Hà Lan: Quên bóng đá tổng lực đi!

04/07/2010 15:50 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Với Bert van Marwijk, Hà Lan có một HLV nhận ra rằng đội bóng của ông không thể chơi bóng đá tổng lực. Thế nên, chiến thắng mới là điều ý nghĩa nhất.

Gần như mỗi lần nhắc đến đội bóng áo da cam, những người hoài cổ lại nhớ lại đội bóng năm 1974. Chính tại World Cup tổ chức ở Đức đó, với cảm hứng từ thiên tài Johan Cruyff, Hà Lan đã giới thiệu với thế giới lối chơi bóng đá tổng lực lôi cuốn, hấp dẫn và đẹp đến mê hồn, làm nên thương hiệu của xứ sở hoa uất kim hương.

Sự kết hợp giữa cách tân về mặt đội hình, chiến thuật, kỹ thuật và một tinh thần tấn công không ngừng nghỉ đã tạo nên cả một làn sóng mới trong thế giới bóng đá. Bóng đá tổng lực, thật ra, không phải là một sáng tạo nguyên bản của HLV ĐT Hà Lan khi đó Rinus Michels. Nguồn gốc của nó có lẽ là từ mối kình địch giữa 2 CLB hàng đầu Eredivisie: Ajax Amsterdam và Feyenoord Rotterdam. Vào lúc Michels và Cruyff xây dựng những nền móng cho lối chơi đó tại Amsterdam, những hình ảnh ban đầu của bóng đá tổng lực cũng manh nha ở Rotterdam cùng một huyền thoại khác: Ernst Happel. Tuy nhiên, chính Ajax là đội đã mang tới những thay đổi quyết định để xây dựng nên Hà Lan 1974.











Các cầu thủ Hà Lan đang chơi ngày càng thực dụng hơn - Ảnh Getty
 Các nhân tố cơ bản cấu tạo nên bóng đá tổng lực bao gồm:

(1) Hai tiền vệ cánh chạy bên cạnh một tiền vệ trung tâm và chơi dạt cánh tối đa.

(2) Hàng phòng ngự sử dụng bẫy việt vị như một vũ khí quan trọng. Trận Hà Lan gặp Uruguay năm 1974 là một ví dụ điển hình khi nhiều lần khiến các cầu thủ đối phương rơi vào bẫy việt vị, thậm chí là ở gần giữa sân.

(3) Tạo ra khoảng trống tối đa trong các đợt tấn công và khi có bóng.

(4) Các cầu thủ thay đổi vị trí để tạo ra các hướng tấn công khác nhau từ những khu vực không ngờ tới trên sân. Đặc biệt, các hậu vệ cánh dâng cao hơn rất nhiều, thậm chí ngang với các tiền đạo.

Ý tưởng về “tổng lực” trong bóng đá tổng lực của Michels là cả đội bóng cùng nhau tấn công, cùng nhau phòng ngự và các cầu thủ có thể đổi chỗ. Trong trường hợp Hà Lan, đó là sự kết hợp trực tiếp từ những thành công của Feyenoord và Ajax vào đầu những năm 1970. Đội hình xuất phát của Hà Lan trong trận chung kết gặp Tây Đức năm 1974 bao gồm 3 cầu thủ của Feyenoord, 5 người từ Ajax cũng như Cruyff, người vừa rời Ajax để đến Barcelona. Người còn lại, Rob Rensenbrink, chơi bóng ở Bỉ và thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với phong cách và hệ thống mà những cầu thủ khác đã rất quen thuộc.

Chính từ nền tảng đó, Hà Lan đã có những trận đấu khó tin vào năm 1974. Bóng đá tổng lực không phải là một hệ thống chiến thuật, mà là tinh thần và tư duy của các cầu thủ. Nó yêu cầu mọi vị trí trên sân phải ý thức được những chuyển động và dự tính của toàn đội để lấp đầy vào những khoảng trống một cách chính xác cả khi phòng ngự và tấn công. Ajax, đúng như dự đoán, sa sút sau khi Cruyff và Michels ra đi. Hà Lan tiếp tục vào được đến chung kết năm 1978, nhưng bóng đá tổng lực như thế giới từng biết đến đã không còn nữa. Kể từ sau năm 1974, lối chơi đó dường như đã trở thành một thứ huyền thoại, một “bí kíp thất truyền” chỉ còn trong tưởng tượng và ký ức.

Hà Lan 2010, với những gì họ đã thể hiện, càng cho thấy sự thực dụng hơn bao giờ hết. Bert van Marwijk muốn vô địch World Cup, và ông sẽ làm những gì cần thiết để đạt tới mục tiêu đó. Van Marwijk có lẽ là HLV Hà Lan đầu tiên sau nhiều năm qua chấp nhận rằng không có ai trong 23 cầu thủ của mình có những phẩm chất và sự đa dạng như Johan Neeskens hay Cruyff cùng các ngôi sao khác năm 1974.

Sẽ là vô lý nếu chờ đợi thế hệ những Arjen Robben và Wesley Sneijder hiện giờ, dù họ cũng tài năng, chơi bóng đá tổng lực. Điều mỉa mai là chính Brazil, bại tướng của Hà Lan ở vòng tứ kết, đã cho thấy một đội bóng định chơi tấn công điên cuồng có thể bị đè bẹp ra sau khi họ "nghiền nát" Chile ở vòng 16 đội.

 

Trần Trọng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm