(TT&VH cuối tuần) - Với bốn trận còn lại ở bảng bảy vòng loại World Cup 2010 khu vực châu Âu diễn ra từ nay cho đến giữa tháng Mười, Raymond Domenech còn rất ít cơ hội để có thể sửa sai. Cách biệt năm điểm và đá ít hơn một trận so với đội đầu bảng Serbia chưa phải là thảm họa, nhưng con đường phía trước của đội tuyển Pháp cần nhiều những lời giải đáp thuyết phục hơn từ “Gã bảo thủ”.
Sức ép của dư luận đang trở nên ngày một lớn, và việc Domenech vẫn tỏ ra bình thản trước sự quay lưng của chính giới hâm mộ Pháp có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, ông là một con người kiên định và sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức để đi đến thành công. Thứ hai, Domenech đang bất lực trước sự trì trệ của đội tuyển Pháp hiện tại, nhưng vẫn cứng đầu và tất nhiên, không “nỡ” từ chức để mà đánh mất số tiền lương còn lại trong bản hợp đồng kéo dài đến sau World Cup 2010. Thật đáng tiếc, tất cả những gì mà ông lẫn đội bóng của mình thể hiện kể từ sau thành công ở World Cup 2006 (Pháp đoạt ngôi á quân) đang dẫn mọi nghi vấn về khả năng thứ hai hơn.
Ông đang nghĩ gì, Domenech?
Tuy nhiên, cũng sẽ không công bằng cho lắm nếu cho rằng Domenech hoàn toàn chẳng có tài cán gì, bởi một kẻ bất tài hẳn không thể đưa Pháp vào tới trận chung kết World Cup 2006 sau khi “bước qua xác” những địch thủ sừng sỏ như Tây Ban Nha, Brazil... Sự sa sút của “Les Bleus” có nguyên nhân một phần từ việc họ phải chịu một giai đoạn quá độ, khi thế hệ dẫn đường bao gồm Zinedine Zidane, Claude Makelele hay Patrick Vieira lần lượt không thể tiếp tục đóng góp cho đội tuyển nữa vì những lý do khác nhau. Ban đầu là những khoảng trống về mặt chuyên môn, khi Domenech khó mà tìm ra được một bộ khung mới lập tức đáp ứng được chất lượng của đội hình cũ. Về sau, Pháp còn bộc lộ thêm sự thiếu vắng tiếng nói của một thủ lĩnh khi đội bóng lâm vào tình cảnh khó khăn. Thierry Henry, người còn sót lại của thế hệ vàng vô địch cả World Cup 1998 và EURO 2000, đã sa sút đi nhiều và trên thực tế, cá tính của anh cũng không đủ mạnh để có thể dẫn đầu binh đoàn “Les Bleus”.
Vì vậy, Domenech cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trước một đội ngũ thừa tài năng, nhưng lại chưa thể đi vào sự ổn định. Nếu nhìn nhận tích cực, sự trơ lỳ với những phản ứng gay gắt từ dư luận hiện tại của ông có thể coi là biểu hiện cần có trong bối cảnh Pháp đang đối diện với nhiều vấn đề về cả mặt chuyên môn lẫn niềm tin. Tuy nhiên, không thể không phê phán những dấu ấn chiến thuật quá mờ nhạt của Domenech. Trận thắng chật vật trước Faroe tiếp tục phơi bày một lối đá nghèo nàn về ý tưởng và thiếu đi chất lửa. Bàn thắng duy nhất chỉ đến từ một nỗ lực cá nhân phi thường của Andre-Pierre Gignac, bên cạnh vô số những pha tấn công nghèo nàn chẳng hề có mảng miếng chiến thuật và sự khoa học nào hết trong lối chơi. Đó là trách nhiệm của Domenech.
Những “tấm khiên” bao bọc quanh chiếc ghế của vị HLV có chút đồng bóng ấy (Domenech từng chọn cầu thủ theo... sao chiếu mệnh) cũng đang lần lượt đổ xuống. Thái độ hằm hằm của Chủ tịch liên đoàn bóng đá Pháp Jean - Pierre Escalettes sau trận “thắng mà như thua” trước Faroe nói lên điều gì? Rằng đã đến lúc người bạn chí cốt của Domenech cũng cảm thấy hết kiên nhẫn khi chứng kiến lối đá vô hồn và thiếu bản sắc của “Les Bleus” hiện tại. Các cổ động viên thì đã quay lưng với “Gã bảo thủ” từ lâu rồi, khi những tiếng huýt sáo phản đối từ khắp các khán đài ở chính Stade de France vẫn cất vang đều đặn mỗi khi Pháp đá trên sân nhà (trận sắp tới gặp Romania cũng vậy). Bên ngoài sân cỏ, việc L’Equipe tổ chức hẳn một cuộc “hội thảo” trưng cầu ý kiến của 25 cựu cầu thủ có “máu mặt” trong làng bóng đá Pháp với chủ đề “Ai xứng đáng là số 9 của Les Bleus?” giống như một tuyên bố: “Thưa Domenech, nếu ngài không thể sáng suốt hơn trong lựa chọn nhân sự, chúng tôi sẽ làm hộ”.
Chiếc ghế của ông đã được cứu vãn hết lần này qua lần khác bởi những trận thắng in đậm dấu ấn cá nhân của các cầu thủ. Trước chính Romania, Pháp thoát thua trận thứ hai liên tiếp ở bảng bảy (họ ra quân thất bại 1-3 trước Áo) bằng cú đá xuất thần từ 40m của Yoann Gourcuff vào những phút cuối cân bằng tỉ số 2-2. Trước đối thủ tí hon Lithuania, họ phải trông chờ vào sự tỏa sáng của một mình Franck Ribery để giành hai trận thắng nhọc nhằn 1-0 (anh ghi cả hai bàn). Trước Faroe, đến lượt “tân binh” Gignac ghi bàn thắng quyết định từ một nỗ lực tuyệt vời.
Và đến bao giờ thì tự ông sẽ trả lời những câu hỏi về những màn trình diễn kém thuyết phục ấy, mà không cần dựa dẫm vào ai cả?
Những vấn đề của tuyển Pháp
Về nhân sự: Pháp thiếu một người đá cặp với William Gallas ở trung tâm hàng thủ, khi Phillippe Mexes thường chơi tồi mỗi khi đá cho đội tuyển, còn Sebastian Squillaci hay Julien Escude thiếu đi đẳng cấp cần thiết để che chắn cho “Les Bleus”. Domenech cũng cần xác định rõ bộ đôi tiền vệ trụ, bởi vị trí ấy cần được duy trì ổn định trong nhiều trận. Trên hàng công, việc lựa chọn một “số 9” trong hệ thống 4-2-3-1 trong những cái tên Gignac, Karim Benzema, Nicolas Anelka... là không đơn giản (dư luận chọn... Gignac)
Về chiến thuật: Hệ thống 4-2-3-1 phát huy tốt nhất khả năng của Yoann Gourcuff, người chơi ở vị trí hộ công ngay sau tiền đạo duy nhất, nhưng lại “hoang phí” nhân lực dồi dào trên hàng cồng hiện tại. Thật khó mà nghĩ đến viễn cảnh vua phá lưới Premier League mùa vừa qua là Anelka lẫn Benzema, người vừa được Real Madrid mua về, đều phải ngồi dự bị, nếu Gignac thật sư được tin tưởng.
Về lối chơi: Pháp cần định hình rõ rệt và điều chỉnh lối đá hoặc tấn công, hoặc phòng ngự theo diễn biến trận đấu một cách mạch lạc hơn, chứ không phải đá kiểu "tự tung tự tác" như hiện tại. |
Phạm An