"Đờn ca tài tử" trước giờ G

29/03/2011 10:55 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Ngày 31/3 sẽ là hạn cuối cùng để gửi hồ sơ đề cử các di sản thế giới tới UNESCO. Hiện tại, hồ sơ quốc gia Nghệ thuật đờn ca tài tử do Viện Âm nhạc VN chủ trì xây dựng đang chờ được Chính phủ phê duyệt.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc VN.

Ông Lê Toàn

* Thưa ông, được biết nếu để tới sau thời hạn ngày 31/3, các hồ sơ đề cử di sản thế giới do UNESCO công nhận sẽ phải chờ thêm một năm nữa?

- Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ phê duyệt trước ngày 31/3. Chắc chắn đờn ca tài tử sẽ được trình UNESCO đúng thời hạn, “tranh cử” danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

* Để hoàn thành bộ hồ sơ này hẳn tốn nhiều công sức?

- Đây là hợp lực của cả cộng đồng chứ không riêng gì Viện Âm nhạc. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân hát ca sau những giờ lao động. Tuy nhiên, do địa bàn hoạt động của môn nghệ thuật này khá rộng, khắp 21 tỉnh thành Nam bộ và được cộng đồng tham gia rất tích cực, cho nên quá trình thu thập tư liệu khá vất vả. Hơn nữa, thời gian gấp rút, chỉ trong vòng mấy tháng phải hoàn thành hồ sơ, mà phải sưu tầm đầy đủ mới đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, chúng tôi nhận thấy rằng đờn ca tài tử rất đa dạng và tồn tại rất mạnh trong cộng đồng chứ không phải là dạng cần bảo vệ khẩn cấp như ca trù. Đờn ca tài tử là đại diện tiêu biểu của văn hóa Nam bộ, có sức sống riêng và đang được cả cộng đồng bảo tồn, gìn giữ...

* Với sức sống mãnh liệt thế, đờn ca tài tử phải hội tụ đầy đủ yếu tố trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

- Qua quá trình điều tra ở 21 tỉnh, thành có đờn ca tài tử, chúng tôi bước đầu thống kê được 2.019 CLB đờn ca tài tử với 22.643 thành viên. Điển hình như ở Bến Tre có đến 230 nhóm, đội, CLB đờn ca tài tử, 1.772 nghệ nhân đang sinh hoạt, trong đó có 961 nghệ nhân hoạt động từ sau năm 1975 đến nay.




Sinh hoạt đờn ca tài tử tại Nam Bộ

Đờn ca tài tử mới chỉ định hình trên dưới 100 năm, nhưng đã gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của người dân 21 tỉnh, thành Nam bộ, được ví như “hơi thở” âm nhạc dân tộc ở miền Nam. Hơn thế, nó được người dân từ đời này sang đời khác lưu truyền, phát triển rộng rãi trong một không gian văn hóa rất đặc thù, đó là nhà, sân, vườn... của nhà dân chứ không phải sân khấu.

Ngoài ra, sự lan tỏa của môn nghệ thuật này cũng được thể hiện rất rõ bởi không chỉ có người Kinh mà các dân tộc anh em như Chăm, Khmer... đều tham gia sinh hoạt, biểu diễn đờn ca tài tử.

* Trong quá trình sưu tầm, có dấu hiệu nào cho thấy đờn ca tài tử đã bị lai căng, pha trộn, biến đổi nhiều?

- Không phải là lai căng mà nó tự hình thành nên được phong cách ngẫu hứng, tài tử. Có người hiểu lầm chữ “tài tử” là “a-ma-tơ” theo kiểu không chuyên nghiệp. Không phải thế, mà nó vẫn có những nguyên tắc bản tổ và bắt buộc phải theo. Từ các bài bản tổ này, người ta được quyền ngẫu hứng sáng tạo và theo thời gian tạo thành những dị bản, tạo ra các phong cách từng vùng, từng miền, từng tỉnh, từng nhóm, từng CLB khác nhau, đa dạng và sáng tạo. Đờn ca tài tử có tính phổ cập, mọi người mọi đối tượng đều thích, vì nó kế thừa đươc âm nhạc cung đình, nhạc lễ, dân gian, dân ca... Mặt khác, nó cũng kế thừa, tiếp thu những tinh hoa các vùng văn hóa khác như âm nhạc châu Âu. Những loại nhạc cụ được dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử hiện nay có cả đàn guitar, đàn violon... đã được Việt hóa.

Nói cách khác, đờn ca tài tử vừa kế thừa được truyền thống văn hóa âm nhạc cổ truyền của người Việt nhiều thế kỷ trước, đồng thời lại hội tụ được những yếu tố mới của vùng đất mới...

* Xin cảm ơn ông!

Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm