24/06/2008 11:39 GMT+7 | EURO 2008
(TT&VH Online) - Người TBN đã tự giải thoát mình khỏi cơn ác mộng 88 năm không thắng trước người Italia ở các giải đấu chính thức theo một cách không thể tuyệt vời hơn: Chiến thắng trên chấm 11m, trong một trận tứ kết diễn ra vào ngày 22 tháng 6.
Những chiến thắng từ penalty bao giờ cũng đượm màu may mắn, chắc chắn vậy, nhưng như một câu ngạn ngữ phương Tây rằng "may mắn chỉ dành cho những người dũng cảm", các cầu thủ TBN hoàn toàn xứng đáng với chiến thắng lịch sử này.
Không phải ngẫu nhiên mà TBN, vốn chưa bao giờ thiếu tài năng, thường xuyên gục ngã ở những thời điểm quyết định, đến mức được xem là ví dụ tiêu biểu nhất cho những đội bóng giỏi-mà-không-lớn. Tính đến trước giải đấu này, TBN chỉ mới 3 lần vượt qua được ngưỡng tứ kết, 1 ở World Cup (1950) và 2 ở EURO (1964 và 1984). Có nhiều lý do giải thích cho sự nghèo nàn về thành tích của quốc gia có nền bóng đá phát triển bậc nhất thế giới này: Kém may mắn có, mà bị trọng tài xử ép cũng có. Nhưng chung qui lại, nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự yếu kém về tinh thần, gọi thẳng là bản lĩnh kém. Vì bản lĩnh kém, người TBN chỉ có thể phát huy được hết tài năng của mình ở những trận giao hữu, vòng loại, khá hơn thì đến vòng bảng, nhưng luôn chết trong những trận cầu mang tính sống còn.
Nếu vẫn yếu bóng vía như các thế hệ cha anh, lứa cầu thủ hiện nay đã có thể tự nhận phần thua ngay từ trong... đường hầm, bởi hầu như tất cả mọi yếu tố ngoài bóng đá đều chống lại họ. Riêng cái tên Italia đã đủ khiến người TBN chết khiếp. Riêng cái dớp không qua nổi tứ kết đã có thể làm người ta nản lòng. Chưa kể, đây lại là một trận tứ kết diễn ra vào ngày 22 tháng 6, được xem là "ngày chết" với người TBN, bởi trong quá khứ, 3 lần thi đấu vào ngày này là 3 lần TBN gục ngã trên chấm 11m. Vậy mà rạng sáng qua, TBN đã phải đương đầu với cùng một lúc cả 3 "bóng ma" ấy, thử hỏi người TBN làm sao mà lạc quan cho nổi? Thầy trò Aragones làm sao mà chịu đựng cho nổi, để có thể chơi bóng với đúng khả năng của mình?
Trong trận đấu lớn nhất mà cũng có thể là cuối cùng, Aragones đã thể hiện được sự dũng cảm của mình. Không phải ai cũng dám làm cái việc mà ông đã làm trong hiệp 2: Thay Xavi và Iniesta bằng Fabregas và Cazorla. Với hành động ấy, Aragones chấp nhận hi sinh khả năng kiểm soát bóng, tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho các cầu thủ Italia khai thác. Nhưng bù lại, các cầu thủ TBN cũng có nhiều đất hơn để tấn công do lượng người tham gia phòng ngự của Italia đã mỏng đi trông thấy, đặc biệt là sau khi Donadoni "tưởng bở" tung cả Del Piero và Di Natale vào sân. Thực ra, phương pháp "nhử mồi" này đã phát huy tác dụng ở trận gặp Thụy Điển, nhưng không ai nghĩ Aragones lại dám áp dụng nó ở trận gặp Italia, một đối thủ có đẳng cấp cao hơn hẳn đại diện Bắc Âu.
Kỷ lục về người xem Khoảnh khắc Cesc Fabregas tung cú sút quyết định mang lại vé vào bán kết cho TBN đã đi vào lịch sử của truyền hình TBN. Thời điểm ấy, có tới gần 16 triệu người TBN ngồi dán mắt trước màn hình TV, một kỷ lục về số thuê bao tại một thời điểm, cao hơn nhiều so với kỷ lục cũ được lập ra vào tháng 5/2002, vào thời điểm công bố kết quả của cuộc thi âm nhạc Eurovision có sự tham gia của nữ ca sĩ Rosa. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất