20/10/2023 09:21 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau những trải nghiệm ở VCK World Cup 2023, liệu ĐT nữ Việt Nam có thể nghĩ tới Olympic 2024? Sự thực là giành tấm vé tới Paris mùa hè sang năm khó hơn nhiều…
1. Không khó để nhận ra sự khác biệt về độ khó của việc giành vé tham dự Olympic so với dự World Cup. Đó là số lượng đội tham dự VCK rất nhỏ. Cụ thể: môn bóng đá nữ ở Olympic Paris 2024 chỉ là 12 đội, tức là chỉ xấp xỉ 1/3 so với số lượng đội dự VCK World Cup 2023 (32 đội). Điều đó có nghĩa số vé dự VCK cũng ít hơn rất nhiều.
Tại VCK World Cup 2023, châu Á được trao 6 suất, bao gồm đồng chủ nhà Úc. Việt Nam đã không thể giành vé trực tiếp sau khi dừng bước ở tứ kết Asian Cup 2022 (thua Trung Quốc 1-3), nhưng sau đó ở vòng play-off, chúng ta đã xuất sắc thắng cả Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa để giành tấm vé lịch sử. Tất nhiên, chúng ta cũng được hưởng lợi từ việc nữ CHDCND Triều Tiên không tham dự nữa. Chứng kiến sức mạnh của đội bóng này ở ASIAD 19 vừa rồi, hẳn nhiều người có chung suy nghĩ rằng chúng ta khó có cửa, kể cả tham dự vòng đấu vớt liên châu lục.
Còn tại vòng loại Olympic 2024 thì sao? Số lượng đến Paris chỉ là 12 đội, và số vé IOC phân cho châu Á chỉ vỏn vẹn 2 vé. Con số ấy là quá ít khi mà ngoài 4 "chị đại" châu lục như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên cũng đã trở lại. Cơ hội cho các đội như Việt Nam, Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan, Philippines, Uzbekistan, Ấn Độ rõ ràng là rất nhỏ.
Sự thực là kể từ khi môn bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu của Thế vận hội năm 1996, cả châu Á cũng chỉ có 4 đội từng được tham dự là Trung Quốc (6 lần), Nhật Bản (5 lần), Triều Tiên (2) và Úc (2). Hàn Quốc từng 4 lần dự VCK World Cup nhưng chưa một lần góp mặt ở Olympic. Tương tự là Thái Lan (2 lần dự World Cup), Đài Bắc Trung Hoa (1), Philippines (1), và tất nhiên Việt Nam (1) nữa.
2. Thầy trò Mai Đức Chung tất nhiên cũng không thể tự huyễn hoặc mình rằng tấm vé dự World Cup 2023 đồng nghĩa với việc nghĩ tới một tấm vé dự Olympic. Thất bại ở ASIAD cũng cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn ra sao, cả chủ quan cũng như khách quan.
Nhưng dĩ nhiên, chúng ta cũng có mục tiêu rõ ràng khi tới Uzbekistan. Thực sự thì so với Thái Lan – đội bóng chung bảng với Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, và chủ nhà Trung Quốc – thì bảng đấu của nữ Việt Nam vẫn nhẹ hơn nhiều. Trong khi Nhật Bản – nhà vô địch thế giới 2011 đồng thời là đương kim vô địch ASIAD - ở một đẳng cấp khác hẳn thì Uzbekistan (hạng 50 thế giới) và Ấn Độ (hạng 61 thế giới) là những đối thủ mà chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu chiến thắng, qua đó hướng tới vị trí nhì bảng xuất sắc nhất và lọt vào giai đoạn 3. Dĩ nhiên, đối mặt với những đội nhất ở bảng A và B (nhiều khả năng là Úc và Trung Quốc) là cực khó.
Nhưng khoan hãy nghĩ đến giai đoạn ba khi mà Uzbekistan và Ấn Độ bây giờ cũng không hề dễ chơi. Hãy nhớ rằng Uzbekistan vừa gây bất ngờ khi đánh bại Đài Bắc Trung Hoa để lọt vào bán kết ASIAD 19. Trong khi đó, Ấn Độ cũng khá tiến bộ thời gian gần đây. Trong khi đó, phong độ của chính các tuyển thủ nữ thời gian qua cũng không được tốt, một số trụ cột có dấu hiệu xuống sức, trong khi lứa trẻ vẫn cần thêm thời gian để trưởng thành.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất