28/03/2024 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau khi VFF kết thúc hợp đồng với HLV Philippe Troussier, có rất nhiều vấn đề được đặt ra, nhưng như trong mọi trường hợp mà sự việc quá phức tạp, hệ lụy khó lường, thì việc quan trọng nhất là phải đặt ra được câu hỏi đúng.
Hỏi đúng, đi vào trọng tâm thì mới có cách giải quyết vấn đề chính xác, kịp thời. Bởi vì chúng ta có quá nhiều bài học về việc sửa cái sai này bằng một cái sai khác, khi vội vàng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi không đúng.
Câu hỏi đúng ở đây là: Ai và tại sao chọn HLV Troussier?
Hãy nhớ rằng, phương pháp huấn luyện của HLV Troussier đã có vẻ không ổn ngay từ đầu, khi ông dẫn dắt đội tuyển U23 dự Doha Cup ở Qatar. Đó là giải đấu mà chúng ta toàn thua, không ghi được bàn nào, nhưng cái chính là với triết lý kiểm soát bóng của ông Troussier, cầu thủ của chúng ta gần như không biết làm sao để tránh thủng lưới.
Người ta thấy lạ ở chỗ, khái niệm kiểm soát bóng không đồng nghĩa với việc ghi nhiều bàn hay chơi tấn công mà là để chủ động về mặt thế trận. Vậy thì không biết phòng ngự thì kiểm soát bóng kiểu gì?!
Như vậy là ngay từ đầu mọi thứ đã không ổn, và đến tận trận thua Indonesia trên sân Mỹ Đình hôm 26/3, mọi thứ chẳng có gì khác. Những nhà làm chuyên môn của VFF ở đâu trong suốt quá trình ấy, khi mà mọi thứ chẳng có thay đổi gì trong gần 400 ngày làm việc của HLV Troussier?
Cần lưu ý rằng, phòng ngự vốn là nền tảng thành công dưới thời HLV Park Hang Seo. Nghĩa là ông Troussier được thừa hưởng một ưu điểm mà chẳng cần phải tốn công xây dựng. Thế mà, ông thầy người Pháp không những không duy trì được nền tảng ấy mà còn phá hỏng nó.
Tại sao đơn vị quản lý chuyên môn khoanh tay nhìn ông Troussier làm điều đó? Đơn giản vì VFF cũng như ông Troussier đều bị "mắc kẹt" giữa điều mình muốn và những gì đang có trong tay.
Chúng ta muốn chơi kiểm soát bóng, muốn dự World Cup nhưng chúng ta không đủ nền tảng để thực hiện điều đó. Thế là tiến không xong, lùi chẳng được, trong khi đó cả Thái Lan và Indonesia đều biết rất rõ họ có gì, cần gì.
Người Thái thay HLV như thay áo, kể cả một Polking vừa mang về 2 danh hiệu AFF Cup. Còn Indonesia, họ hiểu rất rõ là với những cầu thủ nội địa hiện có thì World Cup chỉ là ảo tưởng. Họ quyết liệt dùng cầu thủ nhập tịch, kể cả khi bị chê cười.
Từ đây, dẫn đến bản chất của vấn đề: VFF chọn ông Troussier vì cho rằng đó là mảnh ghép cuối cùng cho tham vọng đoạt vé dự World Cup. Hay nói cách khác, chúng ta quá lạc quan về triển vọng trong mơ ấy.
Tất nhiên, việc dự World Cup hoàn toàn không phải là ảo tưởng, nhưng vấn đề là khi nào, cần gì thì cần có những suy nghĩ sòng phẳng, thực tế. Vì chẳng ai quan tâm đến những yếu tố đó nên mới nghĩ chỉ cần thay ông Park Hang Seo bằng một người có kinh nghiệm World Cup là xong.
Rồi cũng trên cái tư duy ấy, chẳng ai dám can thiệp vào công việc của HLV người Pháp cả. Cứ như thể chúng ta sợ phải thừa nhận việc chọn ông Troussier là không phù hợp với tình hình bóng đá Việt Nam thời "hậu Park Hang Seo".
Bởi thực tế là ban đầu, chúng ta hướng đến World Cup 2030, tức là đặt niềm tin ở thế hệ kế tiếp chứ không phải nhóm cầu thủ từng được HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Ai cũng thấy, toàn bộ hệ thống "Tháp bóng đá" vẫn như trước thời điểm mà HLV Park Hang Seo đến.
5 năm thành công của của nhà cầm quân người Hàn Quốc đã tạo ra một bầu không khí cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển, nhưng số lượng các trận đấu tuổi U vẫn vậy, số CLB hạng Nhì, hạng Nhất chỉ có giảm chứ không tăng, trong khi đó các trung tâm đào tạo chất lượng cao như HAGL hay PVF lại gần như không còn hoạt động hiệu quả.
Không ai nhấn chuông báo động trước nguy cơ đứt gãy hệ thống đào tạo tài năng.
Thế là sau khi ông Park Hang Seo chia tay, thay vì bóng đá Việt Nam cần "dừng" một khoảng thời gian, tái xây dựng lại nội lực, thì chúng ta đẩy nhanh tham vọng đó bằng cách ký hợp đồng với HLV Troussier và nói đến chuyện sẽ tìm vé ngay tại World Cup 2026. Chính thời hạn hợp đồng của ông Troussier đã cho thấy sự lạc quan quá mức ấy.
Hỏi đúng, thì sẽ trả lời đúng. Chúng ta chọn HLV Troussier vì thực tế là không biết chính xác mình đang có gì trong tay ngoài một ước vọng mà mọi người yêu bóng đá Việt Nam đều có.
Vì thế, không thể cứ phớt lờ những tồn tại chưa thể khắc phục, để rồi cứ nhắm mắt lao tới. Và bây giờ, thách thức rất lớn với VFF là làm sao có thể sửa chữa mớ bòng bong hiện tại?
XEM THÔNG TIN BÓNG ĐÁ VIỆT TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất