ĐT Pháp: Cách mạng tháng Bảy

19/06/2008 11:30 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Sau thất bại thảm hại của “Les Bleus”, chia tay EURO 2008 với vẻn vẹn 1 điểm và 1 bàn thắng, Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) ra thông báo chỉ quyết định tương lai của HLV Raymond Domenech vào ngày 3/7 tới. Tháng Bảy là thời cơ chín muồi cho một cuộc cách mạng mới ở đội tuyển Pháp.

Trong lịch sử thế giới, cụm từ “Cách mạng tháng Bảy” được dùng để nói về cuộc cách mạng diễn ra tại Pháp, chủ yếu ở Paris, vào tháng 7/1830 dưới thời Bourbon phục hoàng, trong giai đoạn cai trị của Vua Charles X. Khi đó, những mâu thuẫn giữa phe tự do và phe bảo hoàng cực đoan đã đẩy nước Pháp vào những biến động chính trị to lớn và kéo dài. Chính chiếu dụ Saint-Cloud, hay còn gọi là “Chiếu dụ tháng Bảy”, với nội dung hạn chế tự do báo chí, giải tán nghị viện, sửa đổi luật bầu cử... đã châm ngòi nổ cho cuộc Cách mạng tháng Bảy, trong tiếng Pháp gọi là Trois Glorieuses, nghĩa là 3 ngày vinh quang (chỉ diễn ra trong 3 ngày).
 
Trước đó nữa, vào cũng vào một ngày tháng Bảy năm 1789, Bastille – một nhà ngục được cải tạo thành kho vũ khí rồi pháo đài ở cửa ô Saint-Antoine ở phía Đông Paris – một biểu tượng của quyền lực Hoàng gia, cũng bị đánh chiếm trong cách mạng Pháp. Ở đất nước nằm bên bờ Địa Trung Hải này, tháng Bảy luôn gắn liền với những biến cố lớn. Giờ đây, người Pháp đang trông chờ một cuộc cách mạng như thế nữa trong bóng đá, khi “Les Bleus” cúi mặt rời EURO 2008.

Thời cơ

Đối với bất kỳ một cuộc cách mạng nào, hai yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên thành công là thời cơ và lực lượng. Thất bại nặng nề ở Áo và Thụy Sĩ cùng sự ra đi của một số cựu binh còn sót lại từ thế hệ vàng chính là thời cơ chín muồi cho một cuộc cách mạng ở đội tuyển Pháp. Sau 4 năm cầm quân với rất nhiều biến cố, Raymond Domenech cho thấy sự bất ổn mà ông đã mang lại cho “Les Bleus” nhiều đến mức nào.
 
Sự mong manh trong từng giải đấu, từng cuộc đua mà đội tuyển Pháp tham gia, sự lộn xộn và những tranh cãi không hồi kết..., tất cả đều bắt nguồn từ cái tên Domenech. Nó khác hẳn với thời kỳ hoàng kim dưới thời Aime Jacquet hay gần hơn, dưới sự dẫn dắt của Roger Lemerre. Thành công đầy bất ngờ của Pháp ở World Cup 2006, lọt vào đến tận trung chung kết và chỉ để thua Italia trên chấm phạt đền, chính là tấm giấy thông hành cho phép Domenech ở lại trên cương vị HLV lâu hơn, ràng buộc đến mùa Hè 2010.

Từ nay đến ngày bản hợp đồng giữa Domenech và FFF đáo hạn, đội tuyển Pháp còn phải tham dự vòng loại (và cả vòng chung kết) World Cup 2010. Nhưng với tất cả những gì đã thể hiện, đặc biệt sau thất bại ở EURO 2008, không mấy người tin rằng “Les Bleus” sẽ giành được tấm vé đi Nam Phi chứ chưa nói đến việc làm nên một điều kỳ diệu thứ hai như từng làm được ở mùa Hè nước Đức hai năm về trước, hay xa vời hơn là đoạt được Cúp vàng. Sự bảo thủ, độc đoán trong nếp nghĩ, sự phản ứng chậm chạp và thiếu cơ động trong cách điều binh trên sân của Domenech đã góp phần đẩy bóng đá Pháp đến chỗ lụn bại. Cho dù Chủ tịch FFF Jean-Pierre Escalettes xin “khất” đến ngày 3/7 mới đưa ra quyết định về tương lai của Domenech để “có thêm thời gian nghiên cứu và phân tích nguyên nhân thất bại tại EURO 2008” nhưng thực tế thì HLV này khó lòng giữ được ghế.

Lực lượng

Có thể không bằng thế hệ đàn anh từng mang về vinh quang cho “Les Bleus” 8 hay 10 năm về trước song những tài năng trẻ hoặc đang ở độ chín hiện tại của bóng đá Pháp cũng không thua kém bất một nền bóng đá nào. Trong khung thành, Pháp có Sebastian Frey đang bắt tốt tại Serie A trong màu áo Fiorentina. Ngoài ra, Steve Mandanda – mới 23 tuổi nhưng vừa nhận danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất Ligue 1, cũng sẵn sàng trở thành một Bernard Lama mới.
 
Tuyến giữa của Pháp có cả Franck Ribery lẫn Samir Nasri đang trên đường trở thành những ngôi sao lớn, bên cạnh Jeremy Toulalan là phát hiện ở EURO 2008 trong vai trò của một tiền vệ trụ. Hàng công đang dư thừa tài năng với những Karim Benzema, Hatem Ben Arfa hay Bafetimbi Gomis... Một số HLV trẻ xuất thân từ thế hệ vàng trước đây, như Didier Deschamps hay Laurent Blanc cũng đã đủ sức gánh vác trách nhiệm mới ở đội tuyển Pháp. Tóm lại, bóng đá Pháp đang có đầy đủ lực lượng để tạo nên một cuộc cách mạng thành công.

Ở EURO 2008, Domenech bị chỉ trích vì quá tin dùng các cận vệ già như thủ môn Gregory Coupet, trung vệ Lilian Thuram mà không trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Pháp khác hoàn toàn với Đức hay Hà Lan, những đội bóng đã sớm làm cách mạng từ sau EURO 2008 và đang chơi tương đối tốt. Đến Raul Gonzalez chơi tốt ở mùa vừa qua còn bị Luis Aragones loại thẳng tay khỏi đội tuyển Tây Ban Nha, điều mà Domenech không dám làm với Thuram hay Coupet. Hệ quả thì ai cũng đã rõ.
 
Thời cơ đã chín muồi, lực lượng đã sẵn sàng, người Pháp chỉ còn chờ đợi FFF phát lệnh cho một cuộc cách mạng sâu rộng ở đội tuyển quốc gia.
 
Phạm Văn Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm