Đội tuyển Việt Nam và cuộc 'khủng hoảng' niềm tin

26/01/2024 10:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

Đội tuyển Việt Nam khép lại Asian Cup 2023 theo một cách tệ nhất ở khía cạnh niềm tin. Việc không vượt qua vòng đấu bảng có thể nằm trong dự báo nhưng cách cách mà đội tuyển của HLV Troussier chia  tay giải đấu hàng đầu châu lục lại dấy lên những ngờ vực về quá trình xây dựng tham vọng dự World Cup. Mà không chỉ có bóng đá, thể thao Việt Nam cũng ở trong tình trạng mà khoảng cách giữa mong muốn và thực tế quá mênh mông.

1. Việc HLV Troussier kiên định với triết lý huấn luyện cũng như nhân sự của mình là điều cần được tôn trọng. Nhưng những ý kiến không hài lòng, thậm chí thất vọng của người hâm mộ cũng như những phản biện của truyền thông hay các chuyên gia, rằng ông Troussier đã sai, cũng có những cơ sở nhất định chứ không đơn thuần là cảm xúc sau các kết quả tại Asian Cup 2023.

Ngoài 45 phút đầu tiên chơi tốt trước Nhật Bản ở trận ra quân, những con số sau đó lại gần như chứng minh các chọn lựa của HLV Troussier là không phù hợp. Thời lượng kiểm soát bóng, hay số lượng đường chuyền chính xác của đội tuyển Việt Nam trong 2 trận thua trước Indonesia và Iraq đều thua sút. Về mặt cảm quan, đó là 2 trận đấu mà Việt Nam bị đối thủ khống chế toàn bộ ý tưởng trong triển khai bóng.

Với trận gặp Indonesia, chúng ta không thể làm chủ được lối chơi trước một đối thủ chịu khó đeo bám và chơi rắn. Trận đá với Iraq, dù chỉ là đội hình dự bị, thì sự hơn hẳn về thể hình, chiều cao cũng đủ để khiến cho cơ hội thắng trận của Việt Nam gần như là con số 0. Tương tự như trận đấu tại Mỹ Đình trước đó ở vòng loại World Cup, cách biệt chỉ là một bàn thua ở phút cuối, nhưng thực ra, con đường tìm đến chiến thắng của Việt Nam là dịu vợi.

Mọi thứ trở nên nặng nề hơn với những chi tiết mang nhiều yếu tố nghiệp dư trong các thất bại. Pha kéo áo lộ liễu của trung vệ Thanh Bình trong trận đấu với Indonesia, hay chiếc thẻ đó trong tình huống tranh chấp theo kiểu "nhiệt tình thái quá" của Khuất Văn Khang, hoặc pha phạm lỗi không đúng thời điểm của Võ Minh Trọng. Dù chúng ta hay HLV Troussier có thể gọi đó là sai sót cá nhân, thì kỳ thực, đó là sản phẩm của một nền bóng đá vẫn còn những điều cần khắc phục về khía cạnh nền tảng. Việc mất niềm tin đến từ những chi tiết như thế này, chứ không hẳn từ chuyện toàn thua 3 trận ở Asian Cup.

2. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bóng đá Việt Nam không đặt tham vọng World Cup, thậm chí còn lấy mốc 2026 và 2030 để phấn đấu. Chưa bàn đến vấn đề sai – đúng của cá nhân HLV Troussier, nhưng qua màn thể hiện ở Asian Cup, thì có thể khẳng định: Không thể có chuyện cứ tìm một HLV giỏi, có đẳng cấp, là tự khắc mọi thứ tốt hơn được.

Câu chuyện thể thao: Cuộc khủng hoảng niềm tin - Ảnh 1.

Niềm tin vào đội tuyển bóng đá quốc gia đang xuống rất thấp trong nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Linh

Đó mới là vấn đề. Nếu thật sự chúng ta chỉ thiếu mỗi vị trí HLV là đạt được giấc mơ World Cup, thì dù có thiếu tiền hay khó tìm người, vẫn còn dễ giải quyết. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Cái chúng ta thiếu không hẳn là một HLV giỏi mà là một nền bóng đá có đẳng cấp, ở đó có cầu thủ, có chiến thuật, có triết lý làm bóng đá … đáp ứng được trình độ chơi bóng cấp châu lục. Nếu chỉ cần tìm một HLV giỏi, thì mất một vài năm cũng sẽ tìm ra. Nhưng nếu là cái thiếu mang tính nền tảng, thì việc đặt ra một mục tiêu trong vòng 5-7 năm, là không thể.

Đó mới chính là là điều khiến cho niềm tin rơi vào khủng khoảng lớn. Cách xây dựng đội tuyển của HLV Troussier cho dù là định hướng đúng đắn, thì cũng trở nên bất khả thi. Không thể cứ đưa cầu thủ trẻ vào những trận đấu, giải đấu chính thức để …hi vọng họ sẽ trưởng thành từ các thất bại như cách mà ông Troussier đang làm. Không thể cứ gọi tập trung các trụ cột, những người có danh phận trong làng cầu nội địa, tồi bảo họ hãy "chịu khó" ngồi dự bị, hi sinh cho mục đích lớn là "giúp" cầu thủ trẻ tiến bộ. Đó là những cuộc thử nghiệm quá sức phiêu lưu, nhiều rủi ro, nên kể cả khi có định hướng đúng thì khả năng đạt thành công là quá nhỏ. Cuộc thử thách niềm tin ấy, có thể quá sức chịu đựng của nền bóng đá vẫn còn ở tình trạng bán chuyên như Việt Nam.

3. Bóng đá, nói cho cùng, cũng chỉ là một phần trong tổng thể của một nền thể thao hiện đang đánh mất niềm tin nơi công chúng sau các sự cố mang tính "biểu tượng" gần đây ở bóng bàn, thể dục hay bóng chuyền.

Vụ lùm xùm ở môn thể dục dụng cụ là bê bối khá nghiêm trọng, bởi nó liên quan đến tiền, tư cách đạo đức của HLV, sự lỏng lẻo trong công tác giám sát, quản lý ngân sách. Tệ hơn nữa, cái cách mà sự việc diễn ra khiến người ta hình dung rằng, nó có thể xảy đến với bất kỳ môn thể thao nào do sự rập khuôn trong mô hình hoạt động của các đội tuyển, bộ môn. Niềm tin của xã hội dành cho thể thao vì thế, bị tổn thương nghiêm trọng.

Chúng ta cứ lấy ngay bóng đá làm ví dụ. Cứ nói là V-League đã phát triển, giàu tính cạnh tranh, cầu thủ chuyên nghiệp hơn, các công nghệ quốc tế được cập nhật tốt, vậy nhưng khi bước ra sân chơi châu lục thì lại mắc những sau sót rất nghiệp dư, còn thể lực và thể hình của cầu thủ thì vẫn thế, luôn ở thế thua thiệt. Hoặc chúng ta luôn tin rằng bóng đá được đầu tư tốt, hấp thụ nhiều nguồn lực xã hội, thì sẽ không còn các khoảng trống giữa những thế hệ. Nhưng thực tế cho thấy, suốt gần một năm thử nghiệm thì tuyến kế thừa của đội tuyển Việt Nam vẫn còn ở xa so với lứa cầu thủ của HLV Park Hang-seo. Phải chăng hệ thống đào tạo của chúng ta không tốt, hoặc đang không thể vận hành tốt trong môi trường mà các CLB chuyên nghiệp chủ yếu vẫn hướng đến thành tích ngắn hạn thay vì đầu tư lâu dài. 

Một lần nữa, sẽ không có gì đáng nói nếu bóng đá không tham vọng dự World Cup còn thể thao Việt Nam không đứng đầu SEA Games và đặt tầm nhìn Asiad, Olympic. Với một nền thể thao ở mức trung bình như Việt Nam, công cuộc tiến ra thế giới luôn cần có sự thúc đẩy của niềm tin để bù đắp cho những  thua kém khác, thế nên khi thực tế phô bày những "mảnh vỡ" khó hàn gắn trong ngày một, ngày hai thì thật khó để kêu gọi xã hội, người hâm mộ tin tưởng và kiên nhẫn.

Trái bóng đang nằm trong chân các nhà quản lý. Mọi tham vọng cần phải được đặt trên nền tảng chắc chắn, bền vững hơn kể cả khi chúng ta phải mất thêm thời gian để xây dựng lại. Đó không hẳn là cuộc đại cải tổ nền thể thao nói chung hay với môn thể thao số 1 là bóng đá nói riêng, mà là phải tìm cách phục hồi niềm tin trong công chúng bằng cách đừng để có thêm những khoảnh cách quá lớn giữa tầm nhìn và thực tế.


Lâm Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm