển lãm Đồng hành cũng khai mạc vào sáng nay, 12/12, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày 59 tác phẩm mỹ thuật của 35 tác giả là những thế hệ giảng viên, sinh viên đã và đang giảng dạy và học tập tại khoa. Trong số này có tác phẩm của những người thầy đã gắn bó với khoa từ những ngày đầu tiên thành lập và cũng có tác phẩm tới từ các sinh viên vừa mới bắt đầu hành trình năm thứ nhất, thứ 2 đại học.Triển lãm là sự gặp gỡ tạo nên mối liên kết thú vị giữa các thế hệ thầy và trò của khoa.
Ra mắt sách tổng hợp nghiên cứu và triển lãm mỹ thuật là 2 mặt song hành của người làm công tác phê bình. Tư duy nghiên cứu không thể tách rời với sáng tác. Đây là nỗ lực của những thế hệ làm nghiên cứu, lý luận mỹ thuật - một công việc để làm tốt đòi hỏi phải nỗ lực gấp đôi trong cả 2 vai mà họ đảm nhận. Sáng tác làm cho nghiên cứu sâu sắc hơn và nghiên cứu cũng làm cho các sáng tạo nghệ thuật đầy đặn hơn, nhiều nội hàm hơn. Những bài viết trong cuốn sách và các tác phẩm trong triển lãm còn thể hiện nhiều trăn trở của các thế hệ thầy và trò. Có thể nói triển lãm Đồng hành chính là một thông điệp, gửi gắm những tâm tư của họ tới công chúng yêu nghệ thuật.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất