'Đồng bộ' biển quảng cáo: Ý tưởng đúng, thực hiện sai?

14/05/2016 07:25 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Không khó để nhìn ra những nhược điểm trong việc “mặc đồng phục” cho các biển quảng cáo tại phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Nhưng nếu cách làm này chưa phù hợp, sự nhếch nhác, lộn xộn trong hệ thống biển quảng cáo của Thành phố cần được khắc phục theo cách nào?

Sự quan tâm của dư luận bắt đầu sau khi việc mở rộng và chỉnh trang phố Lê Trọng Tấn được hoàn thành vào 7/5.  Hơn 150 biển hiệu mới đều “răm rắp” có chiều cao 1,1 mét, đặt ở vị trí khoảng 3,2 mét so với mặt đất, đều sử dụng gam màu xanh hoặc đỏ, cỡ chữ tương đối giống nhau và không dùng hình ảnh quảng cáo.

Áp theo “chuẩn” thành ra rập khuôn

Những ý kiến phản đối nhắc tới việc cách bố trí này gây cảm giác nghèo nàn, đơn điệu cho tuyến phố và đặc biệt là ảnh hưởng lớn tới nhu cầu quảng cáo đa dạng của người dân. KTS Lại Thành Tín, (giải nhất cuộc thi Đánh thức không gian năm 2009 do báo Thể thao & Văn hóa và Hội đồng Anh tổ chức), đồng tình với quan điểm này.

“Về góc độ thương hiệu, các vấn đề như màu sắc, trang trí, chất liệu… đều phụ thuộc vào nội hàm của sản phẩm, cũng như ý tưởng của người bán. Áp đặt chung một mẫu biển là vô lý” – anh nói. “Về góc độ kiến trúc, cách tiếp cận theo kiểu ngang bằng sổ thẳng như vậy làm tuyến phố thiếu điểm nhấn và nhàn nhạt, vô hồn”.


Một số biển hiệu 'đồng phục' trên phố Lê Trọng Tấn

Từ góc độ một KTS, Tín khẳng định: những vấn đề về quy hoạch khoảng lùi, cây xanh, bồn hoa… được làm rất tốt trên tuyến phố mới này. Đáng tiếc, tư duy cứng nhắc về hệ thống biển quảng cáo lại làm hỏng ý tưởng tạo ra một tuyến phố kiểu mẫu về sự khang trang hiện đại.

“Tôi hoàn toàn tán thành việc quy hoạch và đặt ra yêu cầu thẩm mỹ với hệ thống biển quảng cáo, khi mà rất nhiều con phố của chúng ta rơi vào sự nhếch nhác, xô bồ vì nó” – anh nói thêm. “Sai lầm là ở chỗ: trước “ma trận” ấy, phía quản lý không đi vào nghiên cứu cụ thể từng góc phố, từng loại biển hiệu riêng mà chọn cách làm dễ nhất là áp luôn một “chuẩn” của mình”.

Tương tự, theo TS-KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó chủ tịch Hội KTS VN), ý tưởng “đồng bộ” các bảng hiệu đã bỏ qua một vấn đề cơ bản: sự phụ thuộc vào ngôn ngữ kiến trúc của tuyến phố.

“Biển quảng cáo xét cho cùng cũng là một loại hình kiến trúc nhỏ của không gian công cộng. Không thể có một con phố mà đoạn không gian nào cũng giống hệt đoạn không gian nào” - TS Thông nói - “Sự hài hòa, hợp lý của không gian chung phải được tạo thành từ nhiều yếu tố, chứ không thể rập khuôn”.

“Sạch” trước, “đẹp” sau?

Với phân tích của mình, KTS Lại Thành Tín cho rằng “ưu điểm” có thể tạm nhìn thấy ở hệ thống biển hiệu này là sự hợp lý về kích thước. Tuy nhiên, trong trường hợp muốn nhân rộng ưu điểm ấy, phía quản lý lại cần tính tới điều kiện của từng tuyến phố khác nhau,thay vì tiếp tục “áp đặt” một lần nữa các thông số cho chiều dài, chiều rộng.

“Có nghĩa, chúng ta phải làm như các nước phát triển: khảo sát kỹ từng ô phố. Rồi tùy vào đặc điểm kiến trúc từng nơi, các yêu cầu  khác nhau sẽ được đưa ra, để biển quảng cáo chỉ được chiếm bao nhiêu phần trăm diện tích mặt tiền, cao bao nhiêu so với độ rộng của mặt đường”- KTS Tín nói - “Còn lại, nếu có thể, các dạng biển hiệu tạm bợ, chắn tầm nhìn như biển bạt, biển dây treo… nên được nghiên cứu dẹp bỏ dần.”

Tuy nhiên, trao đổi với Thể thao &Văn hóa, họa sĩ Doãn Sơn (từng nhận giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2008) cho rằng việc dẹp bỏ các biển quảng cáo thiếu thẩm mỹ tại Hà Nội cũng đã là một bài toán khó khả thi.

Theo nhận xét của họa sĩ này,  có thể tạm quy các loại biển hiệu hiện nay về 2 dạng.Những cửa hàng bình dân, ít có điều kiện kinh tế, thường dùng biển chữ to, in đậm, giống như “quát” vào mặt khách hàng.

Những cửa hàng sang trọng, dành cho người có thu nhập khá thì thiên về màu sắc trang nhã, giản dị và thanh lịch. Thế nhưng, không giống với các nước phương Tây, hệ thống cửa hàng tại Hà Nội thường không chia thành các khu phố sang trọng hay bình dân, mà luôn có xu hướng đan xen theo kiểu “xôi đỗ” với nhau.

“Điều kiện kinh tế, cũng như ý thức về thương hiệu của chúng ta khá đặc biệt. Do đó, cũng khó yêu cầu những biển hiệu tại các quầy hàng quanh bến tàu, bến xe phải tuân theo những yêu cầu đặc thù”- họa sĩ Doãn Sơn nói. “Có lẽ, chúng ta hãy cứ tạm chấp nhận thực tế ấy, như một minh chứng cho sự đa dạng của cuộc sống. Còn trước mắt, việc giữ  vệ sinh, đảm bảo sự sạch sẽ, trật tự trên các hè phố là câu chuyện cần được chú tâm hơn”.

Việc quy hoạch hệ thống biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn được triển khai thí điểm sau tình trạng lộn xộn trong hoạt động quảng cáo tại Hà Nội. Toàn bộ số biển mới này được dự án lắp đặt miễn phí cho các cửa hàng.

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân và Sở VH-TT Hà Nội, vì đang trong quá trình thí điểm, phía dự án vẫn tiếp tục lấy ý kiến của người dân và chuyên gia để có những điều chỉnh nếu cần thiết.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm