21/06/2012 13:27 GMT+7 | Bảng A
Do việc lựa chọn đội làm chủ nhà EURO ít nhiều mang tính “mặt trận”, những ứng viên thắng cuộc đôi khi không phải là những đội bóng thực sự đủ bản lĩnh và lực lượng để tranh tài ở sân chơi lớn nhất châu lục, cũng thường được coi là giải đấu chất lượng nhất thế giới vì sự đồng đều giữa các đội tham gia.
EURO 2012 trở thành kỳ EURO thứ hai liên tiếp và kỳ giải lớn thứ ba liên tiếp (cùng với World Cup 2010) mà các đội chủ nhà không vượt qua được vòng bảng. 4 năm về trước, Áo và Thụy Sĩ cũng chỉ sau 2 lượt là coi như đã bị loại. Thụy Sĩ thua 2 trận liền trước Czech và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi vớt vát một chiến thắng trước BĐN, đội đã giành quyền đi tiếp. Trong khi đó, Áo thậm chí không có nổi một chiến thắng, chỉ ghi được 1 bàn và bị loại trong một bảng đấu có mặt Ba Lan, Croatia và Đức.
Hai đội đồng chủ nhà bị loại sớm ở EURO 2012- Ảnh Internet
Còn năm nay, Ba Lan có lẽ là đội gây thất vọng hơn trong 2 đội chủ nhà. Họ bắt được lá thăm tương đối dễ chịu và có cơ hội rõ ràng đi tiếp, nhưng rồi để tuột chiến thắng trong ngày khai mạc trước Hy Lạp trước khi gục ngã trước Czech ở trận cuối cùng rồi phải xếp bét bảng đấu của mình, cũng không giành nổi một chiến thắng nào. Với lực lượng hết sức khiêm tốn, phụ thuộc nhiều vào bộ ba đang khoác áo đội đương kim vô địch Bundesliga Borussia Dortmund, Lukasz Piszczek, Jakub Blaszczykowski và Robert Lewandowski, Ba Lan đã không vượt qua nổi bảng đấu được coi là ít thách thức nhất của EURO. Họ đã chơi không tệ và từng khiến các CĐV nhà hy vọng rất nhiều, nhưng rốt vẫn thiếu sự sắc bén và bản lĩnh cần thiết để đi xa hơn vòng bảng.
Ukraina ở vào một bảng đấu khó hơn, với Pháp, Anh và Thụy Điển. Mặc dù đã làm rất tốt ở trận ra mắt với chiến thắng có thể coi là bất ngờ trước đối thủ Bắc Âu, đội bóng của HLV Oleg Blokhin thực ra không có đủ sức bền để theo đuổi một chiến dịch dài hơi. Hàng công già cỗi với ba cầu thủ đều đã trên 30 tuổi, Andriy Shevchenko (35), Andrey Voronin (32) và Sergey Nazarenko (32) không thể là của một đội bóng muốn vào tứ kết EURO. Sự hụt hơi thấy rõ ở trận thua Pháp 0-2 và những người vào thay không hoàn thành nhiệm vụ trong trận cuối gặp Anh đã chính thức khiến đội chủ nhà thứ hai phải chia tay giải đấu.
Lực kém, thiếu cọ xát
Thêm vào việc thực lực đã không đủ mạnh, hai đội chủ nhà còn chịu bất lợi khi chỉ có thể chơi những trận giao hữu để định hình danh sách cho EURO. Tất cả các HLV trải qua vòng loại đều biết rõ những cầu thủ họ có trong tay không chỉ về vị trí và lối chơi mà cả về tính cách, bản lĩnh và khả năng ứng phó trong những tình huống khó khăn. Blokhin và Franciszek Smuda không có được may mắn đó. Vấn đề càng trở nên trầm trọng với hai HLV này khi giống với hầu hết các đội bóng Đông Âu chịu ảnh hưởng phong cách Nga, bản lĩnh thi đấu và sự ổn định tâm lý là vấn đề lớn với cả Ba Lan và Ukraina.
Điều đó góp phần giải thích tại sao với cả hai, những trận đấu của họ cứ đuối dần và rồi kết thúc vòng bảng theo đúng như kịch bản đã được dự báo: bị loại. Nguồn cảm hứng mà Ba Lan tạo ra được ở trận hòa trên thế thắng trước Hy Lạp, hay những hy vọng từ cú đúp của tượng đài Shevchenko vào lưới Thụy Điển cho Ukraina đã nhanh chóng tàn lụi sau các thử thách đích thực đầu tiên, để rồi trận cuối cùng của cả hai là sự buông xuôi không tránh khỏi.
Tham vọng là một vấn đề khác với hai đội bóng của Smuda và Blokhin. Nếu phải tham dự vòng loại, nơi Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Romania và nhiều tên tuổi khác về mặt lực lượng không hề yếu hơn Ba Lan và Ukraina đã rớt đài, hai đội chủ nhà EURO 2012 chưa chắc đã vượt qua được. Tuy nhiên bù lại, nếu phải tham dự vòng loại, có thể họ đã không thiếu quyết tâm đến thế, dù được chơi bóng trước các khán giả nhà.
4 năm nữa, khi EURO 2016 được tổ chức ở Pháp, đó mới là lúc có thể hy vọng hơn về nước chủ nhà của giải vô địch châu Âu.
HẢI MINH
Bi kịch chủ nhà tái hiện ở EURO 2020? Hiện giờ có ba đối thủ đang cạnh tranh giành quyền đăng cai EURO 2020. Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên đầu tiên khi chính thức nộp đơn vào tháng 3/2012 và sẽ là lựa chọn tốt nhất về mặt chuyên môn. Hai ứng viên còn lại là những liên danh các nước cũng có nguy cơ phải chia tay giải từ vòng bảng, bao gồm bộ ba thuộc quần đảo Anh: Ireland, Scotland và Wales cùng liên danh Đông Âu Gruzia - Azerbaijan. LĐBĐ châu Âu sẽ tuyên bố nước chủ nhà vào cuối năm 2013 hoặc đầu 2014. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất