Phạm Duy giữa Tục ca và Thiền ca

30/01/2013 09:44 GMT+7 | Âm nhạc

''Có lẽ ông là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đi vào rất nhiều tần số rung động của cuộc đời. Sự đóng góp của ông với đất nước rồi sau chúng ta còn bàn rất nhiều”- nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận định về Phạm Duy và đặc sản Tục ca.



Nhạc sĩ Phạm Duy ở Huế, 2012. Ảnh: Thanh Tùng.

* Anh đánh giá thế nào về hai mảng sáng tác khá đối lập nhau của Phạm Duy là Tục ca và Thiền ca?

- Ông Duy nhìn đời sống có dải tần rất rộng, chỗ nào cũng đi tới cùng. Thiền ca là phía con người bay lên siêu thoát. Tục ca cũng là một phía của con người để sống trong đời sống này. Phạm Duy lại có Đạo ca gần như trung dung giữa Thiền ca và Tục ca.

Vừa rồi Bộ VHTT&DL cho phép hát tiếp một số bài Đạo ca, tôi thấy rất tốt.

Việc nghiên cứu về ông phải có thời gian rất dài. Tôi cho rằng ông hết sức cố gắng để nói được cả phía chúng ta nhìn thấy và phía trùm lấp. Hai phía chưa chắc cái nào “cao” hơn cái nào.

* Nhưng Phạm Duy có vẻ hơi tham về số lượng. Một số bài của ông có cảm giác như là phổ nhạc vào lời?

- Cái đấy do quan niệm thôi, khi người sáng tác không biết cái nào là ca khúc, cái nào là hát thơ. Nhưng cách viết của Phạm Duy vẫn có một xương sống rất quan trọng. Ông luôn lấy cái gốc là âm hưởng dân ca. Cho nên dù ở kiểu nào, và có bài người này thích, người kia thích, thì cái phần cứng vẫn rất quan trọng. Phần cứng ấy không thể nhạc sĩ nào cũng có thể tu luyện được đâu. Tu luyện cũng là một phần thôi.Vấn đề thứ hai là tài năng. Chứ còn ông ấy sáng tác hàng nghìn bài như thế thì làm sao mà bài nào cũng để cho chúng ta nhớ được! Chỉ biết Phạm Duy là người lao động đến cùng.

Lúc đầu giải phóng miền Nam, bọn mình là lính thì cũng chỉ nghe Phạm Duy qua băng A-kai. Chứ đâu đã có ai cho phép. Thì cái Tục ca cũng thế thôi.

Bằng sự đi tới hòa giải dân tộc, chúng ta càng ngày càng có sự nghiền ngẫm lại và càng ngày chúng ta càng phải tổ chức những cuộc đối thoại để thẩm định cái này một cách cẩn thận hơn.

Ví dụ trước 2012, chưa bao giờ có chuyện thẩm định những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Nhưng 2012 thì bắt đầu có sự thẩm định. Thì chúng ta phải chờ đợi thôi. Để tạo ra một mối hàn đẹp. Việc này không quy trách nhiệm về ai cả. Vấn đề phải có thời gian. Vỡ ra cũng phải có thời gian và liền lại cần một thời gian khác.

* Thậm chí Tục ca còn khó để ra mắt công khai hơn những ca khúc được coi là không hợp thời về mặt chính trị chẳng hạn?

- Đúng rồi. Chỉ khi nào người Việt Nam cởi bỏ hết đạo Khổng đi. Bây giờ chúng ta vẫn bị ám ảnh nghìn đời về đạo Khổng thì rất khó trong vấn đề này.

Ngay cả những người ở nước ngoài đâu phải ai cũng biết hết về Phạm Duy cũng như Trịnh Công Sơn. Họ vẫn có những thắc mắc rất là bề ngoài, thì đó là trách nhiệm của người nghiên cứu. Nói tóm lại cuối cùng nó vẫn là gia tài của dân tộc mình. Mình phải nghiên cứu.

Hiện nay riêng về Phạm Duy, tôi vẫn tập trung nghiên cứu, để thấy đóng góp đầu đời của ông đối với cách mạng. Vì Phạm Duy là sản phẩm của Cách mạng tháng Tám. Còn sau đó, sự biến chuyển trong tư duy và sự lựa chọn của ông là chuyện khác. Nhưng không có Cách mạng tháng Tám thì không thể nào tạo ra được một nhạc sĩ như Phạm Duy. Ông đầu tiên chỉ là người viết Cô hái mơ. Nhờ Cách mạng tháng Tám, nhờ tham gia Nam tiến, ông viết Xuất quân rồi những cái khác, tự nhiên nó bừng lên. Có thể nói đấy là giai đoạn rất quan trọng. Tôi cố gắng để cho mọi người biết chân dung của ông từ 1945 đến 1950. Những phần khác mình nghe để biết thế thôi chứ chưa có điều kiện đi vào.

* Hình như sự đón nhận âm nhạc của Phạm Duy có hai thái cực. Có người rất sùng mộ, có người lại không thích?

- Đương nhiên. Chẳng có ai là tất cả đều công nhận. Điều đấy rất hiếm. Đất nước này chỉ có thống nhất là khi hát Quốc ca thì phải là bài của Văn Cao. Câu chuyện rất bình thường của thẩm mỹ và cảm nhận.

* Nhưng có cảm giác sự phân hóa trong cảm nhận với nhạc Phạm Duy rộng hơn?

- Tất nhiên, vì ông Duy viết rộng quá. Và cái lao động của ông là cho sự tiêu hóa của đời sống cũng khó khăn đấy. Tức là ông ấy cứ bày ra những món ăn sẵn như thế và đời sống vẫn chưa thể tiêu hóa hết được. Thì đấy là việc của từng người. Có người chỉ làm mỗi món đặc sản thôi.

* Anh có nhiều thời gian nói chuyện sâu sắc với Phạm Duy?

- Trong 12 năm qua có rất nhiều câu chuyện. Có những cuộc tranh luận cũng đến cùng đấy. Nhưng hãy cứ để cho đợt sóng trào đi, có một lúc nào đó chìm xuống tận đáy để nhận ra một chiều sâu nào đó thì là lúc khác. Vài ba ngày sau khi ông mất thì bao giờ đợt sóng cũng trào lên. Thì hãy cứ để cho nó trào lên. Còn sự nghiệp của ông rất dài, sẽ có lúc bàn kỹ.

* Lần đầu tiên gặp Phạm Duy qua âm nhạc để lại cho anh ấn tượng như thế nào?

- Tại sao tôi là người Hà Nội duy nhất lên đón Phạm Duy khi ông về nước lần đầu tiên ở sân bay Nội Bài? Vì tôi bị ám ảnh câu Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời từ khi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy đấy là một giai điệu hay thôi. Càng sống càng hiểu tại sao lúc ấy ông lại viết được những câu hay như thế cách đây tròn 60 năm. Trong bài hát có câu “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, tôi nghiệm ra cuộc đời Phạm Duy đúng là như vậy.

* Anh còn rủ bạn bè nào đi đón Phạm Duy?

- Không ai đi cả. Có thể là mình vô duyên, không rủ được. Có một người đi cùng là ông Hoàng Kỳ đi đón với tư cách là con (trai trưởng) của ông Hoàng Cầm. Ông Duy và ông Cầm là cặp bài trùng trong những năm đầu kháng chiến mà. Trước khi Phạm Duy về nước, ông cũng có viết cho mình nhiều lá thư. Mình rất chia sẻ với những khắc khoải của ông ấy thì mình lên mình đón thôi.

Theo Nguyễn Mạnh Hà

Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm